Lớp học không tiếng nói

22/10/2013 03:20 GMT+7

Giai điệu bài Quê hương được cất lên. Ơ kìa, tốp ca nhưng sao chỉ có tiếng đàn, còn ca sĩ thì đứng… 'huơ tay'. Vậy mà khi tiết mục kết thúc, những tràng pháo tay dội lên không ngớt, đâu đó vài người len lén lau vội giọt nước mắt.

 Anh Khiêm (giữa) cùng các bạn câm điếc tập văn nghệ - d
Anh Khiêm (giữa) cùng các bạn câm điếc tập văn nghệ - Ảnh: Nguyễn Tập

Tiết mục văn nghệ của Tổ chức cộng đồng điếc câm TP.HCM luôn được chào đón như thế.

Thông điệp từ bàn tay

Đến chung cư Nguyễn Thiện Thuật (P.1, Q.3), hỏi thăm lớp học câm điếc, bà giữ xe chỉ lên phòng 130 lô J: “Tụi nó đang học đó”. Trong căn phòng chất đồ ngổn ngang, năm sáu bạn trẻ đang 'huơ  tay' rất hăng. “Bọn nhỏ sắp có kiểm tra nên sang hỏi bài anh Khiêm”, bà Phạm Cao Phương Thảo, mẹ của Khiêm giải thích. (bà Thảo nghe và nói bình thường, nhưng hiểu ngôn ngữ ký hiệu nên “phiên dịch” giùm).

Từ nhiều năm nay, chàng trai câm điếc Đoàn Phạm Khiêm, sinh viên năm cuối Khoa Sơn dầu, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, đã nhận dạy thêm miễn phí cho những người câm điếc. Tối thứ ba, năm, bảy, Khiêm dạy kèm toán, lý, hóa. Tối hai, tư, sáu dạy “hát bằng tay”. Ngày chủ nhật, được Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) cho mượn địa điểm, Khiêm cùng mẹ mở lớp dạy pháp luật, kỹ năng sống và ngôn ngữ ký hiệu cho cả trăm người câm điếc lẫn người bình thường. “Họ là người những câm điếc mồ côi, không được đi học. Ngày thường đi phụ hồ, bưng bê, giữ xe… Tổ chức cộng đồng điếc câm TP (do mẹ con anh Khiêm và vài người tâm huyết thành lập, không có tài trợ - PV) ra đời nhằm trang bị kiến thức xã hội, pháp luật giúp người điếc câm dễ hòa nhập xã hội hơn”, bà Thảo cho biết.

Mấy năm trở lại đây, Khiêm cùng 5 người bạn nữa cố gắng tập hợp đại diện người câm điếc ở nhiều huyện, vùng chọn những ký hiệu thống nhất, đơn giản nhưng phải hình tượng nhất để biên soạn từ điển ngôn ngữ ký hiệu của người câm điếc. “Làm từ điển này cần phải có máy chụp hình và máy quay chuyên nghiệp vì tất cả đều phải dùng cử chỉ. Nhưng những thiết bị đó khá xa tầm với của bọn mình, nên dự án vẫn chưa thể hoàn thành”, Khiêm tâm sự.

Bịt tai lại, mở trái tim ra

Khi những học trò câm điếc cuối cùng ra về, đồng hồ đã gần chuyển sang 10 giờ đêm. Mẹ con Khiêm mời tôi ở lại ăn tối. Gạo hết, chỉ còn non một lon. Bà Thảo nhìn tôi cười ái ngại: “Mới mua bịch gạo 2 kg cách đây mấy ngày, hôm nay không biết có khách đến. Thôi thông cảm ăn mì gói nha”. Nói rồi bà gỡ cửa tủ ra đặt xuống đất, lục trong cái tủ chứa đầy áo quần, giấy tờ và… mì gói. “Cái tủ này người ta vất, thấy cũng còn tốt, chỉ bị hư cánh cửa nên mình mang về xài. Trong nhà toàn là đồ cho cả đấy”, bà Thảo nói.

Mà thật vậy, căn phòng này được một nhà hảo tâm cho mượn để dạy học, cũng là nơi tá túc của Khiêm và mẹ. Bàn ghế do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM cùng nhà hảo tâm cho. Mấy bộ máy vi tính cũ được Thành đoàn và nhà hảo tâm ủng hộ. Nhà có chiếc xe máy cũ xì cũng là của dì cho (nhưng Khiêm thường đi học bằng xe buýt để tiết kiệm tiền đổ xăng, chỉ ngày chủ nhật mới lấy xe chở mẹ đi sinh hoạt với các bạn điếc câm khác). Ngay cả hai cái quạt, Khiêm cũng ra dấu: “được cho luôn”.

Bằng ánh mắt cười, bằng bàn tay Khiêm nói với tôi: 'Hãy thử bịt chặt tai lại và đừng nói gì cả. Nửa tiếng thôi, tôi tin rằng anh sẽ cảm thông được với người câm điếc hơn'.

Vậy thì, nào! Hãy cũng tôi bịt tai lại và mở trái tim ra…

Là người câm điếc đầu tiên ở Việt Nam đậu đại học chính quy (thủ khoa ngành hội họa, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2009), Đoàn Phạm Khiêm được chọn là thanh niên tiêu biểu của TP.HCM hai năm 2010 và 2011. Từ năm 2010-2012, Khiêm còn được nhận học bổng Tài năng trẻ của Thành đoàn, bằng khen của Bộ LĐ-TB-XH vì những nỗ lực vượt khó vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập, lao động.

Nguyễn Tập

>> Cuộc thi viết về người khuyết tật
>> Người khuyết tật được đánh giá cao trong CNTT
>> Lớp học của những người “đặc biệt”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.