Những vụ tham nhũng lớn năm 2006

09/12/2006 20:14 GMT+7

Ngày 9/12 được Liên Hiệp Quốc gọi là Ngày chống tham nhũng quốc tế. Nhân dịp này, tuần báo Kommersant (Nga) điểm lại một số vụ tham nhũng lớn trong năm 2006, cũng như những thành tựu mà nhiều quốc gia đạt được trong lĩnh vực này.

Cơn địa chấn Milberg Weiss

Trong vài năm gần đây, nước Mỹ bị chấn động bởi vài vụ tham nhũng lớn. Một trong số này là Milberg Weiss - hãng luật trong hàng chục năm qua chuyên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chống lại nhiều hãng sản xuất lớn của Mỹ và nước ngoài. Chính Milberg Weiss được coi là hãng có sáng kiến tổ chức các vụ kiện tập thể, mà giờ đây đang trở thành phong trào không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Các luật sư của Milberg Weiss bảo vệ từ những người bị các nhà đầu tư lừa đảo đến những công dân ốm đau do hút thuốc lá. Khi hãng năng lượng Enron bị phát giác gian lận trong báo cáo tài chính, thì người ta mới biết chính đại diện của Milberg Weiss đã bảo vệ nhà đầu tư lừa dối này. Trong 41 năm hoạt động, Milberg Weiss đã đòi tổng cộng 45 tỉ USD tiền bồi thường cho khách hàng của mình. Một chuyên gia luật nói: "Với nhiều người Mỹ, khái niệm Milberg Weiss đồng nghĩa với chính nghĩa, với chiến thắng và Milberg Weiss cũng đồng nghĩa với quyền lợi người tiêu dùng".

Chính vì thế, khi Enron bị phát giác vào mùa xuân qua đã tạo nên cơn địa chấn ở Mỹ, khi người ta biết rằng thanh danh trong sáng của Milberg Weiss được mua chuộc trong nhiều năm bằng hàng triệu USD. Các luật sư của hãng này chuyên thuê người sắm vai nguyên đơn chống lại các hãng khác của Mỹ.

Chuyện xảy ra rất tình cờ: viên bác sĩ nhãn khoa Steven Kuperman bị bắt vì giấu vài bức tranh ăn cắp trong nhà mình để đòi 17,5 triệu USD tiền bảo hiểm. Để hy vọng được giảm án, Kuperman đề nghị kể về hoạt động mờ ám của Milberg Weiss. Hóa ra Kuperman đã tham gia vài vụ kiện của Milberg Weiss với tư cách nguyên đơn và nhận được số tiền là 6,5 triệu USD. Theo số liệu điều tra, từ đầu thập niên 1980, Milberg Weiss chi trả 11 triệu USD cho những người sắm vai nguyên đơn trong 150 vụ kiện. Lợi nhuận ròng của hãng này trong 150 vụ kiện là 205 triệu USD.

Ngoài lời khai của Kuperman, cơ quan điều tra còn nhận được bằng chứng của nhiều nguyên đơn từng nhận hối lộ từ các luật sư của Milberg Weiss. Vào đầu năm 2008 tòa án Mỹ sẽ xem xét vụ Milberg Weiss.

Chiếc nhẫn kim cương 30 ngàn USD

Phu nhân của Tổng thống vùng lãnh thổ Đài Loan Trần Thủy Biển bị buộc tội tham nhũng 450 ngàn USD từ công quỹ nhà nước vào đầu tháng 11/2006. Ông Biển cũng bị cáo buộc tội danh này, nhưng đương là tổng thống nên được hưởng quyền miễn trách nhiệm hình sự.

Theo kết quả điều tra, số tiền bị tham nhũng thuộc quỹ tổng thống, thường được dùng để tài trợ cho các kế hoạch ngoại giao bí mật của vùng lãnh thổ này. Khi người ta kiểm tra việc sử dụng tiền của quỹ thì chỉ có 2/6 kế hoạch ngoại giao được tài trợ, một kế hoạch không có thật và 3 kế hoạch có trên giấy tờ cũng là giả mạo.

Bà Trần Thủy Biển rất thích các loại đá quý, vì thế các điều tra viên không khó để tìm số tiền bị mất được chi trả như thế nào: một trong nhiều bằng chứng vật chất sẽ được đưa ra tòa án tới đây sẽ là chiếc nhẫn kim cương Tiffan trị giá 30 ngàn USD của Biển phu nhân. Cần nhắc lại rằng, Tổng thống Trần Thủy Biển đạt đến đỉnh cao quyền lực nhờ chính lời hứa quyết tâm triệt tiêu nạn tham nhũng, mà theo ông là vấn nạn gắn liền với bộ máy hành chính trước đó. Sau khi lên làm tổng thống, ông tự giảm lương của mình hai lần khiến những người ủng hộ ông rất hân hoan. Cũng chính vì thế, việc vợ ông bị buộc tội tham nhũng đã gây nên làn sóng nghi ngờ ở Đài Loan. Tòa án sẽ đem vụ án này ra xét xử vào ngày 15/12 tới, nhưng nhiều khả năng khó có đầy đủ bằng chứng để buộc tội Biển phu nhân.

