Nhìn lại Việt Nam 2003

15/12/2005 14:07 GMT+7

Đánh giá một cách tổng quan, kinh tế Việt Nam phát triển trong năm 2003 đã để lại một dấu ấn tích cực dưới cái nhìn của các chuyên gia kinh tế.

Theo báo cáo của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam trong 2003 thì việc Việt Nam đưa 20 triệu người thoát cảnh nghèo đói trong chưa đầy một thập kỷ là một thành tích mà khó có nước nào khác đạt được thành tựu tương tự.

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng nhanh mặc dù kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại. Số liệu từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay cho thấy xuất khẩu tăng ở mức ấn tượng 23%, ngành dệt may duy trì mức độ tăng trưởng cao nhất khoảng 45%, vượt qua ngành dầu thô, trở thành ngành xuất khẩu quan trọng nhất xét về mặt giá trị.

Tuy nhiên, trong một thế giới mà sự cạnh tranh kinh tế diễn ra rất gay gắt, nếu bất cứ một quốc gia nào chậm lại hoặc chậm chân, sẽ bị tụt hậu ngay. Tổng thống Putin của Nga mới đây cũng nói nỗi lo nhất của ông là nỗi lo nước Nga bị tụt hậu.

Việt Nam cũng không nằm ngoài nỗi lo đó. Mỗi nước đều tận dụng mọi cơ hội và từng cơ hội để thu hút đầu tư, thu hút chất xám và mở rộng thị trường cho hàng hóa của nước mình. Mới đây, khi tôi đến Thái Lan, Hội nghị APEC tại thủ đô Bangkok là dịp để Thái Lan giới thiệu du lịch, giới thiệu đầu tư. Nhân lúc có mặt 400 nhà báo ở nhiều quốc tịch, ông Thủ tướng Thatsin đã giới thiệu hình ảnh một Thái Lan đang thay đổi và hấp dẫn đối với thế giới.

Tôi còn nhớ cách đây chừng 10 năm, một thứ trưởng của Bộ Kế hoạch đầu tư nước ta trả lời phóng viên nước ngoài mà lúc đó Báo Thanh Niên có đăng lại từng nói rằng ngày hôm nay, lúc chúng tôi khó khăn, những nhà đầu tư nào đến sớm, đến vào lúc chúng tôi còn khó khăn thì sẽ nhận được nhiều ưu đãi và được hưởng lợi nhiều hơn so với người đến chậm.

Thế nhưng, sau 10 năm thì chúng ta bắt đầu điều chỉnh thuế với Phú Mỹ Hưng (TP.HCM), điều chỉnh từ 10% lên đến 25%. Cũng chính Bộ Kế hoạch - đầu tư của ta làm việc này, trong khi chúng ta đã từng công khai trước mọi nhà đầu tư rằng, nếu chúng tôi sửa luật thì sẽ sửa có lợi hơn cho nhà đầu tư chứ không thể sửa để làm tổn hại quyền lợi của nhà đầu tư và chính họ đã vào lúc ta còn khó khăn và nhận một khu đất đầy sông rạch và không hề có cơ sở hạ tầng.

Chúng ta nói điều này để thấy rằng nhiều cơ quan hành chính của chúng ta nghĩ đến việc thu thuế, nghĩ đến lợi ích nhất thời hơn là nghĩ đến một lợi ích lâu dài là ngày càng tranh thủ thêm các nhà đầu tư muốn làm ăn căn cơ đi vào Việt Nam. Và có như thế, khi các nhà đầu tư ăn nên làm ra và họ thấy rằng làm ăn ở Việt Nam là có lợi, là một mảnh đất màu, thì lúc đó sự cộng hưởng sẽ được chia cho cả hai phía. Và trước hết là chúng ta phải làm đúng luật và đúng cam kết với nhà đầu tư.

Chúng ta có thừa những kinh nghiệm của các nước lân cận và không đâu xa ngay trong nước ta, kinh nghiệm của Đà Nẵng, của Quảng Ninh, của Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và trước đó là Sông Bé (cũ). Cũng đủ để chúng ta rút được không biết bao nhiêu bài học về quản lý và thu hút đầu tư.

Trung Quốc, nước sát nách ta với GDP 1.000 tỉ USD/năm và kim ngạch thương mại trên 650 tỉ đã trở thành nền kinh tế lớn xếp hàng thứ 4 trên thế giới. Nếu các nhà đầu tư thấy rằng ở Việt Nam họ không an tâm thì lập tức người ta sẽ nghĩ ngay đến Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và thậm chí cả Campuchia và Lào.

Chúng ta đã làm được những việc mà trước đây ta nghĩ là khó. Việt Nam là nước ngăn chặn căn bệnh SARS quái ác hiệu quả nhất khu vực, chúng ta từng đăng cai các hội nghị quốc tế lớn và gần đây tổ chức SEA Games 22 thành công mà tôi cho là đã tổ chức hơn một số nước quanh ta mà tôi đã từng có dịp tham dự. Có nhà báo nước ngoài sau khi dự SEA Games ở Việt Nam còn lớn tiếng cho rằng ta có khả năng tổ chức được World Cup hoặc thế vận hội nữa kia.

Một nhóm tư vấn các nhà tài trợ có nhận xét rất xác đáng khi cho rằng: Những thành tựu của Việt Nam trong năm 2003 là rất lớn với tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 7%, đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới sau Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa phải là một nước giàu và sản lượng cũng như đời sống của người dân vẫn còn dưới mức tiềm năng của họ.

Dưới mức tiềm năng của chúng ta. Đó là một nhận xét đúng và làm chúng ta day dứt. Lạc quan nhưng day dứt.

Nguyễn Công Khế
(Thời Trang Trẻ Xuân 2004)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.