Ngẫu hứng hiphop với nhạc dân tộc Việt Nam

21/12/2008 11:42 GMT+7

Khán giả Việt Nam vừa thán phục vừa ngạc nhiên với màn trình diễn độc đáo của vở múa hiphop “Nhiều mặt” được dàn dựng bởi hai nhà biên đạo múa, kiêm thiết kế và viết kịch bản người Đức và Pháp - Raphael Hillebrand và Sebastien Ramirez, vừa được 9 nghệ sĩ hiphop của ba nhóm hiphop Việt Nam (Big Toe, Milky Way và Sacred Crew) trình diễn 4 đêm tại Nhà hát Tuổi trẻ - Hà Nội và Nhà hát Bến Thành-TPHCM.

Xen lẫn những vũ điệu hiphop nóng bỏng và mạnh mẽ là những điệu múa truyền thống của dân tộc H’Mông, Mường, Tày ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Một sự kết hợp tưởng chừng khó có thể thực hiện được nhưng lại tạo ra một phong cách mới lạ và độc đáo cho vở múa hiphop.

Sau bốn đêm diễn ở Việt Nam, các nghệ sĩ đã đến Indonesia. Không dừng lại ở đó, Sebastien Ramirez cho biết, một ngày không xa, khán giả châu u sẽ biết đến văn hóa Việt Nam thông qua vở diễn này.

Phóng viên SGGP có cuộc trò chuyện với Raphael và Sebastien sau khi chương trình kết thúc.

* PV: Tại sao hai anh có ý tưởng kết hợp giữa vũ điệu hiphop hiện đại với các vũ điệu truyền thống của Việt Nam để tạo ra vở múa Hiphop “Nhiều mặt”?

Sebastien: Tôi đã đến Việt Nam 6 lần. Lần đầu tiên vào năm 2004 và ấn tượng của tôi về đất nước các bạn là giao thông. Xe cộ đi lại rất nhiều. Tôi quan sát và cảm thấy rất thích thú với cuộc sống ở đây. Do đó, tháng 1/2007 tôi đã cùng Storm, bạn của mình đứng ra thiết kế vở múa hiphop “Traffic” (dịch là Xe cộ), nội dung chủ yếu nói về giao thông ở Hà Nội. “Traffic” cũng được Viện Goethe và L’Espace tài trợ.

Sau thành công của “Traffic”, tôi quyết định tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa Việt Nam, tôi đã cùng Raphael du lịch đến các vùng Tây Bắc để hiểu về phong tục, tập quán của các bạn. Ở đây chúng tôi phát hiện ra những điệu múa rất gần với hiphop như múa khèn, múa trống. Cũng những điệu nhảy trên sàn và các động tác rất mạnh mẽ của hiphop. Thậm chí cả về nhạc trống cũng rất rộn rã và dữ dội. Do đó, chúng tôi nảy ra sáng kiến sẽ dựng một vở hiphop kết hợp giữa truyền thống và đương đại.

Sau 3 tháng nghiên cứu các âm điệu nhạc lý của Việt Nam và casting, chúng tôi đã chọn được 9 nghệ sĩ hiphop. Chúng tôi muốn tạo ra một vở múa độc đáo nhất từ trước đến nay trong dự án của chúng tôi ở khu vực Đông Nam Á, “Nhiều mặt” vừa như là một vở nhạc kịch, lại vừa là một vở múa hiphop biến tấu mà ở đó mỗi cá nhân đều được thăng hoa trong từng điệu nhảy của mình.

Raphael: Khác với Sebastien, tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vì thế cảm nhận của tôi khác Sebastien, nhưng khi cùng Sebastien đi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam để cho ra đời “Nhiều mặt”, tôi cảm thấy văn hóa của các bạn rất đa dạng.

