Hãy suy nghĩ tích cực dù bạn đang ở hoàn cảnh khó khăn nhất!

20/12/2006 12:14 GMT+7

Một cái ly chứa một nửa là nước. Người tích cực thì mừng rỡ: nó đã có một nửa rồi, chút nữa là đầy thôi. Kẻ tiêu cực phàn nàn: nó vơi một nửa rồi còn gì, lát nữa thôi sẽ trống trơn" - câu chuyện kinh điển về tư duy tích cực ấy hầu như ai cũng biết.

Nhưng làm thế nào áp dụng lối tư duy ấy vào cuộc sống để thành công thì lại là chuyện không đơn giản. Chị Nguyễn Thị Linh Đan (ảnh) - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Bảo hiểm Quốc tế - AIA Việt Nam (Mỹ) chia sẻ một góc nhìn về kỹ năng này.

* Từng phụ trách các hoạt động chuyên môn liên quan đến lĩnh vực Sales cho nhiều khách sạn lớn như Renaissance Riverside, Sheraton… Trước khi trở thành Giám đốc Marketing cho AIA Việt Nam - có bao giờ chị thấy công việc là một thứ áp lực?

- Áp lực công việc là điều nên có và tôi thấy công việc gì cũng có áp lực cả. Không nên tránh áp lực hoặc đi tìm cơ hội khác ít áp lực hơn vì chẳng ai biết được cơ hội mới có thực sự ít hoặc không có áp lực không? Tốt nhất là tìm giải pháp cho từng vấn đề cụ thể và áp lực sẽ lập tức giảm xuống. Tôi là người rất thích tìm "giải pháp" và cụ thể hóa mọi vấn đề. Câu nói mà tôi hay nói với mọi người là: "Hãy nói rõ ràng và cụ thể bạn cần gì, đừng đao to búa lớn hoặc quá chung chung, tôi sẽ không giúp được".

Lúc nào bạn cũng phải suy nghĩ để vượt lên chính mình và làm tốt hơn những lần sau - đó là tâm niệm của tôi. Tôi là người không bao giờ thích ngồi yên một chỗ (ngày xưa đi học tôi học rất khá nhưng lúc nào cũng bị phê bình là hiếu động quá!).

* Còn yếu tố kinh nghiệm có vai trò thế nào trong công việc của chị?

- Những kinh nghiệm về những năm làm cho bộ phận kinh doanh thực sự đã giúp tôi rất nhiều. Thứ nhất, tôi hiểu được tâm lý của những người làm kinh doanh cần gì từ bộ phận Marketing và các phòng ban. Thứ hai, vì Sales cũng là một phần của Marketing cho nên tôi không thấy lạ lẫm mà chỉ chú tâm học về chuyên môn của ngành. Trong ngành dịch vụ khách sạn, người làm kinh doanh cũng kiêm luôn vai trò của PR/marketing. Tôi đã được đào tạo rất cơ bản và chuyên sâu về tâm lý khách hàng, kỹ năng bán hàng và cung cách phục vụ chuyên nghiệp. Ngoài ra, kỹ năng thuyết trình, giao tiếp chuyên nghiệp và quản lý nhân viên cũng giúp tôi rất nhiều cho công việc hiện tại.Về công ty, trước hết tôi đã đem những kinh nghiệm này ra để phục vụ khách hàng nội bộ (các phòng ban) trước khi nhắm đến 300.000 khách hàng bên ngoài. Một khi mọi quan hệ nội bộ trở nên chuyên nghiệp thì khách hàng sẽ được phục vụ tối ưu.

* Nếu nói về niềm đam mê, chị sẽ nói thế nào?

- Tinh thần làm việc và sự đam mê trong công việc với tôi là cực kỳ quan trọng. Tôi đã tìm ra điểm mạnh của từng thành viên trong phòng Marketing, thiết kế và giao những công việc mà họ có thể sử dụng điểm mạnh của mình, đồng thời thường xuyên trao đổi với từng thành viên những gì các bạn cần bồi dưỡng hay trau dồi thêm. Tôi còn muốn truyền tới các bạn sự đam mê trong công việc và đam mê với những gì mình theo đuổi trong cuộc sống. Với các đồng nghiệp khác, tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ và cùng thảo luận tìm giải pháp cho mọi vấn đề.

Ngoài ra, thói quen đi du lịch nhiều giúp tôi có cách nhìn bao quát hơn về con người, giúp tôi "chuyên nghiệp" hơn trong công việc và cách nhìn nhận mọi sự vật và thân thiện hơn với tất cả mọi người.

Tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ "đam mê" trong bài này. Khi bắt đầu làm một công việc gì đó, bạn phải biết yêu nó, sống với nó và hy sinh hết mình. Tôi cứ hễ thích một cái gì là tôi sẽ rất chú tâm đầu tư và cống hiến cho nó - kể cả đó là việc nhỏ nhất. Công việc Marketing cũng vậy. Bạn hãy thích làm từ việc nhỏ nhất như gọi một cuộc điện thoại cho khách hàng hay sửa một bài viết ngắn, cho đến những việc lớn như lên một kế hoạch chiến lược cho toàn công ty và hãy luôn suy nghĩ tích cực cho dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất…

T.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.