Những “nốt trầm” giáo dục

29/12/2009 23:36 GMT+7

Bức tranh giáo dục năm 2009 sẽ không thể hoàn chỉnh nếu chỉ có những thành tựu nổi bật do chính Bộ GD-ĐT tổng kết và công bố.

Những dự thảo gây tranh cãi

2009 là năm có không ít quy định mới về GD-ĐT được ban hành. Tuy nhiên, có những quy định vừa được công bố khi còn là dự thảo đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận.

Đầu tiên phải kể đến là dự thảo Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi được Bộ GD-ĐT công bố ngày 4.2.2009. Với 29 chuẩn và 125 chỉ số, dự thảo này đã khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh vô cùng hoang mang. Những chỉ số mà bộ chuẩn này đưa ra chi tiết tới mức khiến cho người ta hình dung rằng tất cả những trẻ em 5 tuổi giống như những “cỗ máy” mà khi nhấn nút vận hành là phải đạt được tất cả những chỉ số như nhau.

PGS.TS Nguyễn Công Khanh (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khi góp ý cho dự thảo bộ chuẩn nói trên đã cho rằng, những tiêu chí “cứng” và quá chi tiết, lạm dụng đánh giá đứa trẻ bằng “định lượng” như vậy chắc chắn sẽ gây hiểu lầm, hoang mang và tranh cãi.

Với nhiều ý kiến trái chiều như vậy, dự thảo chuẩn 5 tuổi đã rơi vào “im lặng”...

Dự thảo đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của GD-ĐT giai đoạn 2008-2012” được Bộ GD-ĐT công bố vào tháng 5.2009 dự kiến điều chỉnh học phí từ bậc phổ thông tới ĐH đã gây “sốc” dư luận:  bậc ĐH, mức học phí mới được áp dụng với 7 nhóm ngành học, được tính theo từng bậc học và loại hình đào tạo. Theo đó, nhóm ngành Y dược có mức học phí cao nhất là 800.000 đồng/tháng/sinh viên. Học phí của các nhóm ngành còn lại dao động từ 230.000 - 650.000 đồng/tháng/sinh viên. Riêng SV ngành Sư phạm sẽ đóng mức học phí từ 200.000 - 500.000 đồng/tháng; học phí phổ thông không quá 6% thu nhập hộ gia đình.

Sau khi nghe góp ý của Thường vụ Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã chỉnh sửa dự thảo đề án này, lấy mốc thời gian là giai đoạn 2009-2014, và lùi thời gian áp dụng sang năm học 2010-2011 thay vì 2009-2010 như dự kiến. Năm 2009, khi chưa thực hiện đề án, học phí đào tạo tăng bằng 50% mức trượt giá năm 2008 so với năm 2000. Mức học phí phổ thông vẫn giữ nguyên và chưa điều chỉnh.

Dự thảo quy định “Quản lý người Việt Nam đào tạo ở nước ngoài” được Bộ GD-ĐT công bố vào cuối tháng 11.2009 cũng là một văn bản gây nhiều bức xúc, đặc biệt là với chính những học sinh, sinh viên đang du học ở nước ngoài. Điều khiến các ý kiến tỏ ra bất bình nhất là quy định về việc du học sinh phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước và yêu cầu lưu học sinh được ở lại làm cộng tác viên khoa học hoặc hợp đồng lao động, thời gian ở lại không quá 3 năm kể từ khi tốt nghiệp.

Sau rất nhiều ý kiến góp ý, đại diện ban soạn thảo quy định nêu trên đã hứa sẽ rà soát lại toàn bộ nội dung dự thảo và xem xét, chỉnh sửa những vấn đề bất hợp lý trước khi trình Chính phủ.

Nhiều vấn đề “khổ lắm, nói mãi”

Chất lượng giáo dục và những hiện tượng tiêu cực trong ngành như: mở trường ồ ạt trong khi không đảm bảo chất lượng, vi phạm đạo đức nhà giáo... vẫn tiếp tục tái diễn.