Trên hết, chúng tôi đều chung cảm nghĩ đó là vũ điệu ở các khu vực Tây Bắc Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với hiphop, đó là lý do tại sao “Nhiều mặt” ra đời và được sự tán thưởng của khán giả Việt Nam. Các bạn sẽ thấy hiphop không chỉ là những vũ điệu đường phố khó hòa nhập mà ngược lại khi kết hợp truyền thống và đương đại trong hiphop, các bạn thấy được văn hóa của mình ở trong đó.

* PV: Sân khấu và nhạc diễn là sự kết hợp giữa nhạc cụ cổ truyền Việt Nam và âm nhạc hiphop phổ biến, hai anh có nghĩ mình đang làm một điều “phi thường” và liệu điều “phi thường” ấy sẽ được chấp nhận bởi các khán giả trung thành của hiphop?

Sebastien: Như đã nói, chúng tôi muốn làm một điều gì đó đột phá và cách điệu. Do đó chúng tôi chọn đàn tranh, trống, bộ gõ, đàn bầu, đàn T’rưng và những nhạc cụ tạo âm thanh réo rắt của núi rừng Việt Nam để hòa phối cho vở hiphop “Nhiều mặt”.

Những dự án trước đây của chúng tôi phần lớn thực hiện ở châu u, do đó những nét khác biệt lớn về vũ đạo lẫn nhạc khí không nhiều. Nhưng ở Việt Nam, khi dựng vở múa này, chúng tôi cảm thấy rất thú vị. Lúc đầu chúng tôi cũng hơi lo không biết liệu khán giả có chấp nhận. Nhưng sau 2 đêm diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ, chúng tôi cảm thấy rất tự tin để tiến vào TPHCM. Và, bằng chứng như các bạn thấy đó, khán giả ở TPHCM cũng rất ủng hộ, chúng tôi nghe những tràng pháo tay vỗ liên tục. Như thế là đã thành công rôi!

* PV: Anh đánh giá như thế nào về các nhóm Hiphop Việt Nam?

Raphael: Chúng tôi đã mất 2 tuần để casting. Chúng tôi muốn chọn những nghệ sĩ có năng khiếu nổi trội nhất để huấn luyện họ. Vì trong vở múa hiphop này, hầu hết các động tác đều rất khó. Rất may, cuối cùng chúng tôi đã có những cộng sự đáng tin cậy. 9 thành viên của Big Toe, Milky Way và Sacred Crew đã thể hiện rất tốt. Họ tiếp thu khá nhanh và đã có được nhiều kinh nghiệm sau khi tham gia vở diễn này. Thông qua họ, chúng tôi cũng hiểu thêm nhiều về văn hóa Việt Nam. Đúng là thời gian qua, chúng tôi đã học hỏi ở nhau rất nhiều điều…

* PV: Kế hoạch trong tương lai của hai anh là gì? Liệu sẽ có một vở múa Hiphop khác kết hợp giữa các vũ điệu dân tộc ở khu vực miền Nam Việt Nam với phong cách Hiphop hiện đại?

Sabastien & Raphael: Sau khi diễn 2 đêm ở Jakarta và Pedang (Indonesia) theo lời mời của Viện Goethe tại Indonesia, chúng tôi sẽ về lại Pháp và Đức. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm DVD về vở diễn và sẽ giới thiệu vở diễn với khán giả châu u. Nếu chúng tôi thành công trong việc quảng bá vở diễn tại châu u, chúng tôi sẽ đưa đoàn đi lưu diễn tại châu u trong năm 2009.

Thật sự chúng tôi không có nhiều thời gian và cơ hội du lịch đến miền Nam, tuy nhiên qua nghiên cứu từ các tài liệu, chúng tôi cũng rất háo hức về văn hóa phương Nam. Hy vọng một ngày gần nhất, chúng tôi sẽ thực hiện dự án của mình tại TPHCM và biết đâu đấy, một vở múa hiphop với sự kết hợp mới sẽ ra đời…

Theo Huỳnh Minh Thảo (Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.