“Mây tre lá” giữa đại ngàn

14/12/2008 00:31 GMT+7

“Thôi! Đừng lên Đà Lạt, ở lại Madagui đi, tôi dẫn các anh đi thăm hồ Đạ Tẻh, xem các em người Mạ, Châu-ro làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất đi Pháp, Đức” - Hưng đề nghị. Mời nghe đọc bài

Vãn cảnh  “Madagui-city” nghe chuyện cha Hồ

“Thủ công mỹ nghệ” mà ở giữa chốn thâm sơn cùng cốc này sao? Thông tin có vẻ hấp dẫn đây. Vậy là chúng tôi quyết định theo Hưng vào Đạ Tẻh. Tiếng Châu-ro, “đạ” là nước, “tẻh” là nhỏ. Đạ Tẻh là dòng nước nhỏ, con suối nhỏ, con sông nhỏ... Hiểu thế nào cũng được. Quả thật, ở thị trấn Madagui có con suối nhỏ chảy băng qua quốc lộ 20 hướng về Đạ Tẻh.

Madagui nơi anh ở, lữ khách có thể cho là rừng rú, hiu quạnh... nhưng với Hưng là... Madagui-city, là “nhất”, không nơi nào hơn. Ngẫm ra có cái lý của nó. Từ TP.HCM lên Đà Lạt, Madagui là vùng đệm, nằm bên này đèo Chuối. Bên kia đèo là cao nguyên Bảo Lộc. Khí hậu Madagui không quá lạnh, cũng không quá nóng; có núi đồi, có chim muông hoa lá, có cô sơn nữ soi mình bên dòng suối... 

Hưng giành lấy vô-lăng, cho xe chạy theo tỉnh lộ 721 phóng về phía mịt mù rừng núi. Đạ Tẻh cách “Madagui-city” của Hưng chừng 20 km. Toàn bộ vùng đất hai bên đường này trước kia là rừng. Chỉ có một vài buôn, sóc của người Mạ, K’Ho, Châu-ro. Sau 1975, vùng rừng này được khai hoang trở thành vùng kinh tế mới. Cư dân các tỉnh miền Trung, miền Bắc đổ vào. Hơn chục năm nay, thời tiết thất thường nên vùng trũng Đạ Tẻh thường xuyên ngập úng. Hưng bảo nhiều năm qua cứ đến mùa mưa là các quan chức tỉnh, huyện thay nhau đi chống ngập, cứu trợ đồng bào bị lũ lụt.

Và cũng từ dạo đó người ta thấy xuất hiện một người đàn ông đến chia bùi, sẻ ngọt cùng đồng bào. Ông tìm cách vực dậy vùng đất này. Ông cho bà con “cái cần câu” để người Mạ, người Châu-ro, K’Ho, và cả người Kinh tự mình vượt qua đói nghèo. Ông trở thành chỗ dựa của hàng trăm gia đình kinh tế mới ở Đạ Tẻh. Hay nói chính xác hơn, gần 10 năm qua khoảng 700 lao động vùng này nhờ có ông mà thoát nghèo. Vừa lái xe, Hưng vừa kể một câu chuyện nhiều người biết về người đàn ông này: Một hôm tối trời, ông chạy xe gắn máy từ Madagui về Đạ Tẻh. Trên đường, ông bị đám thanh niên du thủ, du thực chặn xe “xin đểu”, lấy mất của ông 700 ngàn đồng. Nhưng vài ngày sau, không hiểu sao bọn cướp lại cho người mang tiền trả lại ông. Lý do, theo lời kể của Hưng “Vì họ không biết ông là... cha Hồ”.

Cha Hồ, tên đầy đủ là Dương Công Hồ, linh mục Chánh xứ nhà thờ Đạ Tẻh, Chủ nhiệm HTX Hiệp Nhất. Ông chính là cứu tinh của hàng trăm hộ dân Đạ Tẻh nói trên.

 ... ấm cái bụng người Mạ, K’Ho, Châu-ro

Xe vào đến Đạ Tẻh trời sập tối. Dù vậy, anh Trần Quang và hai người bạn của tôi vẫn đi xem cảnh hồ Đạ Tẻh, nghe đâu là thơ mộng nhất vùng này. Tôi xin ở lại, một mình đi tìm các cô sơn nữ người dân tộc.

