Đường cao tốc không chỉ là đường cao tốc

01/04/2014 12:20 GMT+7

Tôi hoàn toàn không đồng tình việc báo chí và dư luận đang lên án các công trình xây dựng đường cao tốc.

Tôi hoàn toàn không đồng tình việc báo chí và dư luận đang lên án các công trình xây dựng đường cao tốc. Các anh chị tiết lộ rằng chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 3 lần Mỹ (cụ thể Việt Nam làm hết 12,7 triệu USD, Trung Quốc 5 triệu USD/km, Mỹ 5 triệu USD/km). 


Bên ta, do sự phong phú của tiếng Việt, đường của chúng ta đảm trách rất nhiều ý nghĩa - Ảnh minh họa

Từ các con số này, các anh chị than Việt Nam đội giá nhiều quá, chi phí cho lót tay nhiều quá, ăn gian nhiều quá. Suy nghĩ như vậy thật hết sức phiến diện và ấu trĩ. Các anh chị hãy so sánh Mỹ và Việt Nam.

Bên Mỹ, đường nó chỉ là đường. Nó chỉ dùng cho xe chạy, chấm hết. Bên ta, do sự phong phú của tiếng Việt, đường của chúng ta đảm trách rất nhiều ý nghĩa. Đường là con đường cho xe chạy, đương nhiên. Ngoài ra đường còn là nơi để bò đi. Phơi lúa, phơi khoai, phơi sắn. Con nít đá banh. Gầy độ nhậu, ca hát. Tình nhân hẹn hò. Rửa chén. Bán đồ ăn. Nấu nướng bằng lò than tổ ong. Ngủ. Sửa xe. Bán vé số. Tập thể dục.

Đó là tôi mới tính các công năng trong sinh hoạt. Về giải trí, đường là địa điểm trời cho để tổ chức đường đua mạo hiểm: trên mặt đường có sóng, có rãnh, có ao chuôm, có chuột chết, có chó chạy ngang, có bịch nước mía ném theo kiểu boomeran, thỉnh thoảng bất thần con đường lại tự sụt một cái hố đen, quả hết sức say mê, không đường đua mô phỏng nào trên thế giới có thể tạo sự bất ngờ và phấn khích lớn đến như vậy.

Bao nhiêu đó công năng, công năng nào cũng đã, đang và sẽ được sử dụng triệt để, dĩ nhiên chi phí phải cao hơn. Tôi cho rằng các anh chị chưa biết tính đấy, chứ theo tôi, bao nhiêu tính năng cộng thêm này công bằng ra nó phải tốn gấp vài chục lần của Mỹ mới phải. Gấp có hai lần rưỡi là quá đỗi tiết kiệm. Các anh chị trong ngành giao thông công chánh và xây dựng công trình đã phải hết sức vất vả, bóp mồm bóp miệng... chứ không ăn cơm mới tiết kiệm được cho đất nước bao nhiêu là tiền như thế.

Bên cạnh đó, đường còn có nghĩa là.. cục đường. Nó là những tinh thể có vị ngọt. Cổ nhân có câu “Cục muối chia hai, cục đường lủm hết” với ý nghĩa phê phán sự ích kỷ, thiếu trên dưới, không biết anh biết em trong cư xử. Vậy, với việc cục đường cao tốc ngọt lịm chìa ra mỗi người mút một miếng đã nêu cao tinh thần đoàn kết như thể chân tay, nhuần thấm lời tiền nhân đã dạy. Sự đoàn kết  quý báu đó thật là niềm khích lệ cho những bà mẹ già, tấm gương lớn lao cho con cháu.

Các anh chị cũng thấy, nước chúng ta là nước nhỏ. Chúng ta cần giao lưu với các nước khác để mời gọi họ đến đây tiêu tiền, giúp chúng ta làm giàu. Kêu gọi họ bằng cách nào? Bằng cách giới thiệu các biểu tượng ngàn đời của chúng ta. Vậy cái gì là biểu tượng của chúng ta?

Thưa, đó chính là cây tre.

