Nhân mùa Giáng sinh 2005: Người Công giáo "gặp Chúa trong lòng dân tộc"

22/12/2005 23:52 GMT+7

Thường vào tháng 12 hằng năm, đời sống thành phố rộn ràng với không khí lễ hội Noel. Rất tự nhiên, từ sinh hoạt của cộng đồng Công giáo, Giáng sinh đã được đón nhận như một lễ hội của chung toàn xã hội, nhất là ở các đô thị.

Ba mươi năm qua kể từ khi đất nước thống nhất, dù trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, TP.HCM chưa từng thiếu vắng tiếng chuông nhà thờ kính Chúa cũng như tiếng chuông, tiếng mõ thờ cúng Phật, trời, tổ tiên. Đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người, các tôn giáo đã mang lại một nét đẹp rất đáng trân trọng cho diện mạo tinh thần của thành phố. Nét đẹp đó tô điểm cho cả nước ta, trong đó đặc biệt Nam Bộ và TP.HCM như một bảo tàng sống động của đời sống tôn giáo đi cùng với dân tộc, với đất nước.
 
Nhìn lại những năm tháng đã qua, trên mỗi vị trí công tác của mình, dù ở huyện, ở tỉnh, ở thành phố hay ở T.Ư, tôi đều có dịp cộng tác với nhiều vị chức sắc, trí thức và người dân theo đạo. Tôi được hiểu một cách sâu sắc rằng, những người ấy cũng như những người dân Việt Nam khác, do từng hoàn cảnh mà thái độ biểu hiện có khác nhau, nhưng đại đa số đều có tinh thần dân tộc. Nhiều người trong số họ sẵn sàng dấn thân vì Tổ quốc. Không hiếm thấy ở đất nước ta những tình bạn, tình đồng chí chân thành giữa những người cộng sản và những nhân vật tôn giáo. Một dịp khác tôi sẽ trở lại nội dung này, với những cộng đồng tôn giáo khác. Dịp Giáng sinh năm nay, cũng là Giáng sinh sau 30 năm đất nước thống nhất, tôi muốn nói nhiều hơn đến những trải nghiệm của mình với đồng bào Công giáo, vốn kiên trì lựa chọn "sống Phúc âm trong lòng dân tộc".

Trong hai cuộc kháng chiến gian khổ, có không ít vị chức sắc, nhân sĩ Công giáo như luật sư Thái Văn Lung, luật gia Nguyễn Thành Vĩnh, luật sư Phạm Ngọc Thuần, kỹ sư Phạm Ngọc Thảo, linh mục Võ Thành Trinh, Hồ Thành Biên, Hồ Huệ Bá... đã là những người kháng chiến kiên cường và kiên định. 

Trên phạm vi cả nước, nhiều vị chức sắc, trí thức tôn giáo cũng tích cực tham gia kháng chiến. Những tên tuổi như giám mục Lê Hữu Từ, Vũ Xuân Kỷ, Nguyễn Mạnh Hà… là những tấm gương mộ đạo và đoàn kết, động viên bà con Công giáo đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền cách mạng. Ở miền Bắc nhiều gia đình Công giáo theo lời kêu gọi của Bác Hồ, động viên sức người, sức của, chịu đựng hy sinh mất mát, đóng góp tích cực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cuộc đấu tranh ở đô thị Sài Gòn những năm chống Mỹ có nhiều tổ chức của người Công giáo hoạt động đòi hòa bình, dân chủ, chống độc tài như nhóm báo Thống Nhất, Phong trào Công giáo xây dựng hòa bình của tuần báo Sống Đạo, nguyệt san Đối Diện, tổ chức Thanh lao công… cùng với những tên tuổi như Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Châu Tâm Luân, Nguyễn Ngọc Bích, Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Trần Tuấn Nhậm, Thiện Cẩm, Nguyễn Nghị… Bằng khát khao hòa bình, khát khao quyền sống, quyền tự do của dân tộc, họ đã trực diện với kẻ thù trên trang báo, ở văn đàn, trong nhà trường, tại nghị viện, cả ở chốn lao tù.

