Cây tiêu lên ngôi

19/01/2013 09:53 GMT+7

Giá hạt tiêu hiện đạt mức 130.000 đồng/kg, làm nhiều nhà vườn ở Bình Phước phải gầy dựng lại vườn tiêu.

Nuối tiếc thời vàng son

Tỉnh Bình Phước được đánh giá có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước,  với hơn 10.000 ha và hiện tại mỗi năm tăng thêm khoảng 500ha. Con số ấy chẳng thấm vào đâu so khoảng mười năm trước, khi cây tiêu Bình Phước còn trong “thời kỳ vàng son”.

Còn nhớ thời điểm đó, từ Bình Long, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp…đi đâu cũng thấy bạt ngàn hồ tiêu. Nhà vườn đua nhau trồng tiêu, đua nhau làm giàu. Thế rồi, sau một thời gian phát đạt, bỗng hàng chục ngàn héc ta hồ tiêu xanh tốt từ từ lụi tàn. Những vườn tiêu bị bỏ hoang tàn, gỗ làm trụ bị nhổ lên, chất thành từng đống lớn bán cho thương lái. Đi dọc QL13 ngày ấy, từ xã Thanh Phú (TX.Bình Long) lên đến các xã Tân Tiến, Tân Thành (H.Bù Đốp) đều có thể nhìn thấy những vườn tiêu xác xơ, ảm đạm. Ở Lộc Ninh từng được mệnh danh là “thủ phủ” của vương quốc hồ tiêu Bình Phước, thế mà nhiều vườn đã phải thay thế bằng cây cao su. Ông Điểu Bước- nguyên chủ tịch UBND xã Lộc An (H.Lộc Ninh) từng trồng đến hơn 5.000 trụ tiêu bùi ngùi nhớ lại: “Khoảng năm 2004-2005, cây tiêu ở Bình Phước bị dịch, khiến tiêu chết hàng loạt. Cùng với đó, giá hạt tiêu rớt từ 120.000đồng/kg xuống còn có 18-20.000 đồng/kg làm cho nhà nông kiệt quệ. Giá tiêu thấp, thu hoạch mỗi ngày chỉ đủ trả tiền công thuê người hái, tiền mua dầu chạy bơm nước tưới, thì còn đâu tiền để mua phân, thuốc chăm bón vườn tiêu”.

Cây tiêu lên ngôi
Cây tiêu tại Bình Phước đang lên ngôi, khi giá cả đầu vụ đạt 130.000 đồng/kg

“Cứu” cây tiêu để thoát nghèo

Những ngày này về Lộc Ninh, đi trên con đường liên xã Lộc Điền- Lộc Thuận, chúng tôi thấy những vườn tiêu mới trồng đang vươn lên mạnh mẽ. Anh Văn Công Tiến (ấp 9, xã Lộc Thuận, H.Lộc Ninh) từng có hơn 4.000 trụ tiêu (từ năm 2003-2007), nhưng nay vườn tiêu này bị chết gần hết, chỉ còn lại khoảng 200 trụ. Tiêu chết, anh Tiến chuyển qua trồng cao su trên diện tích 2 ha và phần đất còn lại (gần 2 ha) anh bắt tay trồng lại tiêu. Dẫn chúng tôi tham quan vườn tiêu xanh tốt và sai trái của mình, anh Tiến cho biết: “Khi thu hoạch năm đầu tiên, mỗi nọc tiêu chỉ được khoảng 1 kg hạt, nhưng đến năm thứ hai có thể hái được 3kg và với những vườn tiêu lâu năm có thể thu 5 kg/ vụ”. Theo anh Tiến, thông thường với một sào đất (1.000m2) nhà nông trồng được khoảng 250 trụ tiêu và nếu chăm sóc tốt có thể thu từ 7,5 tạ đến 1 tấn hạt tiêu. Với mức giá 130.000 đồng/kg như hiện tại thì mỗi sào đất trồng tiêu mang về cho nhà nông trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm và như vậy nếu có 1 ha trồng tiêu thì nhà nông sẽ thu về tiền tỷ. Bà Thị Niết (ấp 9, xã Lộc Thuận) có 600 trụ tiêu hiện đang thu hoạch năm thứ năm nói với chúng tôi: “Phải cố gắng chăm sóc tiêu, bởi một sào tiêu bây giờ gần bằng cả mẫu (10.000m2) cao su”.

Cây tiêu lên ngôi
Thu hoạch tiêu

Cây tiêu đã từng giúp nhiều nhà nông trở thành tỷ phú nhưng rồi cũng chính loài cây này làm bao nhà vườn điêu đứng, phải bán đất, bán vườn. Sau bao nhiêu thăng trầm với cây tiêu, giờ đây khi gầy dựng lại, chắc chắn nhiều nông dân đã tích lũy được không ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với họ là làm sao giá tiêu giữ được ổn định, bởi nếu cây tiêu được trồng ồ ạt mà hạt tiêu lại mất giá thì nhà nông sẽ lâm vào cảnh túng quẩn và cây tiêu cũng sẽ bị “bỏ rơi” như trước đây.

Tại Bình Phước, các giống tiêu Ấn Độ, Vĩnh Linh đang chín rộ, nhiều nhà vườn đã hái đợt 2, thậm chí là sắp hái đợt 3 (hái xả). Cùng với việc nhiều nhà vườn đầu tư chăm sóc và tăng cường trồng lại cây tiêu, thì gỗ làm trụ và dây tiêu giống cũng đang “hút hàng”. Theo nhiều nhà vườn, với một trụ tiêu (nọc gỗ) có giá khoảng 230.000 đồng.

Thống Nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.