Tuy không dính đến tham nhũng, nhưng ông Klaus Kleinfeld - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Siemens, được mời ra làm chứng

Vợ chồng Tổng thống Trần Thủy Biển


Cú sốc Siemens

Siemens là hãng sản xuất nổi tiếng của Đức và được toàn thế giới biết đến. Vì thế tin tức về việc cảnh sát Bayern Munich lục soát văn phòng của Siemens vào trung tuần tháng 11/2006, đồng thời cáo buộc vài quan chức của hãng này tham nhũng, rửa tiền, đánh cắp trang thiết bị khiến cả nước Đức bị sốc. Đại diện Siemens vội vã phải nói rằng, tin tức này chỉ liên quan đến vài cá nhân và không vì thế mà "vài con sâu" có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của hãng. Tuy thế ông Klaus Kleinfeld - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Siemens, được mời ra làm chứng và văn phòng của ông cũng bị lục soát.

Việc bắt giữ và lục soát tại Siemens là kết quả nhiều năm điều tra không chỉ của phía Đức mà còn cả các cơ quan bảo vệ Thụy Sĩ, Ý và Hy Lạp. Nguyên cớ để tiến hành lục soát là từ nguồn tin nặc danh thông báo rằng, đang có cuộc rút tiền quy mô từ tài khoản dường như có liên quan đến dịch vụ của Siemens. Theo điều tra ban đầu, đó là 200 triệu USD có liên quan đến các cựu quan chức và quan chức của Siemens.

Cơ quan điều tra cho rằng, rất có thể số tiền này được Siemens sử dụng để mua chuộc các quan chức nước ngoài. Chẳng hạn, cảnh sát Hy Lạp buộc phải điều tra liệu các quan chức nước này có nhận hối lộ của Siemens khi ký hợp đồng thiết lập hệ thống bảo vệ an ninh tại Olympic 2004. Số tiền của hợp đồng không được tiết lộ, nhưng người ta lại biết rằng, khi đó Chính phủ Hy Lạp đã chi 250 triệu USD để mua thiết bị cho hệ thống bảo vệ an ninh.

Câu chuyện Siemens là điển hình không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều nước khác ở châu u, nơi đã có Luật phòng chống tham nhũng được áp dụng cả ở nội địa, cả ở phạm vi nước ngoài. Vụ tai tiếng Siemens đang tiếp tục được mở rộng điều tra và cơ quan điều tra Bayern Munich cho rằng chưa biết khi nào sẽ kết thúc vụ việc.

10 quốc gia ít nạn tham nhũng nhất

Tổ chức Transparency International hằng năm công bố danh sách tham nhũng trên toàn thế giới. Đây là một trong những thước đo về mức độ nạn tham nhũng ở các quốc gia được dựa trên 12 nguồn như báo cáo của Ngân hàng thế giới, Tạp chí Economist, Diễn đàn kinh tế thế giới... Mức độ tham nhũng ở từng quốc gia tính theo thang điểm 10, theo đó 10 nước đứng đầu trong danh sách này như sau: 1 - 3. Phần Lan, New Zealand và Tây Ban Nha (9,6 điểm); 4. Đan Mạch (9,5). 5. Singapore (9,4); 6. Thụy Điển (9,2); 7.Thụy Sĩ (9,1); 8. Na Uy (8,8); 9 - 10. Úc và Hà Lan (8,7).

Dùng tiền đổi chức tước

Vụ scandal lớn nhất ở Anh có liên quan đến tham nhũng được đặt tên Cash For Peerages (Dùng tiền đổi lấy chức tước). Vụ việc vỡ lở hồi tháng 3/2006, khi Viện nguyên lão Anh bổ nhiệm các thành viên mới thì người ta nhận thấy sự trùng hợp: Các doanh nhân chi số tiền lớn cho Công đảng trước cuộc bầu cử năm 2005, đã có tên trong danh sách các nguyên lão mới, được Thủ tướng Tony Blair (Công đảng) trình Nữ hoàng Elizabeth II ký. Nguyên nhân của cuộc điều tra là từ lá thư của một người đã ủng hộ tiền, nhưng lại không được đề cử làm ứng viên vào Viện nguyên lão. Cần biết rằng, thành viên Viện nguyên lão Anh chỉ mang tính danh dự hơn là có quyền lực thực tiễn. Bởi cơ quan này không gây ảnh hưởng lớn đến việc phê chuẩn các đạo luật, còn thành viên của nó thì không có đặc quyền như được miễn tố chẳng hạn. Tuy thế, yếu tố nhận hối lộ (14 triệu USD) để bán chỗ ở Viện nguyên lão là có thực.

Hiện trong vụ Cash For Peerages đã có 3 người bị bắt giam, trong đó có nhà quý tộc Levy là nhà tài trợ chính của Công đảng và là bạn của Thủ tướng Tony Blair. Ông Levy bị nghi ngờ có dính dáng đến việc tiền tài trợ của Công đảng và chính phủ. Ngoài ra còn có doanh nhân Christopher Evans, người đã tài trợ tiền để được vào Viện nguyên lão. Chắc chắn vụ việc chưa dừng lại ở chỗ bắt giữ 3 người, cảnh sát hứa rằng sẽ kết thúc điều tra vụ việc vào tháng 1/2007.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.