Tinh thần dân tộc không phải trong trường hợp nào cũng được thể hiện một cách trực tiếp nhưng nó luôn thao thức, ngay trong những bậc chân tu vốn cống hiến trọn đời mình cho giáo hội. Tôi nhớ cố Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình từng kể về tâm trạng của những người Việt Nam tại Vatican như ông, đã biết bao tự hào khi người Việt đầu tiên, linh mục Nguyễn Bá Tòng, được thụ phong giám mục. Cảm xúc ấy chính là chỗ đồng điệu, để những người yêu nước Việt Nam, dù có đạo hay không có đạo, gắn bó mật thiết với nhau trong mỗi hành trình của đất nước. Đó là nền tảng để những người Công giáo và những người Cộng sản chia sẻ được cùng nhau trong sự nghiệp đấu tranh chống chế độ độc tài, lệ thuộc, đòi hòa bình, thống nhất những năm tháng ấy.  Nhiều con chiên, thậm chí là cả nhà thờ thành nơi chở che những cán bộ hoạt động cách mạng.

Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng là ngày đồng bào Công giáo háo hức "hòa mình vào nhịp sống của toàn dân, đi sâu vào lòng dân tộc" như thư của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình gửi cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân ngày 5.5.1975. Và thực sự 30 năm qua, người Công giáo TP đã "hòa mình" bằng trách nhiệm công dân nghiêm túc và chân thành. Đó là một sự hòa mình không phải là không có khó khăn. Nhất là trong hoàn cảnh Tòa thánh Vatican chưa bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nhiều mặc cảm, định kiến trong quá khứ của cả hai bên không thể một sớm một chiều xóa bỏ.

Hòa chung với đông đảo các tầng lớp nhân dân, sau ngày giải phóng, bà con theo đạo ở TP.HCM, trong đó có người Công giáo, đã thể hiện ý thức trách nhiệm tham gia tích cực công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển thành phố. Ý thức trách nhiệm ấy càng được thể hiện rõ vào những lúc khó khăn của đất nước, trong giáo dân, các nam, nữ tu sĩ, và những người đứng đầu giáo phận của các tôn giáo. Nhớ lại những năm tháng ấy, thật nhiều hình ảnh đẹp. Trên những công trường lao động xây dựng kinh tế mới, làm thủy lợi, tăng gia sản xuất, người dân thành phố, có cả các vị chức sắc, nam, nữ tu sĩ cùng chia sẻ với nhau miếng ăn, viên thuốc và niềm vui lao động. Tôi còn nhớ giới Công giáo TP được Thành ủy tạo điều kiện để có nông trường ở Củ Chi. Chính các linh mục, nam, nữ tu sĩ, và ngay cả cố Tổng giám mục đã thường xuyên lên trực tiếp tăng gia sản xuất. Ở nhiều xóm đạo, các cha xứ vận động giáo dân lao động cải thiện đời sống, tháo gỡ khó khăn. Có những xóm đạo đông bà con di cư như ở Xóm Mới, Xóm Chiếu, các cha xứ và giáo dân, với sự giúp đỡ của Thành ủy và các cấp chính quyền, đã phát triển nghề truyền thống, tạo ra công ăn việc làm, lo được đời sống cho bà con. Từ sự hòa mình rất tự nhiên đó, ở nhiều xóm đạo người dân xóa được đói, giảm được nghèo, tham gia phát triển địa phương, chăm lo cho cộng đồng.

Ý thức trách nhiệm ấy bộc lộ rõ nhất vào những năm tháng xảy ra chiến tranh biên giới. Cùng đông đảo nhân dân và bà con các tôn giáo khác, đồng bào Công giáo một lần nữa tỏ rõ lòng yêu nước của mình, tình nguyện tòng quân hoặc tham gia phục vụ biên giới, không kể giáo dân hay nam, nữ tu sĩ. Có linh mục, như linh mục Nguyễn Văn Châu, tự nguyện gia nhập bộ đội. Có những nữ tu ra tận chiến hào động viên chiến sĩ. Nhiều tôn giáo còn đăng ký  và tham gia xây dựng các tuyến phòng thủ của TP. Tuyến phòng thủ ở Quang Trung, Hóc Môn là một công trình thể hiện tấm lòng đó của đông đảo linh mục, nam, nữ tu sĩ và giáo dân Công giáo.

