Mô hình nào lý tưởng cho nông nghiệp? - Bài 3: Góp vốn bằng đất

15/12/2009 23:23 GMT+7

Mô hình sản xuất theo hình thức nông dân góp vốn tính trên giá trị diện tích đất vào công ty cổ phần, sản xuất chuyên canh và chia cổ tức đã nhận được sự đồng tình của nhiều người.

“Chính là cái tôi cần”

Năm 2007, ông Lưu Hồng Triển đưa trang trại nuôi bò giống 12 ha ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai vào hoạt động. Để có 12 ha trang trại, ông Triển mất 10 năm mua gom từng mảnh đất, rồi nhập cỏ giống, bò giống, xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc... Ông đã bỏ ra 13 tỉ đồng để có một trang trại gần như hoàn chỉnh của ngày hôm nay.

Nhưng ông Triển chưa an tâm. Bởi, trang trại và cách thức hoạt động của nó khó có thể đưa 13 tỉ đồng của ông cùng đàn bò giống mang lại giá trị cao gấp 5, 10 lần sau vài năm như các nước khác. Vì vậy, khi nghe về mô hình của ông Lê Hùng Mạnh, ông Triển đã thốt lên: “Đó chính là cái tôi cần”. Ông Triển lý giải: “Trên mô hình mẫu đang làm hiện nay, khi nào ổn định hai khâu quan trọng nhất là con giống và thức ăn, tôi sẽ thực hiện cổ phần hóa”. Bò giống sẽ được chuyển giao cho nông dân trong vùng và nông dân sẽ bán lại bò thịt cho công ty ông Triển. Nông dân tận dụng đất dưới tán cây ăn trái để trồng cỏ. Cỏ được chế biến ở nhà máy của ông Triển. Tất cả các khâu được xử lý theo quy trình khép kín, không chỉ đem lại lợi nhuận cao mà còn giải quyết được vấn đề rác thải.

Sau giai đoạn thử nghiệm, những hộ nông dân nào làm ăn hiệu quả sẽ được tham gia vào công ty bằng vốn cổ phần từ đàn bò giống, diện tích đất trồng cỏ... “Ban đầu, chúng tôi sẽ cổ phần nhà máy chế biến thức ăn gia súc trước, sau đó tiến đến công ty. Tham vọng của tôi là rất lớn. Ở đây có tới 3.000 ha đất nông nghiệp. Tôi muốn biến nguyên vùng này thành vùng chuyên canh nuôi bò thịt và bò giống, để làm sao trở thành nơi cung cấp thịt bò có thương hiệu không chỉ nổi tiếng trong nước. Muốn làm được như vậy, cần phải có một mô hình sản xuất hợp lý”, ông Triển nói.

Ông Nguyễn Phú Năng, Giám đốc Công ty DV-TM Hưng Điền: Mới và táo bạo

Tôi thấy mô hình này rất hay, mới và có ý tưởng táo bạo, nên rất muốn được tham gia. Mới vì trong nước chưa ai làm, còn táo bạo ở chỗ sẽ liên quan đến đất đai và người nông dân. Nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ. Hưng Điền cung cấp và sản xuất phân bón, nên chúng tôi muốn tham gia cổ phần vào dự án đó bằng phân bón cho ruộng lúa, rau sạch, tiêu, cà phê... Điều đó mang lại lợi ích cho cả ba bên, gồm: chủ đầu tư, Công ty Hưng Điền và đặc biệt là người nông dân. Hiệu quả của mô hình này trong thực tế như thế nào cần phải trải qua thời gian và nghiên cứu cẩn trọng mới biết được rõ, nhưng tôi vẫn muốn cùng thực hiện, vì nông nghiệp VN cần phải có mô hình sản xuất mới hơn.

Ông Trần Văn Mến, nông dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An: Bà con rất muốn hợp tác làm ăn

Nghe có mô hình như Báo Thanh Niên nói, tôi mừng lắm. Nói thiệt, bà con nông dân đang thiết tha được hợp tác làm ăn dữ lắm. Ở chỗ tôi, bà con đã học kỹ thuật trồng rau an toàn; đất, nước, rau cũng đã được phân tích hóa học, kỹ thuật; chỉ cần chọn vùng nào đó để chuyên canh là xong. Mọi yếu tố đã đảm bảo, nên nếu ông Mạnh về lập công ty ở đây với chúng tôi, chúng tôi hợp tác liền, xong là có thể bắt tay sản xuất ngay.

Tại tỉnh Đắk Nông, tình trạng xâm canh dự án đất nông lâm nghiệp đã khiến chính quyền địa phương đau đầu trong việc tìm cách giải quyết. 61 dự án, khoảng 20.000 ha đã giao cho nhà đầu tư không ít thì nhiều đều bị “dính” xâm canh. Ông Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Cơ chế của tỉnh là đất xâm canh dự án sau thời điểm 1.1.2004 (mốc thành lập tỉnh) thì thu hồi; trước thời gian này sẽ cấp cho dân. Nhưng hộ dân cũng có thể tham gia vào dự án, có dự án của Công ty cao su Đồng Phú, một số hộ dân góp vốn cổ phần vào công ty bằng đất nông nghiệp của mình. Cách làm này đã cho hiệu quả tốt.

