Trứng, thịt gia cầm sạch: Đắt hàng!

13/12/2005 14:20 GMT+7

Bộ NN- PTNT vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo cơ chế chính sách hỗ trợ giết mổ, chế biến bảo quản tiêu thụ thịt, trứng gia cầm. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm gia cầm thông qua việc tuyên truyền, quảng bá về mức độ an toàn của sản phẩm gia cầm sạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ hơn một tuần, lượng thịt gà, vịt và trứng đưa ra tiêu thụ đã tăng lên gấp đôi.

Sản phẩm gia cầm sạch hút hàng

Lúc 12h ngày 12/12, tại khu thực phẩm tươi sống của siêu thị Coop Mart Cống Quỳnh (quận 1) không còn một con gà nào trong tủ cấp đông. Trong khi đó, các loại trứng gà, vịt, cút, vịt muối, vịt Bắc thảo... trong hộp nhựa đậy kín có ghi cơ sở sản xuất, ngày kiểm dịch… có khá đông khách hàng chọn mua. Nhân viên bán hàng bảo, do lượng gà được kiểm dịch có hạn nên hôm nay hết sớm.

Từ khi có dịch cúm gia cầm, mỗi ngày lượng gà làm sẵn bán ra giảm chỉ còn 100kg thịt, so với trước khoảng 500 - 600kg. Một tuần qua, ngày nào cũng khoảng 10h sáng đã hết hàng - có lẽ do bà con biết được thông tin trên báo chí khuyến khích ăn thịt gia cầm sạch trở lại. Hôm nay, ngày 13/12, siêu thị sẽ tăng lượng thịt gà làm sẵn lên khoảng 200kg. Được biết, gà sạch bán tại siêu thị Coop Mart do Công ty CP Việt Nam và cơ sở Thanh Bình cung cấp, với giá 21.000 đồng/kg gà thả vườn và 14.500 đồng/kg gà công nghiệp.
 
Trong khi đó, tại siêu thị Metro Bình Phú, sản phẩm gia cầm sạch do Công ty CP Việt Nam và Công ty TNHH Phú An Sinh cung cấp chỉ giảm phân nửa so với trước ngày có dịch cúm gia cầm. Thịt gà thả vườn do Phú An Sinh cung cấp, siêu thị bán với giá 23.900 đồng/kg so với trước ngày có dịch cúm gia cầm là 40.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp do CP Việt Nam cung cấp, bán ra với giá 13.500 đồng/kg so với trước ngày có dịch cúm gia cầm là 32.000- 33.000 đồng/kg. Siêu thị mới bán trở lại vào đầu tháng 12, khi có thông báo của Sở Thương mại TP.

Các cơ sở giết mổ gia cầm sạch khởi động mạnh
 
Ông Châu Nhựt Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ cho biết, công ty hiện đang mua gia cầm của các trại chăn nuôi ở các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai. Mỗi ngày, công ty mua khoảng 1.000 con gà với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg; 1.000 - 2.500 con vịt với giá 8.000 - 12.000 đồng/kg.

Sản phẩm gia cầm của công ty đã được cơ quan thú y kiểm dịch trước khi giết mổ và khi đóng gói bao bì xong cũng được cơ quan thú y cấp giấy xuất xưởng được tiêu thụ qua mạng lưới bán lẻ ở các chợ, quán ăn tại TP.HCM. Hiện công ty đã tổ chức 9 đại lý có tủ cấp đông bán sản phẩm gia cầm. Sản phẩm của Công ty bán ra hiện nay đạt 40% so với trước ngày có dịch cúm gia cầm với giá bán ra là 14.000 đồng/kg - chưa bằng phân nửa so với giá bán trước đây.
 
Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh Phạm Văn Minh cho biết, thời điểm dịch cúm gia cầm, công ty chỉ giết mổ 1.000 con gà, hiện lượng gà giết mổ đã tăng lên 2.000 con. Theo ông Minh, từ ngày 20/12 trở đi, công ty sẽ tăng lượng giết mổ gia cầm cung cấp cho thị trường, đạt 3.000 con gà (mức bình thường như trước ngày có dịch cúm gia cầm).