Hậu quả nặng nề của chiến tranh chưa kịp khắc phục hết, cộng vào là nhiều vấn đề xã hội, kể cả tệ nạn xã hội, luôn là nỗi âu lo, ray rứt trong các giới đồng bào, trong các cấp lãnh đạo của TP.HCM. Ba mươi năm qua công sức của TP tập trung cho những vấn đề này không nhỏ. Trong đó có phần đóng góp rất xứng đáng của cộng đồng Công giáo thành phố, nhất là trong các hoạt động nhân đạo. Nhiều nội dung hoạt động của bà con Công giáo TP đã lan tỏa sâu rộng như mô hình hoạt động trẻ em đường phố, lớp học tình thương… Đặc biệt, trong các hoạt động chăm sóc các bệnh nhân bị bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm, không thể không nhắc đến tinh thần xả thân của nhiều bà con, nhất là của chị em nữ tu.

Từ những năm qua, ở TP.HCM, cộng đồng người Công giáo đã góp phần vào sự phấn đấu chung của thành phố ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức xã hội. Các loại tội phạm như kiểu băng nhóm xã hội đen Năm Cam, các tụ điểm tệ nạn nhức nhối có thể xảy ra được ở nơi này, nơi khác nhưng khó thâm nhập vào các cộng đồng dân cư theo đạo Công giáo. Theo chỗ tôi được biết, trong các cộng đồng này, bà con đã thường xuyên chăm lo phát huy các giá trị gia đình và công đồng, góp phần có hiệu quả ngăn chặn các các loại tệ nạn xã hội. Đó là một đóng góp lớn cho trị an của TP.

"Là người Công giáo, chúng ta gặp Chúa trong cuộc sống của dân tộc. Và đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết".

Ngày Quốc khánh 30 năm trước, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã viết như vậy. Dịp Giáng sinh này đọc lại, tôi có điều kiện suy ngẫm đầy đủ về ý thức dân tộc làm nên tầm vóc và càng nhớ đến công đức của bậc chân tu yêu nước ấy. Về phần mình, có dịp gặp gỡ và kết bạn với ông, khi ở TP.HCM và sau này công tác ở T.Ư, tôi nhận được ở ông nhiều sự chia sẻ. Giữa biết bao mặc cảm và cả ngộ nhận, ông đã chia sẻ với một người cộng sản, không phải để chiều thời mà để "xây dựng trần thế".  "Gặp Chúa trong cuộc sống của dân tộc" ở đất nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cố Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình là một tấm gương về sự kiên trì xóa bỏ thành kiến, bằng cách chủ động bước vào cuộc sống mới, tạo ra thực tế mới để xây dựng niềm tin chân thành, vững chắc. Tinh thần đó đã được những người kế tục ông như Tổng giám mục Nguyễn Minh Mẫn,  cùng các vị chức sắc và bà con Công giáo thành phố tiếp tục đeo đuổi.

Cùng là người yêu nước, tại sao không thể chia sẻ với nhau niềm tin?

Một lần nữa chúng ta thấm thía sâu sắc bài học về sự dám tin, tạo ra điều kiện để tin tưởng vào lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân ta. Nhân đây, tôi muốn trân trọng nhắc lại để tưởng nhớ một người trí thức Công giáo toàn tòng, dân Tây. Đó là kỹ sư Phạm Ngọc Thảo. Phạm Ngọc Thảo tham gia kháng chiến và được chính người lãnh đạo cao nhất của Nam Bộ lúc bấy giờ là đồng chí Lê Duẩn, sau đó là Bí thư thứ nhất rồi Tổng bí thư của Đảng, tin cậy giao "trở về hợp tác với quốc gia", quan hệ, tập hợp những người yêu nước trong chính bộ máy chính quyền chống cộng, để hình thành lực lượng yêu nước không phụ thuộc Mỹ, trong trường hợp có giải pháp, sẽ là một lực lượng chính trị đóng góp cho sự nghiệp hòa bình, thống nhất đất nước. Sự tin cậy của người lãnh đạo cao nhất ấy đã tạo ra niềm tin của Phạm Ngọc Thảo để vượt qua mọi thử thách, kể cả hy sinh.

