Ngụ ngôn về con gà

31/12/2005 16:01 GMT+7

Giám đốc một trường đại học ở miền Trung đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn muốn được "mời" lại làm việc, bởi theo suy nghĩ lâu nay thì... "không có ông bất thành đại học". Đó cũng chưa phải là điều khó hiểu vì nó đã thành tâm lý chung của người thấy quyền lực bỗng nhiên tuột khỏi tay mình. Điều đáng nói ở đây là, oái oăm thay, nhiều người nhận thấy một người vốn lâu nay không được lòng ông lại xứng đáng để ngồi vào chiếc ghế ông sắp rời.

Cuộc chạy đua ngấm ngầm nhưng căng thẳng đến ngột ngạt.

Tại một cuộc họp quyết định nhất về nhân sự, đại diện cho một tổ chức cấp trên về dự bỗng nhiên nổi hứng, xin kể một câu chuyện vui, sau này tôi tạm đặt tên cho câu chuyện là "Ngụ ngôn về con gà". Chuyện thế này:

Chủ một trang trại nuôi gà giống thấy độ này không hiểu sao công việc làm ăn không mấy phát đạt, ông vắt óc suy nghĩ để tìm ra nguyên nhân và cuối cùng phát hiện ra rằng, con gà trống mà ông nuôi lâu nay để làm công việc đạp mái đã quá già (hèn chi trứng ấp mười quả thì chỉ nở có bốn con). Dù con gà trống già đã có nhiều công lao trong quá khứ, ông vẫn quyết định thay!

Ông đi khắp nơi để tuyển chọn và cuối cùng tìm được một con gà trống tơ ưng ý đưa về.

Con gà trống già nhìn gã trống tơ sắp cai quản đám gà mái lâu nay thuộc về mình thì ấm ức lắm! Trống tơ hiểu ý bèn dùng chiêu "dĩ hòa vi quý" bảo rằng, trang trại có chừng ấy con gà mái, trống già và trống tơ chia nhau mà quản lý cho hiệu quả. Trống già vùng vằng, kiểu này không ổn, vì thế nào mấy ả gà mái tưng tưng cũng đi theo trống tơ, chẳng lẽ mình chỉ quản mấy mụ mái già? Trống già suy nghĩ rất lung rồi đề xuất: Để công bằng, nên tổ chức một cuộc chạy thi. Ai thắng sẽ tiếp tục cai quản đàn gà mái. Trong thâm tâm, trống già nghĩ, tên trống tơ này "hăng tiết... vịt" chứ chưa chắc đã dẻo dai bằng mình, với lại, dù sao thì cũng mất, chi bằng dốc sức đánh canh bạc chót.

Cuộc thi bắt đầu.

Sau hiệu lệnh xuất phát, trống già tự lượng sức mình nên cần mẫn chạy. Trống tơ cậy sức trai tơ nên cứ nhởn nhơ. Chờ cho trống già chạy được một đoạn thì dùng sức... nhảy một cú là kịp. Mỗi lần như thế, để chọc tức trống già, tên trống tơ dùng mỏ rỉa vào cánh "thọc lét" trống già. Trống già tức lắm nhưng biết làm sao. Trong nỗ lực đến tuyệt vọng, trống già nghĩ: thế là hết!

Bỗng... đoàng một cái. Trống già quay sang đã thấy trống tơ giãy đành đạch. Hóa ra, người giữ trang trại nãy giờ vẫn theo dõi. Thỉnh thoảng lại thấy trống tơ chui nào nách rỉa lông trống già, còn trống già cứ thế cắm đầu mà chạy. Anh ta thất vọng vô cùng, vì không ngờ con gà trống do ông chủ cất công tìm kiếm để thay thế trống già cai quản bầy gà mái hóa ra là một con gà... pê-đê! Và anh ta quyết định... "đoàng!".

Câu chuyện của ông cán bộ cấp trên đã kết thúc nhưng cử tọa ngồi im phăng phắc. Không nói ra, nhưng trong thâm tâm ai cũng tự hỏi: "Như thế là thế nào?". Chỉ có ông giám đốc đến tuổi nghỉ hưu dường như là người đầu tiên hiểu được... tính ngụ ngôn của câu chuyện nên tiến đến bắt tay ông cán bộ cấp trên, lắc lắc thật mạnh. Có tiếng vỗ tay lác đác.

Bỗng một giọng nói vang lên: "Thưa quý vị! Quý vị hãy khoan vỗ tay vì câu chuyện chưa kết thúc. Tôi mạn phép kể nốt phần cuối câu chuyện này". Tiếng vỗ tay ngừng bặt. Ông cán bộ cấp trên và ông giám đốc đứng dậy định làm một động thái phản ứng nào đó nhưng hình như cảm thấy bất tiện nên lại ngồi xuống.

Giọng nói vẫn vang lên trong micro.

"Đoạn kết câu chuyện đó thế này: Nghe tiếng "đoàng" rồi thấy trống tơ giãy đành đạch, cả ngàn con gà mái trong trang trại từ tứ phía lao đến cục ta cục tác, tiếng như vừa chửi rủa kẻ nào đã giết chết trống tơ, tiếng như vừa kêu khóc thương tiếc cho một niềm mong đợi mà mấy ả đã nuôi dưỡng bấy lâu dù hằng ngày vẫn thấy con trống già dai nhách.

Nhưng rồi.... tất cả ngạc nhiên đến thảng thốt khi nghe một tiếng "đoàng". Lần này thì trống già không đủ sức giãy đành đạch mà gục hẳn. Còn trống tơ không hiểu sao lại rũ cánh đứng dậy, dáng oai vệ như vốn có.

Bấy giờ tiếng ông chủ trang trại mới vang lên ngay cạnh: "Viên đạn mà anh chàng trông coi trang trại bắn chỉ là viên đạn giấy. Viên đạn sau của ta mới là đạn thật. Khen cho trống tơ đã biết giả chết như thật. Nếu trống tơ không một lần "chết" thì ta làm sao biết được mấy ả gà mái lại mê trống tơ đến vậy? Nếu trống tơ không "chết" vì viên đạn giấy thì rất có thể đã lãnh viên đạn của ta!". Câu chuyện tôi kể đến đây là hết. Thân ái chào quý vị!".

Người kể vừa dứt lời, tiếng vỗ tay vang lên rào rào.

                                            ***

Câu chuyện "Ngụ ngôn về con gà" sau đó được truyền miệng khắp nơi như tính dân gian của nó. Và vì thế, phần kết có rất nhiều dị bản. Có người kể,  cả trống tơ lẫn trống già đều chết để đám gà mái lại cho một con trống chì.

Đó là chuyện ngụ ngôn. Còn nhân sự ở trường đại học nọ lại là chuyện thật. Mới hay chuyện đam mê quyền lực ngay cả trong giới khoa học mới là chuyện... ngụ ngôn!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.