Nông dân tự biết cân đối lợi ích

TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho rằng việc nông dân đang âm thầm tích tụ ruộng đất là chuyện đương nhiên. “Họ có nhu cầu thì khó cản. Tích tụ ruộng đất là phải làm, nhưng tích tụ theo kiểu nào thì Chính phủ cần phải có chính sách. Tuy nhiên, theo tôi, cần phải tổ chức lại sản xuất và điều tiết lao động hợp lý. Cái này mình làm rất yếu”, TS Bửu phát biểu. Ông Bửu nhận định, mô hình của ông Mạnh là phù hợp vì cần phải có doanh nhân tham gia vào sản xuất nông nghiệp. “Tôi thấy nông dân Đài Loan làm nông nghiệp rất tốt. Đất đai của họ manh mún, nhưng họ đã tập trung những hộ nhỏ lại để hình thành nhiều mô hình hợp tác rất thành công. Chúng ta cần học hỏi mô hình của nông dân Đài Loan”, ông Bửu nói thêm.

Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại VN tại Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng, nhận định: “Mô hình của ông Mạnh, theo tôi là hướng đi để giải quyết vấn đề đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nó cũng tương tự như người có khả năng kinh doanh nhưng không có mặt bằng, còn người có mặt bằng lại không có năng lực kinh doanh. Đây là sự cộng tác hợp xu thế để có sự thay đổi đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng đất đai trong nông nghiệp lại khác với mặt tiền nhà. Và đầu tư vào nông nghiệp là quá trình dài, thu hồi vốn chậm, rủi ro lại cao. Các thảo luận hợp đồng thường rất phức tạp. Nếu phần lợi nghiêng về một bên quá lớn thì bên kia sẽ không thuận. Nhưng chính quá trình thực hiện hợp đồng còn khó khăn hơn. Khó khăn và thất bại có thể làm nhà đầu tư bỏ đi, người nông dân lại phải gánh hậu quả. Nếu thành công, thắng lợi, lời nhiều người nông dân có để yên cho nhà đầu tư tiếp tục? Vì vậy, cần phải có cơ chế chính sách và khung pháp lý”.

Hiện có 4.600 trang trại ở tỉnh Đắk Nông. Ông Nguyễn Đức Luyện cho biết, mỗi hộ dân sở hữu 20 - 30 ha là chuyện bình thường. Họ thu gom sang nhượng lại đất theo giá thỏa thuận. Chính quyền vẫn cấp quyền sử dụng đất theo hạn điền nếu đất đó không có tranh chấp. Nông dân chuyển nhượng đất thường là những hộ không đủ lao động, không đủ khả năng đầu tư. Theo khảo sát của tỉnh, các trang trại sản xuất chưa có hiệu quả cao, tổng mức đầu tư và lợi nhuận không nhiều. Nguyên nhân là chủ trang trại có trình độ quản lý yếu, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, không lập dự án kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hạn chế...

Trong khi chờ Nhà nước hỗ trợ, theo ông Nguyễn Đức Luyện, việc các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. “Tôi hoàn toàn ủng hộ mô hình của ông Mạnh và không khuyến khích các doanh nghiệp thuê đất sản xuất ở địa phương. Người dân sẽ tự nguyện tham gia vào những dự án như vậy. Họ tự cân đối lợi ích của mình vì chắc chắn sản phẩm của họ có đầu ra. Chúng tôi sẽ tạo cơ chế cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm tại chỗ trên vùng nguyên liệu. Dân có lợi mà doanh nghiệp cũng có lợi”, ông Luyện hồ hởi.

TS Nguyễn Ngọc Thùy, ĐH Nông Lâm TP.HCM: Nông dân có thể bán cổ phần nếu muốn

Nền tảng ý tưởng của đề án này là làm tăng thêm giá trị cho cả về tư liệu sản xuất (đất đai) và sản phẩm nông nghiệp mà người nông dân sản xuất ra. Khi đất đai đã được công ty quy hoạch lại thì dĩ nhiên giá trị của toàn bộ khu đất sẽ được gia tăng, trong đó chắc chắn khu vực được quy hoạch thành khu dân cư sẽ tăng lên đáng kể. Do vậy, cần thiết phải san sẻ giá trị gia tăng này cho mọi người nông dân tham gia đề án, nhưng phải theo một trọng số nào đó tùy theo vị trí miếng đất nguyên thủy của họ. Điều quan trọng là khi xác định giá trị cổ phần phải dựa vào giá cả của một thị trường đất đai minh bạch có cạnh tranh. Nếu người nông dân muốn rút ra, khi họ muốn từ bỏ sản xuất nông nghiệp, thì họ có thể bán cổ phần cho công ty hoặc cho người khác. Dĩ nhiên cổ phần của họ phải được tính bằng tiền, đất đai của họ không còn nữa. Đây cũng chỉ là những giả định và do đó, cần thiết phải có những nghiên cứu về mặt kinh tế - xã hội cho từng vùng cụ thể để đưa ra những giải pháp phù hợp cho việc thực hiện mô hình này.

Khi công ty muốn sản xuất lớn thì phải vay vốn ngân hàng, vậy tài sản thế chấp sẽ là đất đứng tên công ty hay nông dân? Theo tôi, là phải đứng tên công ty. Có thể khi công ty phá sản, người nông dân phải chấp nhận gánh chịu những rủi ro này. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó mà thôi. Vì thế, chính sách nhà nước đóng vai trò quan trọng ở đây cũng giống như sự bảo hộ về nông nghiệp ở các nước phát triển. Đối với vấn đề này, cần nghiên cứu một cách đầy đủ thông qua các nghiên cứu của nhà khoa học để đưa ra giải pháp. Còn về năng lực quản lý cổ phần của người nông dân, nhằm tránh bị lũng đoạn, theo tôi không có cách nào khác hơn là phải tăng cường năng lực quản lý của họ thông qua các khóa huấn luyện, đào tạo...

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.