Nắng nóng dễ đổ bệnh

26/06/2012 10:14 GMT+7

Thời tiết nắng nóng làm cơ thể dễ bị mất nước, thức ăn dễ bị ôi thiu... nên nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, viêm tai giữa.

"Nắng nóng quá ai cũng có nhu cầu giải nhiệt, nhưng sử dụng quạt máy và máy lạnh không đúng cách sẽ dễ mắc bệnh, đặc biệt ở trẻ em" - bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết như vậy.

 Nắng nóng dễ đổ bệnh - nd
Du lịch hè mùa nắng nóng, khi đi chơi biển phụ huynh lưu ý cho trẻ mặc quần áo và đội nón
để tránh nắng - Ảnh: N.C.T.

Mắc bệnh do lạm dụng máy lạnh, quạt máy

Để xua đi cái nóng bức, nhiều người bật quạt số lớn, mở máy lạnh nhiệt độ thấp. Hơn thế, còn để quạt và luồng gió từ máy lạnh thổi thẳng vào mặt trẻ làm trẻ bị khô niêm mạc mũi, miệng dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên. Chưa kể khi để máy lạnh ở nhiệt độ thấp dẫn đến sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng và bên ngoài, nên mỗi khi trẻ ra ngoài phòng hoặc từ ngoài đi vào cũng dẫn đến sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Cơ thể trẻ không thích nghi kịp cũng dẫn tới nhiễm bệnh. Viêm đường hô hấp là bệnh hàng đầu mà trẻ thường mắc khi thời tiết nắng nóng quá. Nhẹ, trẻ bị viêm đường hô hấp trên, phần lớn tự khỏi sau 7-10 ngày nếu được chăm sóc tốt. Chỉ có 20-25% chuyển thành viêm đường hô hấp dưới (viêm phổi và viêm tiểu phế quản), thường phải nhập viện điều trị dài ngày.

Bác sĩ Cao Minh Thức, phó khoa mắt - tai mũi họng - răng hàm mặt Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết khi thời tiết nắng nóng quá bệnh viêm tai giữa ở trẻ cũng gia tăng. Lý do là thời tiết nắng nóng, trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên. Nếu trẻ không được điều trị dứt điểm sẽ gây ra biến chứng bệnh viêm tai giữa. Khi mắc bệnh viêm tai giữa, trẻ lớn (từ 3 tuổi trở lên) sẽ có những triệu chứng sốt, đau tai, ù tai. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi không biết kêu đau mà chỉ lấy tay cào vào lỗ tai, khóc ré từng cơn kèm theo bỏ bú, biếng ăn, tiêu chảy. Các bác sĩ cho biết một bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng nữa là bệnh tiêu chảy do thức ăn trong mùa nắng nếu không được bảo quản tốt rất dễ bị ôi thiu.

Trẻ đi chơi xa, cần lưu ý gì?

Mùa hè đến, nhiều bậc cha mẹ thường đưa trẻ đi du lịch hoặc cho trẻ về quê chơi. Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, khi quyết định cho trẻ đến những vùng nắng nóng các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi, vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa các vùng sẽ làm trẻ dễ mắc bệnh. Cách tốt nhất các bậc cha mẹ nên nghe dự báo thời tiết để tránh những ngày thời tiết quá nóng bức, chọn những ngày nhiệt độ không quá cách biệt với vùng mình đang ở để đi. Còn khi đã đến những vùng này cần mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, hạn chế cho trẻ đi chơi nhiều ngoài trời. Nếu phải đi ngoài trời phải đội nón, mũ cho trẻ. Trời nắng nóng trẻ rất dễ bị mất nước, vì vậy các bậc cha mẹ nhớ cho trẻ uống nhiều nước.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, khuyên không nên cho trẻ dưới 3 tuổi đi du lịch. Nhưng nếu cha mẹ vẫn muốn đi du lịch trong mùa nắng nóng cần mang nước đầy đủ cho trẻ. Có thể mang nước đun sôi trong nhà, chế vào chai hoặc mua nước đóng chai có nhãn hiệu tin tưởng. Trẻ trên 3 tuổi nên mang sữa nước đóng hộp cho trẻ uống. Thực phẩm tốt, tiện lợi cho trẻ khi đi du lịch là bánh flant, yaourt. Đi chơi xa, trên đường đi thường phải ghé vào các quán để ăn nên các gia đình cần chọn những quán nào nhìn có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nên chọn những món ăn được nấu chín. Ngoài ra có thể đem những loại trái cây bóc vỏ ăn ngay như chuối, quýt...

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, một biện pháp đơn giản, hiệu quả mà lại phòng ngừa được nhiều bệnh đó là rửa tay thường xuyên. Người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay thường xuyên sẽ không chỉ phòng chống được bệnh tay chân miệng, bệnh cúm mà còn phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thông thường, viêm phổi.

Tránh đi ngoài trời vào giờ cao điểm nắng nóng

Trao đổi về việc chăm sóc sức khỏe trong ngày hè, TS.BS Trần Xuân Chương, phó trưởng bộ môn truyền nhiễm Trường đại học Y dược Huế, cho biết khi đến miền Trung tham quan vào mùa nắng nóng, du khách cần tránh đi ngoài trời vào giờ cao điểm từ 11g-14g. Du khách cần mang theo thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, có thể tư vấn bác sĩ để mang theo một số loại thuốc kháng sinh quen thuộc dùng khi cần thiết.

Thời tiết nắng nóng, nhiều người đi tắm biển để hạ nhiệt. Tuy nhiên, theo bác sĩ Chương, du khách phải hết sức lưu ý mỗi khi tắm biển tránh để tình trạng bị nhiễm lạnh, mệt quá sức, say nắng, chấn thương và bị đuối nước. Do đó không nên tắm biển vào những ngày sóng mạnh hoặc nhiệt độ ngoài trời thấp dưới 25OC, không được tắm biển ngay sau khi ăn no, tốt nhất nên tắm biển sau khi ăn sáng khoảng một giờ và sau khi ăn chiều khoảng hai giờ. Lưu ý không nên tắm biển lúc đói, mệt và trong thời gian từ 10g-15g bởi lúc này ánh nắng có nhiều tia tử ngoại; không nên ngâm mình trong nước biển quá lâu, tốt nhất mỗi lần tắm chỉ 20-30 phút. Trước khi xuống nước cần khởi động kỹ. Những người bị lao phổi, hen suyễn, suy nhược nặng và tiểu đường nên hạn chế tắm biển.

Nếu gặp người say nắng, say nóng, chúng ta chỉ cần đặt bệnh nhân vào chỗ thoáng mát, cho uống nước khoáng mặn hoặc nước muối lạnh, chườm lạnh bằng nước đá, nghỉ ngơi hợp lý, bệnh nhân sẽ từ từ tỉnh và khỏe lại.

Nguyên Linh

Theo Thùy Dương / Tuổi Trẻ

 >> Chờ con dưới trời nắng nóng
>> Ăn uống khi trời nắng nóng
>> Trời nắng nóng, nguyên liệu giải nhiệt đắt hàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.