Những hòn vọng... Thê thời nay: Những gia cảnh bi thương

23/12/2008 15:23 GMT+7

Xưa có những người vợ chờ chồng, hóa đá, thành Hòn Vọng Phu. Nay có những người chồng chờ vợ, thành câu chuyện về những Hòn Vọng Thê thời hiện đại. Trong số đó, không ít câu chuyện buồn sau lũy tre làng…

Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh những năm gần đây bỗng vụt lên khá giả khác thường vì xuất khẩu lao động (XKLĐ), được mệnh danh là “Làng Hàn Quốc ở Việt Nam”. Trong số 2.015 người đang lao động tại nước ngoài có khoảng gần 500 phụ nữ. Họ đã góp vào sự giàu có chung của cả xã. Nhưng, đã không hiếm gia đình rơi vào cảnh bần cùng.

“Gà trống” nuôi con

Chúng tôi tìm đến nhà anh Hoàng Văn Thanh sinh 1970, có vợ là Lê Thị Tằn sinh năm 1968 hiện đang ở Malaysia. Ngôi nhà ngói hai gian trống trơ chỉ có vài chiếc ghế nhựa vứt lỏng chỏng. Trời đã gần trưa mà nhà chẳng thấy dấu hiệu gì của việc chuẩn bị cơm nước. Tôi mạnh dạn đi vào phía buồng thấy mấy bộ quần áo cũ  lòng thòng vắt trên dây nhựa. Chiếc giường đặt cạnh cửa sổ được phủ bằng một cái màn rách trông đến thê thảm.

Sau những tiếng gọi lớn của chị Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã dẫn đường, mới nghe có tiếng rên trong đống chăn lùm xùm giữa giường đáp lại. Hóa ra chủ nhà bị ốm đang nằm li bì trong chăn. Tôi động viên mãi anh mới ngồi dậy nói thều thào mấy tiếng: “Đi làm về... bị sốt... kiệt sức chưa dậy được”.

Nhìn thần sắc người đàn ông này không đến nỗi nhưng những lời mà anh kể về gia cảnh mình, nghe thật não nùng: “Khổ lắm các bác ơi. Vợ em đi Malaysia vay mượn hàng chục triệu đồng, đã hai năm nay mới gửi về được 4 triệu, chỉ còn chưa đầy năm nữa là hết hạn nhưng ở bên ấy nghe nói vợ em cũng chỉ làm vừa đủ ăn...”

Vợ đi vắng, ở nhà Thanh làm phụ hồ mỗi ngày được khoảng 40.000 đồng. Nhưng công việc cũng “bữa đực, bữa cái”. Trong khi nhà có bốn miệng ăn, nên nhà anh đang thuộc diện hộ đói. 

Khi chúng tôi đang trò chuyện với Thanh thì ba đứa con nhỏ nhếch nhác chạy từ đâu về đòi cơm. Anh Thanh dỗ dành: “Bố còn ốm chưa mua được gạo, chờ chút nữa đi vay rồi bố sẽ nấu cơm...”. Đứa con trai bé nhất không chịu, buộc bố phải đưa nồi cơm điện ra mở cho nó xem, thấy trống không, nó xịu mặt, thôi không đòi.

Cạnh nhà Hoàng Văn Thanh, một căn nhà xây tạm bợ cửa đóng kín mít không có lối ra vào. Chị Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã giới thiệu: Đây là cơ ngơi của Hoàng Văn Long có vợ là chị Trần Thị Xuân cũng đang lao động ở nước ngoài. Đôi vợ chồng này mới có một con nhỏ  4 tuổi, gửi cho ông bà ngoại. Long ở một mình, cũng đi phụ hồ như Thanh nhưng góp được đồng nào là vừa đủ nuôi bản thân, chẳng biết lấy gì mà tích lũy.

Đã hai ngày chúng tôi về Cương Gián, đảo đi đảo lại nhiều lần muốn tìm gặp bằng được Long để nghe anh kể về cuộc sống của mình nhưng đến lúc nào cũng thấy cửa đóng then cài, chỉ có mấy bộ quần áo lao động nhàu nát phơi trên tường rào.

Cũng gia cảnh như Thanh và Long, Hội phụ nữ xã thống kê lên một danh sách hàng chục gia đình có vợ đi XKLĐ nhưng cuộc sống rất khó khăn. Nhiều ông chồng đành bỏ con lại cho bố mẹ vào Nam làm thuê cuốc mướn.

 
Bà cụ 85 tuổi chăm sóc đứa cháu tàn tật.

