Năm 2012: Xây dựng cơ chế tính giá dịch vụ trong đào tạo

24/12/2011 14:50 GMT+7

(TNO) Sáng 24.12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2012 cho các trường, đơn vị trực thuộc Bộ. Tại đây, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả kiểm toán ngân sách năm 2010 và những thông tin mới về việc cấp ngân sách cho các trường cho năm học này.

(TNO) Sáng 24.12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2012 cho các trường, đơn vị trực thuộc bộ. Tại đây, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả kiểm toán ngân sách năm 2010 và những thông tin mới về việc cấp ngân sách cho các trường cho năm học này.

Chấm dứt thu các khoản không đúng quy định

Bộ GD-ĐT cho biết, kết quả kiểm toán ngân sách tiền và tài sản nhà nước năm 2010 tại Bộ GD-ĐT cho thấy có một số đơn vị chưa phản ánh số đã chi nguồn học phí, một số nội dung chi chưa đủ thủ tục quyết toán hoặc sai nguồn kinh phí, sai chế độ. Tại các đơn vị trực thuộc bộ, quyết toán sai nguồn kinh phí, không đúng chế độ, kinh phí còn dư hết nhiệm vụ chưa nộp trả ngân sách nhà nước (NSNN) theo quy định; trích thiếu học bổng so với mức tối thiểu quy định; chi trả tiền vượt giờ giảng cho giảng viên chưa đúng quy định.

 
Sinh viên một số trường phải đóng học phí cao hơn quy định - Ảnh: Đ.K

Đặc biêt, ông Bùi Hồng Quang - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT - cho biết: “Một số trường thu học phí hệ chính quy, hệ không chính quy, lệ phí tuyển sinh vượt mức quy định của nhà nước, đồng thời tự ý thu nhiều khoản thu chưa có quy định của nhà nước. Hầu hết các trường không nộp học phí đầy đủ và kịp thời vào kho bạc nhà nước để kiểm soát chi (chỉ nộp một tỷ lệ nhỏ, số còn lại để tọa chi và gửi ngân hàng thu lãi)”.

Báo cáo của cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra tình trạng nhiều giảng viên có số giờ dạy thêm vượt giờ chuẩn cao và giảng viên dạy không đủ số giờ chuẩn theo quy định. Cơ quan này đã đề nghị các trường cần tăng cường bố trí lịch giảng dạy phù hợp cho giảng viên; tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn học phí, lệ phí và nguồn thu khác; chấn chỉnh việc để tọa chi không nộp học phí đầy đủ vào kho bạc nhà nước; trích và chi học bổng khuyến khích học tập theo đúng quy định; chấm dứt việc thu học phí, lệ phí vượt mức quy định và thu của sinh viên các khoản thu chưa có quy định của nhà nước.

Sẽ tính giá dịch vụ đào tạo

Tại hội nghị này, Vụ kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT cũng cho biết, năm 2011, mức chi NSNN hỗ trợ cho mỗi học sinh, sinh viên tại các trường trực thuộc bộ còn thấp. Cùng với với mức hỗ trợ từ NSNN cấp và mức thu học phí chính theo quy định thì chi phí đào tạo bình quân cho một học sinh, sinh viên năm 2011 đối với ĐH, CĐ chỉ hơn 6 triệu đồng; đào tạo thạc sĩ 7-8 triệu đồng; tiến sĩ 10-12 triệu đồng…

Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2012, Bộ đã được giao ngân sách là 5.762.217 triệu đồng, tăng 5,4% so với năm 2011, trong đó dự toán chi thường xuyên sẽ là 4.832.530 triệu đồng, tăng hơn 15% so với năm 2011. Trong năm học này, việc phân bổ ngân sách chi thường xuyên sẽ được thực hiện trên nguyên tắc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các trường công lập theo Nghị định của Chính phủ. Theo đó, việc cấp NSNN được chi theo nhóm trường. Nhóm 1 gồm 7 trường ĐH thuộc khối kinh tế tài chính, phải tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, NSNN hỗ trợ một phần các khoản không thường xuyên. Nhóm 2 gồm 37 trường, trong đó các trường sư phạm được NSNN đảm bảo từ 60-70% chi hoạt động thường xuyên; các trường ĐH Sư phạm được NSNN đảm bảo từ 40-50% chi hoạt động thường xuyên; các trường ĐH khối văn hóa, thể thao từ 50-70%; các ĐH khối Nông-Lâm-Ngư từ 30-50%; các trường khối công nghệ kỹ thuật từ 20-40%...

Tuy nhiên, Vụ Kế hoạch tài chính Bộ GD-ĐT cho biết, việc thực hiện quyền tự chủ tài chính mới chỉ dừng ở giao quyền tự chủ nhưng không có tiêu chí đánh giá về hiệu quả hoạt động tài chính; mới quy định tự chủ về nội dung chi nhưng mức thu vẫn phải thực hiện theo quy định chung, do đó các đơn vị được giao tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên gặp khó khăn về tổng kinh phí hoạt động. Năm 2012, Bộ GD-ĐT đề nghị các trường nghiên cứu đề xuất với bộ về việc sửa đổi cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật theo từng nhóm ngành đào tạo; xây dựng cơ chế tính giá dịch vụ trong đào tạo để đề xuất với bộ thực hiện đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Tăng 6 % chỉ tiêu ĐH và CĐ

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, dự kiến chỉ tiêu tuyển mới đào tạo hệ chính quy ĐH, CĐ năm 2012 sẽ phân theo nhóm ngành. Tổng chỉ tiêu tuyển mới toàn ngành là 576.000, trong đó ĐH là 310.000 chỉ tiêu, CĐ là 266.000 chỉ tiêu.

Chỉ tiêu cao nhất là nhóm ngành Kinh tế-Tài chính ngân hàng chiếm tỷ lệ 32%; ngành Kỹ thuật công nghệ 30%; Sư phạm 9,5%; Khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn 9%; Nông-Lâm-Ngư 7,5%; Y Dược 7%; Nghệ thuật-Thể dục thể thao 5%. Tính bình quân thì năm 2012, chỉ tiêu ĐH, CĐ tăng khoảng 6% so với kế hoạch thực hiện năm 2011. Tỷ lệ tuyển mới hệ chính quy trung cấp chuyên nghiệp là 300.000, giảm 0,1% chỉ tiêu so với năm trước.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.