Khởi tố tên cướp đâm chết người truy đuổi

18/09/2012 21:14 GMT+7

* Có nên bắt cướp một mình? (TNO) Ngày 18.9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Cao Trung Lập (28 tuổi, quê Quảng Ngãi) để điều tra làm rõ về hành vi “giết người” và “cướp tài sản”.

* Có nên bắt cướp một mình?

(TNO) Ngày 18.9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Cao Trung Lập (28 tuổi, quê Quảng Ngãi) để điều tra làm rõ hành vi “giết người” và “cướp tài sản”.

>> Bắt kẻ cướp của, đâm chết người trên phố

Theo đại úy Võ Sỹ Hoàng (33 tuổi, Công an Q.Tân Phú, TP.HCM), khoảng 10 giờ 30 ngày 17.9, anh đang lưu thông trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) thì nghe một đôi nam nữ đi xe tay ga hô “cướp cướp” và đang quyết liệt đuổi theo một người ở phía trước. Lập tức đại úy Hoàng cũng tăng ga vọt theo.

Đến ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (P.12, Q.Tân Bình), đôi nam nữ đã tông thẳng vào xe tên cướp khiến hắn té xuống. Tên cướp liền rút dao đâm liên tiếp vào người thanh niên truy đuổi rồi quay đầu chạy vào đường Hoàng Hoa Thám.

Đến trước số nhà 134 Hoàng Hoa Thám, đại úy Hoàng đuổi kịp thì đột ngột tên cướp quay lại dùng dao chém một nhát vào tay. Đại úy Hoàng vẫn tiếp tục tìm cách tước con dao, tên cướp bị dồn vào đường cùng nên liều lĩnh xông tới đâm tiếp một nhát nữa vào đầu đại úy Hoàng rồi tiếp tục chạy.

Hắn khống chế một người dân để cướp chiếc xe máy hiệu Air Blade để tìm đường tẩu thoát. Thế nhưng, tên cướp đã bị khá đông người dân vây bắt và xác định danh tính là Cao Trung Lập.

Trúng thương, đại úy Hoàng bị choáng vì mất khá nhiều máu, được người dân đưa đi cấp cứu.

Ngày 18.9, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy để thăm hỏi, trao tặng giấy khen về thành tích dũng cảm bắt cướp và 2 triệu đồng cho đại úy Võ Sỹ Hoàng.

Như Thanh Niên đã đưa tin, người thanh niên bị Lập đâm trước đó là anh Hoàng Ngọc Tri (22 tuổi) tạm trú tại xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TP.HCM) đã tử vong.

Cũng trong sáng 18.9, thi hài Tri đã được đưa về quê nhà Bình Định để mai táng.


Hiện trường vụ án, sau khi anh Tri tông xe mình vào xe tên cướp - Ảnh: Ngọc Thọ

Theo tìm hiểu của chúng tôi Tri là sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Anh ra đi đột ngột ngay khi vừa nhận bằng tốt nghiệp vì quyết liệt đuổi theo tên cướp giật máy tính xách tay của mình.

“Nó là đứa con trai duy nhất trong gia đình. Ba mẹ nó chỉ mong nó ra trường để đỡ đần nhà cửa, không ngờ…”, chị Nguyễn Thị Bốn, cô của Tri rưng rưng nước mắt.

Hai hôm nay, chị Bốn cùng con trai phải sang căn nhà tạm trú của Tri ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh (TP.HCM) để chăm nom trong khi cả nhà đã về quê lo mai táng.

Chị Bốn cho biết gia đình Tri có một người chị vừa ra trường đi làm, nhưng chưa ổn định, một đứa em còn đang đi học, Tri thì vừa học, vừa làm để có tiền đóng học phí.

“Nó là đứa lanh lợi và thẳng tính, nhiệt tâm với mọi chuyện, thấy ai làm gì là xông vào giúp, thấy kẻ cướp thì cố bắt cho được. Cũng vì thế mà mẹ của Tri từng khuyên Tri thà mất của chứ đừng để mất tính mạng. Nhưng đâu ngờ...”, chị Bốn bùi ngùi.

Cách đây 4 ngày, Tri đến trường nhận bằng tốt nghiệp. Đúng ngày Tri gặp tai nạn là ngày đầu tiên Tri đi xin việc làm.

Thạc sĩ Lê Nguyên Thanh, Trưởng Bộ môn Tội phạm học, khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM:

Không nên một mình bắt cướp

Việc quyết liệt đuổi theo bắt cướp là việc nên làm, phải làm và xã hội phải khuyến khích làm để loại trừ tội phạm. Nhưng đuổi cướp như thế nào để bảo vệ tính mạng cũng là điều cần chú ý. Tên cướp khi bị đuổi theo và bị bắt sẽ có thái độ hung hãn, chống cự quyết liệt là điều dễ hiểu.

Nếu rơi vào trường hợp bị cướp giật thì phải xét tương quan về lực lượng, vũ khí, xét đến con người, sự việc trong trường hợp cụ thể để có cách xử trí cho phù hợp.

Nếu “phe địch” đông hơn, vũ khí nguy hiểm hoặc đồ vật bị cướp không thực sự đáng giá thì phải gìn giữ tính mạng trước. Nhưng trong nhiều trường hợp, kẻ cướp giấu vũ khí trong người nên khi đuổi theo, bám sát nhưng phải giữ khoảng cách an toàn cho đến khi truy hô được đông người cùng bao vây kẻ cướp.

Một biện pháp phòng ngừa cướp giật về lâu dài là phải bảo đảm tài sản của mình khi đi đến nơi công cộng, như cột kỹ, cất giấu, ngụy trang tài sản để tránh gây sự tương tác đối với người khác.

Hiện nay, khi nghe thông tin người truy bắt trộm cướp bị tấn công, nhiều người chọn cách im lặng với tội phạm, đây là một suy nghĩ tiêu cực. Xã hội phải chủ động cùng bắt trộm cướp thì mới có thể hạn chế tội phạm, không để tội phạm tung hoành. (Hoàng Quyên ghi)

Khánh Long

>> Nổ súng truy bắt cướp ở trung tâm thành phố
>> Truy bắt cướp có súng, một cảnh sát hy sinh
>> TP.HCM: Truy bắt cướp, một dân phòng bị đâm
>> Cướp đâm xe ôm
>> Cướp đâm trọng thương 3 người

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.