Biển “nuốt” nhà dân

12/12/2009 15:01 GMT+7

“Đó. Nhà tôi ngày xưa ở ngoài đó, gần chỗ con tàu đang neo kia kìa”. Tôi nhìn theo hướng tay ông Tình. Từ vị trí con tàu tải trọng hàng trăm tấn đang neo đậu vào chỗ chúng tôi đứng, ước chừng hơn 300 mét. Tình trạng xâm thực của biển đã và đang diễn ra với tốc độ kinh hoàng...

Hoang tàn đồi Nhái  

Khu vực bị biển xâm thực dữ dội suốt gần hai chục năm qua là khu đồi cát, mang cái tên đầy hoang sơ là đồi Nhái. Chẳng ai biết rõ cái tên ấy có từ bao giờ và vì sao người ta lại gọi nó như thế. Chỉ biết rằng ngày xưa, mà cũng chẳng phải xa xôi gì, chỉ mới dăm ba năm trước, khu đồi này còn rộng lớn lắm. Ở đây và dọc khu bãi biển xung quanh có những rặng cây dương xanh tốt, phong cảnh mang vẻ đẹp huyền bí. Thế mà bây giờ, đồi Nhái mòn vẹt như chiếc bánh bao đã bị ai đó xén mất đi hai phần ba. Phía bờ biển, những mảng đồi lở loang nham nhở.

Đồi Nhái thuộc địa phận P.12, TP Vũng Tàu, nằm cuối con đường Đô Lương. Tuy nhiên, khu vực này gần như tách biệt hẳn khỏi cuộc sống đô thị miền biển. Vào đồi Nhái chỉ có con đường độc đạo rải đá lởm chởm, cách con đường chính dẫn vào TP Vũng Tàu gần 4 km. Hai bên đường là những vạt cây đước, cây bần chết trụi. Thứ đất cát nhiễm mặn này chẳng có loài cây nào chịu nổi. Dân cư ở đây thưa thớt. Nếu không có những chuyến xe ben chở cát qua lại con đường này, có lẽ chúng tôi khó có đủ can đảm đi vào đồi Nhái một mình. Nguyên nhân khiến khu vực này cho đến bây giờ vẫn còn hoang vu là do bị biển xâm thực.

Thời kỳ cao điểm, có tuần biển ngoạm sâu vào bờ cả vài chục mét. Ngày xưa khu vực này có nhiều nhà dân nhưng đã phải di dời sâu vào đất liền. Trong vòng 15 năm qua, biển đã ăn sâu vào đất liền gần 300 mét.

Anh Phạm Văn Toản, một người dân ở P.12, TP Vũng Tàu
Anh Phạm Văn Toản, một người dân địa phương làm việc tại lò gạch của ông Ba Thắng gần đó dẫn chúng tôi đi men theo khu đồi Nhái phía mé biển. Anh nói: “Từ tháng 10 đến giáp Tết hằng năm là mùa biển xâm thực. Thời kỳ cao điểm, có tuần biển ngoạm sâu vào bờ cả vài chục mét. Ngày xưa, khu vực này có nhiều nhà dân nhưng đã phải di dời sâu vào đất liền. Trong vòng 15 năm qua, biển đã ăn sâu vào đất liền gần 300 mét”.

Dân dời nhà lánh nạn. Những rặng dương thơ mộng trên đồi cát buộc phải đốn hạ. Cây thì người ta đã mang đi sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, còn gốc thì vẫn nằm đó. Sóng biển ngoạm hết những mảng đồi nhưng vẫn không thể dìm những gốc dương xuống biển. Hàng trăm, hàng ngàn gốc dương năm này qua tháng khác nằm chỏng chơ.

Xót xa nhất là những căn nhà vừa bị đổ sập do sụt nền. Căn sập hoàn toàn là của ông Nguyễn Chính Tình, căn bị sập một nửa là của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Chếch phía trên đó một chút, ngôi nhà sử dụng làm trạm trực của đồn Biên phòng 518 cũng sắp bị biển “nuốt”. Cán bộ chiến sĩ đã chuyển hết về đồn. Sâu vào phía trong nữa thì có đến hàng chục căn nhà. Nhiều căn từng được xây kiên cố.

 

Ông Tình trước căn nhà vừa bị đổ

Theo anh Toản, cứ theo tốc độ biển xâm thực kiểu này thì cũng chỉ vài năm nữa, những gì chúng tôi thấy hiện nay rồi cũng hóa mênh mông biển nước. Căn nhà của ông Ba Thắng dùng cho công nhân làm gạch ở, dăm năm trước còn cách mép nước cả trăm mét, nhưng bây giờ thì chỉ còn chừng mươi bước chân.  “Dân biển thì phải bám biển mới sống được. Vả lại ở riết rồi cũng quen, biển lấn đến đâu người ta chạy đến đó. Chưa có ai chết vì biển xâm thực cả”, anh Toản giải thích.

Dã tràng thời nay...