Chồng chết, vợ vắng nhà

Anh Trần Văn Niềm (sinh năm 1960, ở Xóm 2, xã An Lộc, huyện Lộc Hà), vợ là Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1962) hiện đang ở Đài Loan. Anh Niềm ốm đau bệnh tật ngóng trông vợ suốt ba năm, nhưng vợ chẳng có tiền gửi về. Khi anh từ giã cõi đời sang thế giới bên kia, chị Thu cũng không thể về tiễn biệt, chịu tang.

Căn nhà bên đường, khi chúng tôi đến hai cánh cửa sắt cổng chính chốt chặt từ lâu, cỏ dại đã mọc um tùm. Một bà cụ lọm khọm đang ngồi bên một người tàn tật, quặt quẹo cả chân lẫn tay, không đi lại được, giọng nói ú ớ không rõ âm.

Bà già tự giới thiệu tên là Nguyễn Thị Biềng, 85 tuổi, còn cháu tên là Trần Thị Thương 21 tuổi, con riêng của anh Trần Văn Niềm với người vợ trước. Khi mẹ cháu có thai được mấy tháng thì bị ốm phải tiêm nhiều thuốc tây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Cháu Thương sinh ra tay chân co quắp, khóc không ra tiếng. Khi cháu lên hai thì mẹ qua đời.

Chị Thu hồi ấy còn là con gái đem lòng yêu thương anh Niềm, hai người kết hôn và đã có với nhau 3 mặt con, hai trai một gái. Cách đây 4 năm, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị Thu bàn với chồng sang giúp việc gia đình tại Đài Loan.

Khi vợ đi vắng, một mình anh Niềm ở nhà nuôi 4 con, trong đó có một đứa tàn tật. Việc nhà vất vả, anh Niềm ngã ra ốm đau, thiếu người chăm sóc. Nhiều lần trông ngóng vợ nhưng chị Thu không thể về vì tiền vé máy bay hai chiều đâu phải ít. Nên dù thương chồng cũng đành chịu.

Anh Niềm ra đi để lại 4 đứa con thơ dại, 3 đứa con chung lành lặn là Trần Văn An 14 tuổi, Trần Văn Khang 12 tuổi và Trần Thị Trang 10 tuổi đành phải đưa sang nhờ bác ruột Trần Văn Dũng nuôi hộ. Riêng cháu Trần Thị Thương bị liệt nằm một chỗ, gánh nặng này đặt trên vai bà nội đã 85 tuổi, hàng ngày phải lọm khọm chăm nom.

Tại huyện Kỳ Anh, theo báo cáo sơ bộ hiện có 4.655 người đang lao động ở nước ngoài, trong đó có khoảng 1.500 phụ nữ đã có chồng ở nhà. Chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Mậu Nông sinh năm 1970, vợ là Đặng Thị Bích sinh năm 1972.

Đôi vợ chồng này đã có 3 con, đứa lớn 16 tuổi, đứa nhỏ nhất là 10 tuổi. Khi chị Bích đi XKLĐ vợ chồng vay mượn được 26 triệu làm lộ phí. Sang Malaysia đã hơn 2 năm, chị Bích mới chỉ gửi về được 4 triệu đồng. Với ngần ấy chưa giúp được gì cho bố con mà chỉ lo để trả nợ gốc. Hằng tháng, anh Nông vừa phải kéo cày nuôi con và... lo thêm khoản nợ lãi mỗi tháng 300.000 đồng. Số nợ gốc 22 triệu vẫn còn khoanh lại đó.

Đứa con gái thứ hai tên là Nguyễn Thị Hằng 14 tuổi, chăm ngoan và học giỏi, hai năm mẹ đi vắng, cháu đóng vai nội trợ gia đình, làm việc cật lực. Năm vừa rồi cháu học xong lớp 9, bị ốm đột xuất không có tiền chạy chữa kịp thời phải chết một cách oan uổng.

Chỉ một xóm nhỏ xung quanh nhà anh Nông cũng đã có khoảng 4-5 gia đình, vợ đi lao động ở nước ngoài để chồng và 2-3 đứa con ở nhà, họ có hoàn cảnh khó khăn rất giống nhau, sống thiếu thốn và nheo nhóc. Khoản tiền mẹ vay ra đi hàng chục triệu, nay hạn làm việc ở bên kia sắp hết nhưng nợ cũ hầu như vẫn còn nguyên.

Những gia đình nghèo này hầu hết chỉ đủ điều kiện đi Malaysia. Theo thông tin từ phía nước ngoài, hiện tại người lao động ở địa bàn ấy kiếm được một tháng vài triệu đồng cũng rất khó khăn, chỉ vừa đủ chi phí cho mình. Khoản tiết kiệm gửi về không đáng kể. Người chồng ở nhà ngóng trông vào tiền vợ... nhưng ngày càng thất vọng.

Kỳ 2: Vợ mình mà chẳng dám ôm!

Theo Võ Minh Châu / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.