Từ môi trường hoạt động thực tiễn, dù lúc tôi trực tiếp công tác ở TP.HCM hay cả Nam Bộ cũng như sau này trải qua công việc ở T.Ư, gắn bó với đồng bào có đạo, tôi thấu hiểu sâu sắc rằng, với người Công giáo, kính Chúa không hề mâu thuẫn với yêu nước. Rộng ra, các tôn giáo, tín ngưỡng không hề ngăn trở tinh thần dân tộc. Chính trách nhiệm với dân tộc và lòng yêu nước chân thành là cơ sở giúp cho người có đạo cũng như người không có đạo và người Cộng sản không những không đố kỵ mà còn có thể đồng điệu, đồng hành. Tổ quốc không của riêng người Cộng sản, cũng như không của riêng tôn phái nào mà là cội nguồn cảm thông và gắn bó chặt chẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta không nên và không thể đòi hỏi toàn xã hội đều có hành động yêu nước giống nhau. Mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh, nếu khơi dậy đúng đắn mạch nguồn dân tộc, sẽ có những cách yêu nước phù hợp khác nhau. Miễn là mọi người hợp lực cùng đảm đương trách nhiệm với tương lai tươi sáng của đất nước. Thực tiễn 30 năm vừa qua cũng như của thời kỳ đấu tranh lâu dài trước đó của dân tộc soi tỏ chân lý ấy. Nhìn xa hơn nữa, suốt hành trình lịch sử mấy nghìn năm, đức tính bao dung tôn giáo là một nét đặc biệt trong bản sắc của dân tộc Việt Nam ta, rất văn hiến, rất nhân văn, tạo nên một thế mạnh góp phần cố kết dân tộc ta để giữ nước và dựng nước. Ngày nay, chúng ta đang kế tục và phát huy nét bản sắc cao quý này.

Những ngày này, các giới đồng bào được cùng bà con Công giáo trên cả nước chung niềm vui chào đón năm mới. Lại một mùa Giáng sinh nữa trên đất nước đã yên bình nhưng còn nghèo khó của dân tộc ta. Tôi muốn trong dịp này chia sẻ mong muốn mọi người Việt Nam sẽ cùng chung sức, chung lòng, phấn đấu cho những mùa Giáng sinh đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc. Tổ quốc không của riêng ai, tương lai đất nước phụ thuộc vào hành động yêu nước của mỗi người Việt Nam hòa hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc hôm nay.

Hôm 22/12, đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.HCM do ông Lê Hoàng Quân - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy dẫn đầu đã đến thăm Tòa Tổng giám mục Công giáo, Tổng liên hội Hội thánh Tin lành VN tại TP.HCM và Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố nhân lễ Giáng sinh năm nay. Đoàn đã tặng quà, chúc sức khỏe các vị chức sắc và chúc toàn thể giáo dân một mùa Giáng sinh an lành, nhiều hồng ân của Chúa.

Trước đó, tại P.Bình Thọ, chính quyền Q.Thủ Đức cũng đã tổ chức họp mặt các vị chức sắc mừng lễ trọng và tổng kết 1 năm thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong đồng bào có đạo tại địa phương. Tại Q.1, trong cuộc họp mặt diễn ra tại nhà thờ Fatima, đại diện MTTQ quận đã đọc thư chúc mừng lễ Giáng sinh của Chủ tịch Đoàn CT Ủy ban T.Ư MTTQ VN Phạm Thế Duyệt, chúc bà con sống “tốt đời đẹp đạo”. Nhân dịp này, lãnh đạo các quận huyện khác ở thành phố đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà và chúc mừng các vị chức sắc Công giáo và Tin lành ở địa phương.

N.Thuỷ

Võ Văn Kiệt (nguyên Thủ tướng Chính phủ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.