HTX Hiệp Nhất ở cách nhà thờ Đạ Tẻh không xa, có hai tổ hợp, một dệt len, một làm hàng thủ công mỹ nghệ. Anh Nguyễn Công Tính, cán bộ HTX cho biết, HTX chủ yếu làm gia công cho một số công ty ở Q.1, TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Hàng hóa làm ra được các đối tác ở châu u như Đức, Pháp... bao tiêu sản phẩm. Trong phòng trưng bày sản phẩm mẫu, chúng tôi choáng ngợp trước những bộ sa-lon và chiếc bình cao hơn 2 mét được đánh bóng lộng lẫy, giá hàng trăm USD. Đặc biệt, có một số mặt hàng như rương, giỏ đựng rác được làm bằng loại vật liệu rất Nam bộ là thân bèo quen được gọi là lục bình. Loại nguyên liệu này có thể tự hoại, không làm ô nhiễm môi trường nên người châu u rất ưa chuộng. Lại nữa, loại nguyên liệu này có rất nhiều ở miền Tây Nam bộ, chỉ cần chèo xuồng ra sông, tha hồ vớt.

Tiếp xúc với các anh K’Đua, K’Cường; các chị Ka Lý, Ka Briêng, Ka Huệ, người dân tộc K’Ho, là công nhân HTX, tất cả đều nói cha Hồ không yêu cầu họ phải đến trụ sở HTX làm việc. Thay vào đó, họ có thể lãnh nguyên liệu về nhà đan lát. Rảnh thì làm, bận thì nghỉ. Hàng làm xong chở đến giao cho HTX. Hằng tháng HTX cộng sản phẩm, trả tiền. Là một cơ sở sản xuất ở rừng rú, nhưng thu nhập bình quân của công nhân HTX không kém công nhân nhiều nhà máy tại TP.HCM, bình quân khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Đưa chúng tôi đi xem cơ ngơi HTX, cha Hồ khiêm tốn: “Các doanh nghiệp thấy chúng tôi ở tận rừng rú, công nhân phần lớn là đồng bào dân tộc nghèo nên thương, cung cấp nguyên liệu đều đặn. Nhờ vậy 700 công nhân HTX luôn có việc làm”. Cạnh phòng trưng bày sản phẩm mẫu là phòng làm việc của Ban chủ nhiệm, có trang bị máy vi tính hẳn hoi. Trong phòng có treo 7 bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Lâm Đồng, nội dung ghi nhận cha Hồ “Có nhiều thành tích trong công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, “góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”...

Cha Hồ kể, để giúp bà con thoát nghèo, lúc đầu ông phải bỏ tiền túi cử người vào TP.HCM, ra tận miền Bắc học nghề rồi về dạy lại cho bà con. Đồng bào dân tộc vốn có khiếu đan lát nên học rất nhanh. HTX áp dụng cơ chế khoán sản phẩm, không gò bó thời gian. Bà con về nhà huy động con em mình tham gia đan lát thêm ngoài thời gian đi học nên năng suất khá cao. Bằng nghề này, nhiều gia đình thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng.

 

Hộ anh Dương Tấn Nhật khá lên từ hàng thủ công mỹ nghệ -  ảnh: N.Thủy

Anh Dương Tấn Nhật, nhà ở KP 5B, thị trấn Đạ Tẻh, cho biết gia đình anh trước ở Bình Định, làm nông không đủ ăn nên dắt díu nhau vào đây. Những năm đầu khi chưa có HTX, kinh tế gia đình chật vật, lúc nào cũng nơm nớp lo thiếu gạo, thiếu tiền chợ. “Nhờ theo cha Hồ làm nghề đan giỏ, hai vợ chồng tôi, thêm hai đưa con đi học về phụ thêm nên mỗi tháng thu nhập cũng khoảng 4 triệu đồng. Nhà tôi được như vầy là nhờ cha Hồ”, anh Nhật cảm kích. Tôi nhìn quanh căn nhà nhỏ của anh Nhật, thấy chất khá nhiều hàng thủ công mỹ nghệ đã thành phẩm, xen kẽ là đầu máy, tivi, xe gắn máy. 

Nghề thủ công mỹ nghệ tại Đạ Tẻh ngày một phát triển lan rộng. Huyện miền núi này quy tụ dân tứ xứ đến lập nghiệp. Họ sống quần cư và lấy tên địa phương gốc làm tên xã, như xã Quảng Trị (tập trung người di dân đến từ tỉnh Quảng Trị), An Nhơn (tỉnh Bình Định), Hà Đông (nay thuộc Hà Nội)... Các xã này hiện đã hình thành “làng nghề truyền thống” và là cơ sở của HTX Hiệp Nhất, cũng do cha Hồ trực tiếp điều hành.

Có thể nhận ra rằng, “tốt đời, đẹp đạo” cứ là câu chuyện rất bình thường nhưng đầy ý nghĩa giữa chốn đại ngàn này. 

Phóng sự của Nguyên Thủy 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.