Nghiệp đò trên bến Ô Môi

04/04/2014 10:55 GMT+7

Bến đò Ô Môi bên bờ sông Hậu (P.Mỹ Long, TP.Long Xuyên, An Giang) không biết có từ khi nào, còn những “vạn đò” chỉ nhớ đã nối nghiệp cha ông ngày trước...

Bến đò Ô Môi bên bờ sông Hậu (P.Mỹ Long, TP.Long Xuyên, An Giang) không biết có từ khi nào, còn những “vạn đò” chỉ nhớ đã nối nghiệp cha ông ngày trước...

 Bến Ô Môi
Nhiều phụ nữ mưu sinh bằng nghề chèo đò trên bến Ô Môi - Ảnh: Minh Anh

“Nữ tướng” lái đò

Sáng sớm là lúc bến đò Ô Môi trở nên nhộn nhịp bởi tiếng mái chèo khua, tiếng máy chạy xình xịch... Từ đây, những con đò nhỏ lắc lư theo từng con sóng để chở khách và hàng hóa sang chợ Long Xuyên.

 

Cực nhất là vào mùa lũ nước chảy xiết, xuống chợ nổi Mỹ Phước chở hàng về cho khách phải mất gần một tiếng đồng hồ, mệt muốn đứt hơi. Mỗi khi gặp ghe lớn chạy qua, phải cố hết sức chèo tấp nhanh vào bờ, rồi vịn chặt vì sợ chìm ghe hàng thì không biết lấy tiền đâu mà đền...

Ông Nguyễn Văn Nở

Hơn 20 năm mưu sinh trên sông nước, chị Lâm Thị Thúy (ngụ cồn Phó Ba) vẫn chắc tay chèo và được mọi người phong là “nữ tướng” lái đò. Thôi chồng ở tuổi đôi mươi, chị phải một mình chèo đò nuôi 2 con ăn học. Hôm xuống đò qua xã Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi thầm thán phục tài lái đò của chị. Dù là phận “chân yếu tay mềm”, nhưng chị vẫn quay nổ chiếc máy dầu cỡ lớn, rồi từ từ điều khiển đò rời bến giữa dòng nước cuồn cuộn chảy. Chị Thúy nói: “Ổng bỏ đi bặt tin, để lại 2 đứa con thơ. Từ đó đến nay, không kể nắng mưa, tôi bầu bạn với chiếc ghe đưa rước khách để kiếm tiền nuôi con. Sau khi tích lũy được số vốn, tôi mua chiếc ghe máy này làm phương tiện. Mùa nước nổi, chạy đò máy khỏe hơn chèo, đưa khách an toàn và chạy được nhiều chuyến, thu nhập cũng khá hơn”.

Hiện bình quân mỗi ngày chị Thúy chạy khoảng chục chuyến, kiếm được hơn 100.000 đồng, đủ đong gạo và lo cho các con ăn học. Con chị, đứa lớn tên Lâm Văn Bổn đang học lớp 6, còn đứa nhỏ Lâm Văn Thiện thì đang học lớp 2 Trường tiểu học Lý Tự Trọng bên cồn Phó Ba. “Đưa đò ngày nào ăn hết ngày đó, nhưng việc mưu sinh cũng chẳng ngại bằng việc học của các con. Bởi cồn nằm thoi loi giữa sông, nếu các con lên trung học phải qua sông mỗi ngày, ai đưa đón?”, chị Thúy buồn so.

Tròng trành cuộc mưu sinh

Ngồi trên bến, bất chợt bên sông có tiếng gọi đò văng vẳng, ông Nguyễn Văn Nở mở dây, quay chiếc đò chạy sang rước khách. 52 tuổi nhưng ông đã gắn bó với nghề đưa đò hơn 30 năm. Ông kể: “Hồi đó, bến nằm ở cầu cá cũ, có khoảng 100 chiếc đò chèo. Sau đó bến dời về chợ Long Xuyên và bây giờ về nằm cặp bến phà Ô Môi để tiện cho việc đưa rước khách. Sỡ dĩ bến đò này được duy trì cho đến ngày nay là do nơi đây địa hình sông nước, có nhiều cồn bãi, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản của bà con còn phổ biến. Ngoài ra, ở Mỹ Phước có xóm ghe nổi, chợ nổi nên đò dọc chính là phương tiện đi lại chính trên sông. Nghề này cũng giúp nhiều người có thu nhập quanh năm. Đặc biệt, trong làm ăn không phải cạnh tranh, giành khách, mối ai nấy đưa, còn ai bắt khách được thì người đó có quyền đưa hoặc rước”.

Gần cả đời gắn bó với nghiệp đưa đò, ông Nở nhớ rất rõ về một thời hai tay chai sần, lã mồ hôi để đưa, rước khách qua sông. “Cực nhất là vào mùa lũ nước chảy xiết, xuống chợ nổi Mỹ Phước chở hàng về cho khách phải mất gần một tiếng đồng hồ, mệt muốn đứt hơi. Mỗi khi gặp ghe lớn chạy qua, phải cố hết sức chèo tấp nhanh vào bờ, rồi vịn chặt vì sợ chìm ghe hàng thì không biết lấy tiền đâu mà đền. Còn khách du lịch thì thường thích đi đò chèo đến thăm chợ nổi. Vừa đưa khách vừa run vì sợ bất chợt sóng to gió lớn”, ông Nở kể.

Hiện nay, một số con đò ở bến Ô Môi đã được trang bị máy móc nhưng vẫn còn nhiều người do không có tiền nâng cấp phương tiện phải căng sức chèo đò đưa rước khách để đổi lấy miếng cơm. Cuộc mưu sinh của họ, xem ra, sẽ còn tiếp tục tròng trành với chiếc xuồng con trên sóng nước.

Minh Anh

>> Đình chỉ 2 bến đò khách tự phát
>> Lập 3 bến đò ngang an toàn
>> Những bến đò ngang tiềm ẩn hiểm nguy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.