Thầy tôi

25/12/2005 22:33 GMT+7

Tháng 8 năm 1950, giặc càn ác liệt quá, cả gia đình thầy tứ tán, mỗi người một nơi. Thầy dắt cậu con trai thứ tám tên là Chính chạy về làng Nghệ, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Chạy loạn ròng rã hết ngày này sang ngày khác, nơi này sang nơi khác tất cả đều đói khát, xác xơ. Vậy nhưng chạy mãi cũng chẳng thoát.

Khởi đầu bằng những loạt đại bác chát chúa uy hiếp dân làng, đại đội ngụy quân do một viên sĩ quan Pháp cầm đầu theo đường thủy từ Kiến An ập lên bao vây, dồn hết những người đàn ông và đám thanh niên mới lớn ẩn núp ngoài đồng, trói quặt tay sau lưng bằng dây thép cứ năm người thành một dây đẩy ra bờ sông. Thầy tôi và con trai ông cũng nằm trong số đó. Những con người khốn khổ cầm chắc cái chết trong tay, bước thấp bước cao trên bờ ruộng mấp mô chậm chạp như níu kéo những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Đứng trước dây người thứ nhất ngay trên mép bờ sông dựng đứng vì xói lở mùa lũ, viên sĩ quan Pháp hỏi - viên thông ngôn dịch: "Việt Minh ở đâu? Nói thì tha, không nói thì chết!". Dây người im lặng vì chẳng ai biết, mà có nói bừa cũng chẳng thoát chết.

Bị trói đứng trong dây thứ hai, thầy tôi ngẩng đầu im lặng như đón nhận cái chết đang tới gần. Ông đứng hơi rướn lên như muốn che chở cho cậu con trai run run nép bên ông như mong cha che chở dù biết là vô vọng.

Một phút lặng lẽ trôi qua, không một lời, không một tiếng van xin. Viên sĩ quan Pháp khô khốc ra lệnh, đám lính thúc mạnh báng súng vào ngực mấy người trong dây thứ nhất. Họ bật ngửa kéo cả dây người đổ ụp xuống sông trong nỗi bàng hoàng của những người còn lại. Trong giây lát, cả dây người bị lôi tuột nhấn chìm trong dòng nước cuộn xiết…

Đứng trong dây người thứ hai cùng con trai, thầy bị đẩy ra mép sông nơi dây thứ nhất vừa bị nhấn chìm. Vẫn câu hỏi lạnh lùng đó, im lặng, ông ngửa mặt lên trời… 

- Con lạy thầy ạ! Bỗng viên thông ngôn chạy đến cúi đầu, chắp tay vái lia lịa.
Đang như đã bước một chân sang thế giới bên kia, thầy bừng tỉnh.
- Anh là ai ? ông hỏi.
- Thưa thầy, con là thằng C. học trò của thầy ở Hải Phòng ạ, giọng cung kính, viên thông ngôn cúi đầu. 
- Tôi không có thằng học trò đốn mạt làm tay sai cho giặc, giết hại dân lành như anh. Cút !, giọng ông bỗng đanh siết lại như ngọn mây quất thẳng.
Viên thông ngôn rúm người lại. Thấy vậy, viên sĩ quan Pháp bước lại. Vẻ khúm núm, viên thông ngôn nói cho viên sĩ quan biết ông già tiều tụy rách rưới đứng trước mặt kia chính là thầy giáo đã dạy hắn. Vẻ không tin, viên sĩ quan tò mò hỏi:
- Ông là thầy giáo ?     
- Đúng, tôi là thầy giáo.
Thầy trả lời bằng tiếng Pháp trôi chảy đúng ngữ điệu. Lúc đó, trong thời Pháp thuộc, các trường từ tiểu học thầy phải giảng và trò phải học bằng tiếng Pháp. Nghe thầy, một con người kề bên cái chết nói với giọng bình thản như vậy, viên sĩ quan Pháp vẻ ngạc nhiên:
- Tại sao ông lại ở đây ?
- Vì ở đâu các ông cũng càn quét, cũng đốt phá, giết hại dân chúng nên tôi và gia đình phải chạy đến đây. Tôi và con trai tôi chạy khắp nơi cũng chẳng thoát. Nhiều người ở đây cũng thế.
Viên sĩ quan im lặng như thầm công nhận điều ông nói.   
- Khi dạy học trò, tôi vẫn nói rằng người Pháp vốn hiểu biết và lịch sự, nước Pháp xinh đẹp và hiền hòa nhưng những điều thất đức các ông làm hôm nay làm tôi ngạc nhiên. Tôi hỏi ông, tại sao ông lại nỡ đẩy những người nông dân vô tội kia xuống sông khi họ chẳng làm gì hại ông, chẳng làm hại gì cho nước Pháp ? Họ cũng có vợ, có con như ông thôi… - Thầy nói tiếp.
Hình như quên đi cảnh cận kề với cái chết, thầy từng lời chậm rãi rõ ràng nói với viên sĩ quan. Hắn cúi đầu như đăm chiêu suy nghĩ nhiều lắm…
Chợt vẫn với vẻ ngạo mạn của kẻ mạnh, viên sĩ quan Pháp nói:
- Nếu bây giờ tôi tha cho ông và con trai ông thì sao ?
Trong thâm tâm hắn chờ, hắn muốn thấy thầy khuỵu người lạy hắn đã ban ơn tha mạng sống cho thầy. Nhưng không!
- Ông muốn thả tôi và con trai tôi ư? Tôi cảm ơn ông, nhưng ông nên thả hết những người ở đây vì họ giống tôi, họ không có tội gì cả. Vợ con đang chờ họ ở đằng kia. Nếu ông không thả hết họ, hãy để cha con tôi chết chung với họ.
Im lặng, tất cả đều im lặng. Thầy không nói thêm lời nào nữa, hình như ông đã nói hết điều cuối cùng cần nói trong cuộc đời. Ông đã gắn tính mạng mình và cậu con trai yêu quý của ông với tâm đức của người thầy ngay cả khi sắp chết lúc này đây… 
- Thả tất cả những người này ra! Chợt viên sĩ quan ra lệnh, rồi hắn quay người bước nhanh như trốn chạy bóng ma tội ác mà hắn vừa gây ra, như chạy trốn trước điều nhân đức giản đơn mà người thầy giáo bản xứ kia vừa chỉ cho hắn…

Tết Nguyên đán năm 1971, Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm và chúc Tết gia đình thầy. Nhà thầy nhỏ xíu, chật hẹp được cơi nới trên mái bằng của cái nhà bếp suốt ngày khói um với cái cầu thang hẹp, dựng đứng, chỉ đủ lọt cho một người đi.
Về gia đình thầy, báo có đăng, đài có nói. Vậy nhưng có một chuyện lúc đó không được kể đến và cho đến hôm nay cũng rất ít người biết đến. Đó là chuyện về thầy giáo già sau này đã dạåy tôi khi tôi học lớp 2 năm 1958 tại Trường Lạc Viên, Hải Phòng. Chuyện thầy đã may mắn cứu sống được hơn hai chục người dân vô tội và chính bản thân mình cùng cậu con trai bằng tâm đức, tài trí và lòng dũng cảm của một người thầy.

 

Gia đình thầy Ngô Trọng Đang

Trần Quốc Dũng
(Bài đoạt giải khuyến khích cuộc thi viết về thầy cô giáo)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.