Ngay sau khi một số nhà dân bị đổ do biển xâm thực, chính quyền P.12, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã đến hiện trường khảo sát, vận động dân di dời, bảo đảm an toàn. Hiện có hơn 10 căn nhà đang nằm trong vùng nguy hiểm. Các hộ dân đã chủ động di dời người, tài sản đến chỗ khác.

Trong lúc những hộ dân khác chỉ một vài lần sập nhà là phải “cao chạy xa bay” vào sâu trong đất liền, thì có một người đàn ông cứ “lì lợm” chống chọi với biển suốt gần 20 năm qua. Tính luôn cả căn nhà vừa bị sập, ông đã 7 lần phải di dời nhà để tránh họa. Ông tên là Tình - Nguyễn Chính Tình, 74 tuổi.

“Gần hai chục năm trước, tôi dựng căn nhà đầu tiên ở mé đông đồi Nhái, cách mép nước hơn ba chục thước. Chỉ hai năm sau nó đã bị biển “ăn” mất. Mấy lần sau đó, cũng có khi tôi dời trọn vẹn căn nhà đi chỗ khác, cũng có khi chỉ “cướp” được của hà bá vài cái cột, kèo. Lần này tôi chưa kịp dời thì nhà đã đổ”. Ông Tình đứng trước căn nhà bị đổ, cột, kèo, mái nằm chỏng chơ, vắt vẻo trên bờ cát, nói với chúng tôi như vậy. Lạ là mặc dù bị họa như thế nhưng gương mặt của người đàn ông có tiếng gan lì trước biển này chẳng hề tỏ vẻ khổ đau. “Tôi lại phải kéo mấy thứ này vào bên trong dựng tiếp căn nhà một lần nữa”.

Chuyện ông Tình dựng nhà, ke bờ chắn sóng chẳng khác gì câu chuyện cổ tích Dã Tràng xe cát biển đông. Chỉ khác, nếu Dã Tràng xưa kia vì hận vợ bạc tình mà ngày ngày xe cát lấp biển, thì ông Tình lại làm thế vì thương vợ. Hơn bốn năm trước, khi dựng căn nhà lần thứ sáu, ông đã mất ròng rã hàng mấy tháng trời xây thành chắn sóng. Vợ ông - bà Kiều Thị Nao, 61 tuổi, sau một lần đổ bệnh thì bị mù. Bà nhiều lần nói với ông ước muốn có một nơi ở ổn định, không phải thấp thỏm lo âu bị sóng biển nhấn chìm. Tuổi già, lại mù lòa, nhỡ trở tay không kịp lại làm mồi cho hà bá. Ông định đưa bà về quê bà ở Tiền Giang, nhưng vì đã quen kiếm sống bằng nghề biển, ông đã động viên bà ở lại với lời nguyền sẽ chăm sóc, yêu thương, bảo vệ vợ thoát khỏi nỗi sợ hà bá. Hằng ngày, sau thời gian đi biển, ông Tình đến các công trình xây dựng trong khu vực lượm vỏ bao xi-măng. Tối đến ông hì hụi xúc cát đổ đầy vào các bao buộc chặt lại đắp lên thành bờ bao hình cánh cung ngăn sóng phía trước nhà. Sau mấy tháng trời, ông kiêu hãnh nhìn bức tường thành bằng bao cát cao ngất, ngạo nghễ trước biển.

Nhưng công trình của ông cũng chỉ giúp căn nhà cầm cự lâu hơn những căn nhà hàng xóm chừng vài tuần. Sóng ngoạm sâu vào bờ, ngoạm vòng qua bờ bao nhấn chìm tất thảy. Không nản chí, ông dựng tiếp căn nhà lần thứ bảy nhưng mới hơn hai năm thì ông lại bị sập nhà. “Lần này tôi xếp những gốc cây dương phía ngoài cản sóng, sau đó đắp bờ bao to hơn, chắc hơn lần trước nhưng cũng không ăn thua”, ông Tình nói.

Chúng tôi cùng ông Tình đi xuống mé biển. Phía trước căn nhà đổ, bờ bao bằng cát của ông vẫn còn nguyên hình hài. Hàng trăm bao cát cùng với những gốc cây dương nằm trơ trọi trước từng đợt sóng.

Nói về việc làm của ông Tình, những người dân ở đây bảo: “Chẳng ai gàn như ông ấy. Trước đây chính quyền địa phương đã có hỗ trợ di dời cho các hộ gia đình trong vùng biển xâm thực. Người ta dời sâu vào trong còn ông ấy mỗi lần dời nhà lại nhấc vào có mấy chục mét, mà nhà cũng chỉ là dạng nhà tạm nên cứ bị biển đuổi hoài. Tự ông làm khổ mình”. Còn ông Tình thì cho hay, ông vừa đưa vợ về quê Tiền Giang ở nhà họ hàng, còn mình thì đang ở tạm nhà ông Ba Phụ. “Tôi sẽ lại dựng tiếp một căn nhà nữa để đón bà ấy lên, nhưng mấy hôm nay cảm thấy sức khỏe yếu, chưa làm được”.  

Phóng sự của Thanh Kim Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.