Doanh nghiệp chưa để ý

09/04/2012 08:59 GMT+7

Nhiều sản phẩm sáng tạo, đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên (SV) được đánh giá cao tại các cuộc thi sáng tạo trẻ, nhưng việc chuyển giao vào thực tế vẫn đang là bài toán khó.

Nhiều sản phẩm sáng tạo, đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên (SV) được đánh giá cao tại các cuộc thi sáng tạo trẻ, nhưng việc chuyển giao vào thực tế vẫn đang là bài toán khó.

Chính vì vậy, một số trường và cả SV đang nỗ lực đi tìm lối ra từ các doanh nghiệp.

Ít thời gian, thiếu kinh phí

Những năm gần đây, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thường mang đến các hội thi sáng tạo trẻ nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao như máy bán hàng tự động, robot chim, robot móc cống...

 
GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc - chủ tịch Hội Khoa học công nghệ robot Việt Nam (phải) - tham quan và nhận xét robot bay Quadrotor của nhóm sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM tại triển lãm Tech Show Robocon 2011 ở Đà Nẵng - Ảnh: Phước Tuần

Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa được chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất. Liên tiếp đoạt hai giải nhì về sáng tạo cấp thành phố và toàn quốc, bạn Nguyễn Đức Long - chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo robot chim” - mong muốn được hỗ trợ đầu tư hoặc chuyển giao, nhưng đến nay robot chim chỉ nằm trong phòng thí nghiệm của trường.

Giải thích về điều này, TS Hoàng An Quốc, phó trưởng phòng quản lý khoa học - quan hệ quốc tế của trường, cho biết: “Đặc thù của SV tham gia NCKH là chưa dành nhiều thời gian, kiến thức chuyên sâu và kinh phí để tập trung nghiên cứu sản phẩm. Cho nên các sản phẩm sáng tạo của SV vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được sự đầu tư, đón nhận của các doanh nghiệp”.

Cùng quan điểm, thạc sĩ Đoàn Kim Thành - giám đốc Trung tâm Phát triển công nghệ và khoa học trẻ Thành đoàn TP.HCM - nhìn nhận các đề tài NCKH hiện nay của SV vẫn còn khoảng cách lớn để đến được với thực tế. Thời gian 4-6 tháng để thực hiện đề tài là quá ít, cộng thêm kinh phí hỗ trợ của nhà trường còn hạn hẹp, kiến thức chuyên môn chưa sâu thì không thể đòi hỏi cao về chất lượng của các đề tài. Năm 2010, Thành đoàn TP.HCM chuyển giao 14 đề tài NCKH cho các đơn vị có nhu cầu, nhưng việc đưa vào ứng dụng trên thực tế còn ít ỏi.

 

Thường xuyên hội thảo khoa học

Thạc sĩ Đinh Minh Hiệp - phó phòng quản lý khoa học Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - gợi ý các trường thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học trong SV và cán bộ giảng dạy trẻ liên trường cùng chuyên ngành.

Ngoài ra, nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ học thuật, đầu tư đặt hàng các doanh nghiệp để khuyến khích, hỗ trợ điều kiện nghiên cứu cho SV.

Ở góc độ khác, PGS.TS Bùi Văn Miên - trưởng phòng NCKH Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho rằng SV chủ yếu tự đề xuất ý tưởng mà chưa có thời gian tham quan cơ sở sản xuất nên nội dung nghiên cứu thường rất hạn hẹp, không có tính định hướng thực tế dẫn đến chất lượng không cao.

Liên kết với doanh nghiệp

Không thể chờ đợi, nhiều trường đã tự tìm lối cho “đầu ra”. TS Nguyễn Ngọc Phương - giám đốc Trung tâm công nghệ cao ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết với những sản phẩm có tính sáng tạo và ứng dụng, nhà trường liên kết với doanh nghiệp để xin tài trợ chế tạo hoàn thành sản phẩm theo từng giai đoạn, hoặc bán luôn ý tưởng, công nghệ để họ sản xuất. “Chúng tôi sắp chuyển giao công nghệ máy bán hàng tự động cho một công ty chuyên sản xuất bánh kẹo lớn” - ông Phương nói.

Tại ĐH Nông lâm TP.HCM, PGS.TS Bùi Văn Miên cho biết nhà trường sẽ chủ động liên hệ với các doanh nghiệp tạo điều kiện để SV tham quan, hỗ trợ trang thiết bị, hóa chất, thức ăn, con giống... cho SV trong quá trình nghiên cứu. Theo ông Miên, chỉ có như vậy mới mong kích thích sự đam mê nghiên cứu của SV, tạo được sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Cũng vậy, anh Huỳnh Ngọc Anh - bí thư Đoàn Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - cho biết nhà trường đã thành lập một bộ phận chuyên trách việc chuyển giao các đề tài NCKH, tìm kiếm đối tác để quảng bá, tiếp thị các đề tài của SV. Dựa vào những ý tưởng đề xuất, bộ phận này sẽ thông tin đến các doanh nghiệp xin hỗ trợ hay chính các khoa sẽ tự hỗ trợ cho SV bắt tay nghiên cứu.

Bạn Nguyễn Thị Như Quỳnh (ĐH Tôn Đức Thắng), đồng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu một vài loại nhang thân thiện với môi trường, rất mong muốn được sự hỗ trợ để sớm sản xuất sản phẩm. Quỳnh cho biết sau khi đề tài đoạt giải nhất Euréka 2011 đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào liên hệ. Cô nói: “Chúng tôi dự định tự tìm đến các doanh nghiệp xin hỗ trợ kinh phí để tiếp tục nghiên cứu, sớm đưa vào sản xuất rộng rãi”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.