Các công trình xây dựng cầu đường của chúng ta đã hết sức sáng tạo việc đưa các biểu tượng của đất nước vào mọi sản phẩm, góp phần quảng bá đất nước theo những cách đầy kinh ngạc. Cách đây ít năm, PMU 18 đã hết sức tài tình khi liên kết thanh tre vào các cọc tiêu, quả là phát kiến huy hoàng trong lịch sử xây dựng toàn thế giới...

Vừa qua, tại chiếc cầu Chu Va nổi tiếng, một lần nữa ngành xây dựng lại chứng tỏ khả năng phi thường. Việc dùng các viên gạch bốn lỗ xây trụ cầu treo chứng tỏ lối suy nghĩ đột phá. Vì cầu treo thì phải ở nơi cao, gió thổi lồng lộng. Như thế gió sẽ thổi qua các lỗ gạch rỗng trụ cầu giống như thổi sáo, tạo ra các âm thanh réo rắt vui tai hân hoan chào đón quý vị... đi cầu.

Ở nơi heo hút đến nỗi ngay cả các thảm họa âm nhạc và phim ảnh cũng chưa thèm động chân tới, đó quả là nỗ lực hết sức nhân bản để mang lại niềm vui cho nhân dân. Rất tiếc các trụ gạch này đã bị bịt xi măng lại khiến tiếng sáo không còn vi vút, nếu không chúng ta đã được thưởng thức các bài báo như “Đắng lòng tiếng sáo nơi thung lũng”, “Rụng rời công trình văn hóa rẻo cao”, đại loại như vậy!

Ngoài ra, hơn nữa, bên cạnh đó, đường còn là sân khấu cho các màn diễn đầy tính thời sự. Theo trường phái nghệ thuật mới nhất, các bộ phim tâm lý tình cảm dứt khoát phải có cảnh đứng chờ xe buýt trong mưa, mặc sấm sét đùng đùng, nhưng ta kiên quyết không dù không áo, ta sừng sững đứng ngoài mưa, mắt nhìn xa xăm. Rồi một chiếc xe buýt mong manh lao tới, ta vẫn đứng tại chỗ (phải chờ ê kíp chụp hình lên trước rồi chĩa máy ảnh xuống), chúng nó hô to “1, 2, 3, action”, ta bắt đầu nở nụ cười huê, bước lên xe.

Chú ý các tình tiết quan trọng: xe dù có ghế trống đi nữa nhất quyết không ngồi. Ta ngồi là không chia sẻ cái khó của chúng sinh. Hơn nữa ngồi bụng to chụp ảnh mất hình tượng. Nếu tài xế sợ quá dúm người lại chạy xe không nổi thì ta vẫn phải ra sức đung đưa người thật mạnh chứng tỏ hành trình gian truân. Nhớ chọn góc mặt đẹp nhất đưa về phía ống kính, đồng thời cười thật tươi để báo chí sẽ phát tán nụ cười gần dân đó đến con dân khắp cả nước. Nhưng nhớ đi vài trăm mét thôi, đủ chụp vài tấm ảnh đẹp nhất là được rồi. Đi xa nữa, nhọc lắm!

Đấy nhé, các anh chị còn châm chích đả kích việc làm đường tốn tiền nữa không, hỡi các anh chị tầm nhìn xa không qua thùng gạo?

Hoàng Xuân*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Đề nghị xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu cầu Chu Va 6
>> Tháo dỡ cầu treo Chu Va 6
>> Nguyên nhân gây sập cầu treo Chu Va 6: Đơn vị thi công làm không đúng hồ sơ thiết kế
>> Xe buýt đâm loạn xạ vào nhà dân, nghi tài xế đột quỵ
>> Bí thư đi xe buýt
>> Xe tải lật nhào vì né đường đang thi công
>> Tạm hoãn phiên tòa vụ “nắn đường để tránh nhà quan”
>> Bẻ cong đường' né nhà quan chức ?
>> Bẻ cong đường' né nhà quan chức ? - Đội vốn 123 tỉ đồng
>> Vụ công ty Nhật khai hối lộ 80 triệu Yen cho quan chức Việt Nam: Tạm dừng công tác 2 phó tổng giám đốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.