Vi phạm nghiêm trọng trong việc thu học phí, thực hiện trợ giá, trợ cước...

19/12/2005 23:50 GMT+7

Ngày 19.12, hội nghị toàn ngành thanh tra tài chính diễn ra tại Hà Nội. Việc công bố một số kết quả của các đợt thanh tra diện rộng về thu học phí tại các trường đại học, trong việc thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước cho các vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng cao, vùng sâu... do Thanh tra Bộ Tài chính và thanh tra tài chính các địa phương tiến hành đã gây bất ngờ cho không ít đại biểu.

Theo ông Phạm Đức Hồng, Phó chánh thanh tra tài chính, Bộ Tài chính, kết quả thanh tra 8/11 trường đại học, trong đó có các trường đại học lớn như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh... và một số cơ sở đào tạo khác cho thấy việc thu và sử dụng học phí còn rất tùy tiện. Phần lớn các trường đều có hiện tượng "nâng mức thu học phí, lệ phí lên cao hơn quy định để tăng nguồn thu cho đơn vị". Cũng theo ông Hồng, số tiền thu và miễn giảm học phí, lệ phí sai quy định là gần 27,6 tỉ đồng. Điều đáng lưu ý khác là tiền học phí các trường thu được từ học sinh, sinh viên chủ yếu dành cho chi thường xuyên... mà không trích để đầu tư, xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất theo chế độ quy định. Tại các đơn vị được kiểm tra, đã có tình trạng sử dụng sai mục đích số tiền trên 27,8 tỉ đồng. Trong khi kinh phí cho công tác nghiên cứu còn hạn chế, các trường lại để tồn đọng hơn 34 tỉ đồng, trong đó có 76 đề tài được cấp phát kinh phí nhiều năm nhưng không thực hiện... Từ các sai phạm trên, thanh tra tài chính đã yêu cầu thu hồi về ngân sách số tiền gần 28,6 tỉ đồng và trừ giảm giá trị quyết toán trên 13,7 tỉ đồng.

Báo cáo do Phó chánh thanh tra tài chính của Bộ Tài chính Phùng Thanh Sơn trình bày cho thấy, những sai phạm trong việc trợ giá, trợ cước cho đồng bào dân tộc ít người, ở vùng sâu, vùng xa... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của chương trình này. Có tới 27 đơn vị được phát hiện là đã bán các mặt hàng trợ giá, trợ cước, thu mua nông sản... sai đối tượng với số tiền quyết toán trên 8,1 tỉ đồng; 13 đơn vị chưa thực hiện đúng giá bán các mặt hàng chính sách, 16 trường hợp quyết toán khống...

Theo ông Nguyễn Kim Liên, Chánh thanh tra tài chính, Bộ Tài chính, nếu tính cả cả từ năm 2004 đến nay, thanh tra ngành tài chính đã tiến hành gần 1.200 cuộc thanh tra và đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính số tiền lên tới 3.905 tỉ đồng, trong đó thu vào ngân sách hơn 2.791 tỉ đồng và gần 3,3 triệu USD (trong đó, riêng Thanh tra Bộ Tài chính hoàn thành 50 cuộc thanh tra, phát hiện và kiến nghị xử lý 1.551 tỉ đồng).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Huỳnh Thị Nhân yêu cầu trong năm tới, ngành thanh tra tài chính cần tập trung vào lĩnh vực chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phù hợp với Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện các luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí do QH mới ban hành.

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.