Một vấn đề nữa gây bức xúc và lo ngại trong dư luận xã hội là gánh nặng học tập đè lên vai học sinh, đặc biệt là những đứa trẻ mới bước vào lớp 1. Những nhà quản lý khẳng định “chương trình, sách giáo khoa không hề nặng, quá tải là do cách dạy của giáo viên”... còn giáo viên thì lý giải “nếu không dạy như vậy thì không theo kịp chương trình”...

Một vụ việc khiến báo chí tốn không ít giấy mực trong năm vừa qua là việc trường ĐH Phan Thiết lập Đề án thành lập trường không trung thực: danh sách khống, giả mạo chữ ký giảng viên, trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp nhưng đã tuyển sinh, thậm chí tuyển vượt cả chỉ tiêu quy định. Sau khi bị dư luận phát hiện và lên án, Bộ GD-ĐT lập một đoàn thanh tra hùng hậu vào trực tiếp kiểm tra  và lập tức đưa ra kết luận chỉ trong vỏn vẹn vài ngày. Điều đáng nói là kết luận vẫn khẳng định: trường ĐH này đủ điều kiện để đào tạo (!?). 

Các kiểu trả lời “nổi cộm”!

* “Trong đề án, trường có giải thích là chương trình đào tạo có liên kết quốc tế, chất lượng đào tạo đạt chất lượng quốc tế...” - Bà Lê Thị Kim Dung - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GD-ĐT trả lời câu hỏi: “Vì sao trường ĐH Hồng Bàng năm nào cũng phát hiện có sai phạm trong hoạt động đào tạo, tuyển sinh... thậm chí đã có kết luận thanh tra nhưng chưa bị xử lý? Cơ sở vật chất không đảm bảo nhưng vẫn được mở ngành, tăng chỉ tiêu tuyển sinh và còn được đổi tên thành “trường ĐH quốc tế”? (Báo Tuổi Trẻ ngày 29.9.2009). Xem ra việc gắn thêm hai chữ quốc tế cực kỳ đơn giản!

* “... Kết quả này đã được gửi cho từng trường đại học được kiểm định, các bộ ngành liên quan để lấy ý kiến thêm sau kiểm định. Hội đồng cũng yêu cầu trước 15.10.2009 các trường phải có báo cáo kế hoạch khắc phục tồn tại và phát huy thế mạnh sau kiểm định. Như thế thì làm sao gọi là chưa công khai?” - Câu giải thích này của ông Trần Quang Quý -  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT về việc chưa công khai kết quả kiểm định đợt đầu tiên 20 trường ĐH trong cả nước (Báo Thanh Niên ngày 8.11.2009). Nhiều bạn đọc đề nghị nên tặng cho thứ trưởng một cuốn Từ điển tiếng Việt để hiểu rõ hơn nghĩa của từ công khai.

* “Khi ấy trường báo cáo với Bộ là đã tuyển đủ chỉ tiêu, không báo cáo thực tế việc tuyển vượt chỉ tiêu” - Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao trước đó Bộ GD-ĐT đã có buổi kiểm tra tại ĐH Phan Thiết mà không biết việc trường này tuyển vượt chỉ tiêu. (Báo Tuổi Trẻ ngày 18.10.2009). Hóa ra kiểm tra tức là... nghe báo cáo?!

Các sự kiện nổi bật của ngành năm 2009
(Do Bộ GD-ĐT công bố)

1. Bộ Chính trị ra Thông báo số 242-TB/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.

2. Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo.

3. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

4. Tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

5. Đánh giá kết quả năm đầu tiên triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

6. Triển khai đổi mới phương pháp dạy học bốn môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. 

7. Tổ chức đánh giá chương trình, sách giáo khoa tiểu học và trung học trên quy mô toàn quốc.

8. Ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới và xây dựng xong Đề án phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi.

9. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết năm học khối giáo dục đại học: Đổi mới quản lý nhà nước là giải pháp đột phá để đổi mới giáo dục đại học.

10. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành.

11. Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Á- u lần thứ 2 (ASEMME2).

12. Hội nghị Hội đồng giáo giới các nước ASEAN lần thứ 25.

Võ Ba - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.