Dự kiến, vào ngày lễ Noel, Tết Dương lịch, công ty giết mổ khoảng 4.000 - 5.000 con. Phú An Sinh cũng đang xúc tiến thủ tục xin phép cơ quan chức năng được nuôi gà trở lại tại chi nhánh ở Bình Dương và hợp đồng với những trại chăn nuôi có gà mới đẻ trứng để có nguồn gà, trứng cung cấp cho thị trường trong dịp Tết sắp tới. 

Hỗ trợ các cơ sở cung cấp gia cầm sạch
 
Thực tế, vào lúc dịch cúm gia cầm lần đầu lắng dịu, TP.HCM đã thực hiện quy hoạch lại vùng chăn nuôi, giết mổ gia cầm - vật nuôi. Nên từ năm 2004, khu vực nội thành chỉ được kinh doanh gia cầm giết mổ sẵn. Giờ đây, TP.HCM đi xa hơn khi tái quy hoạch lại giết mổ lần 2, từ 53 điểm giết mổ xuống còn 3 điểm để giám sát chặt việc kiểm dịch thú y và giết mổ.

Tháng 11 vừa qua, TP.HCM chứng nhận chuỗi gia cầm sạch bệnh an toàn đầu tiên cho Công ty Giống Gia cầm miền Nam và Công ty TNHH Phú An Sinh. Và để giải quyết tình trạng thị trường gia cầm bị đóng băng hiện nay, TP.HCM áp dụng phương án hỗ trợ doanh nghiệp mua gia cầm sạch bệnh giết mổ, cấp đông để dự trữ, cùng lúc với việc hỗ trợ người chăn nuôi.
 
Ông Huỳnh Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho rằng, việc xiết chặt kiểm soát vận chuyển, giết mổ và nơi kinh doanh - mà TP đang áp dụng - chính là biện pháp làm cho người dân cảm thấy yên tâm. Cách kích hoạt để làm “tan băng” thị trường gia cầm là giúp người tiêu dùng hiểu, an tâm, tin tưởng sản phẩm gia cầm sạch. Ông đề nghị, bà con nên mua gia cầm làm sẵn, có bao bì, địa chỉ rõ ràng, được bán ở các siêu thị, chợ, quầy sạp kinh doanh có đăng ký đàng hoàng, có sự giám sát của cán bộ thú y; không nên mua gia cầm không rõ nguồn gốc và bày bán ở các chợ lòng lề đường, chợ tự phát.

Ngày 12/12: Không phát hiện thêm ổ dịch cúm mới

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), ngày 12/12, trên địa bàn cả nước đã không phát hiện thêm ổ dịch cúm mới. Như vậy, hiện nay cả nước chỉ còn 130 xã, phường của 59 quận, huyện, thị xã thuộc 15 tỉnh, thành phố dịch xảy ra chưa qua 21 ngày. So với hồi cuối tháng 11 (khi dịch cúm ở vào cao điểm), số xã có dịch đã giảm 75 xã. Số tỉnh, thành có dịch chưa qua 21 ngày là: Bắc Ninh, Cao Bằng, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Giang, Yên Bái và Quảng Trị.

Ngày 12/12, Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành khẩn cấp một số chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi gia cầm. Theo đó, đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp giết mổ gia cầm đến 31/1/2006 được phép vay vốn ưu đãi với lãi suất bằng 0. Đối với các cơ sở chăn nuôi, được phép vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển của Chính phủ để mua thức ăn và con giống duy trì ngành chăn nuôi gia cầm.

* Tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh viện vừa được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân bị cúm H5N1 cho người trong nước và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại khu vực miền Trung. Được biết, cả nước có 3 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị cúm H5N1 cho người nước ngoài là Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Trung ương Huế. Đợt này Bệnh viện Trung ương Huế được nhận 3 tỷ đồng từ kinh phí phòng chống dịch cúm.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.