Tử vong vì tay chân miệng cao do chẩn đoán sai, phát hiện trễ

27/12/2011 17:55 GMT+7

(TNO) Số ca mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) đã tăng kỷ lục trong năm 2011, gấp hơn 10 lần so với năm 2010.

(TNO) Số ca mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) đã tăng kỷ lục trong năm 2011, gấp hơn 10 lần so với năm 2010.

Ngày 27.12, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tổng kết và rút kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị bệnh TCM toàn quốc.

Nhiều ca tử vong do chẩn đoán sai

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, cả nước có 108.917 trường hợp mắc bệnh TCM, tại 63 địa phương. Trong đó, có 164 trường hợp tử vong tại 30 tỉnh, thành phố.

Số ca mắc TCM trong năm nay gấp hơn 10 lần và số ca tử vong cao hơn 12 lần so với năm 2010 (có 10.417 ca mắc và 14 ca tử vong).

 
Bệnh nhi TCM biến chứng nặng được điều trị phục hồi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Nguyên Mi

Phân tích về tình hình tử vong do bệnh TCM trên toàn quốc trong mùa dịch vừa qua của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, có hơn 27% trường hợp tử vong do chẩn đoán sai. Bệnh TCM bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: viêm phổi, hen phế quản, sốt nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não.

Mặt khác, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, đánh giá: “Nhiều trường hợp bệnh nhân được chuyển viện không an toàn trong tình trạng sốc nặng, suy hô hấp tím tái, phù phổi, da xanh tái, nổi bông… đã làm ảnh hưởng lớn đến việc điều trị, cứu sống bệnh nhân. Đặc biệt, có một trường hợp tử vong trên đường chuyển viện”.

Mặc dù bệnh TCM lây lan mạnh và kéo dài trong những tháng qua nhưng mức độ hiểu biết và cảm giác phòng bệnh của người dân còn kém là nhận định của nhiều chuyên gia y tế.

“Có đến hơn 47% trường hợp tự đến bệnh viện trong tình trạng nặng. Đây là những trường hợp nhập viện trễ do người nhà không nhận biết được dấu hiệu cảnh báo nặng”, bác sĩ Thượng nhận định.

 
Bệnh TCM tăng kỷ lục trong năm 2011 - Ảnh: Nguyên Mi

Theo Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), EV71 là tác nhân gây bệnh TCM đáng quan tâm nhất vì có thể gây ra các biến chứng trầm trọng đưa đến tử vong nhanh chóng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Có hơn 80% các ca tử vong TCM rơi vào đối tượng là trẻ em dưới 3 tuổi, theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

Thời tiết lạnh, bệnh TCM giảm

“Trong tháng 11, 12, tình hình dịch có xu hướng giảm rõ rệt trên phạm vi toàn quốc và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Thời tiết lạnh (mùa đông - xuân) cũng làm hạn chế sự lây lan của vi rút TCM”, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Cục Y tế ự phòng đánh giá.

Trong đó, tuần gần đây nhất (từ 15 - 21.12.2012) cả nước ghi nhận 1.844 trường hợp mắc TCM mới, tại 53 địa phương và không có ca tử vong. So với tuần trước, số ca mắc đã giảm 20%.

Ngày 20.12, UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương duy nhất trên cả nước công bố dịch TCM, đã ban hành quyết định công bố hết dịch TCM trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur phối hợp với trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành tiếp tục giám sát, xử lý ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài.

Nguyên Mi

>> Ninh Thuận công bố hết dịch tay chân miệng
>> TP.HCM: Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tăng mạnh
>> Tiếp tục phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết
>> Dịch tay chân miệng diễn biến khó lường
>> Gần 11.500 ca mắc bệnh tay chân miệng tại TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.