Hà Nội: Đề xuất bán 634 biệt thự, tăng nhiều loại phí

10/12/2008 10:41 GMT+7

Về đề án quản lý quỹ nhà biệt thự, UBND TP Hà Nội đề nghị bán 634 biệt thự, trong đó 588 biệt thự đề nghị tiếp tục bán và 46 biệt thự cho doanh nghiệp thuê, đề nghị bán theo giá thị trường.

Cụ thể, trong 588 biệt thự đề nghị tiếp tục bán có 52 biệt thự chưa bán; 536 biệt thự đã bán một phần và 46 biệt thự thành phố quản lý cho doanh nghiệp thuê, đề nghị bán theo giá thị trường.

Cũng tại đề án này, UBND TP Hà Nội nêu rõ tiêu chí xác định biệt thự không bán, gồm: Biệt thự khu trung tâm chính trị Ba Đình (giới hạn bởi đường Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú, Hùng Vương, Lê Hồng Phong, Đội Cấn, Ngọc Hà và đường dốc Ngọc Hà).

Ngoài ra, Hà Nội không bán biệt thự đang là nhà công vụ; biệt thự cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp thuê làm trụ sở; biệt thự có đan xen sử dụng giữa trụ sở cơ quan với các hộ dân thì không bán, di chuyển các hộ dân để làm trụ sở cơ quan; biệt thự đã được thu hồi để lập dự án.

Cùng với đó là biệt thự có khuôn viên đất thuộc sở hữu Nhà nước lớn hơn 500m2 nhưng chưa bán và diện tích đất bình quân cho mỗi hộ đang sử dụng lớn hơn hạn mức đất ở của khu vực; chưa bán biệt thự có giá trị về kiến trúc. Hiện trên địa bàn Hà Nội có 173 biệt thự không bán theo các tiêu chí trên.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện thành phố đang thực hiện thu trên 100 loại phí, lệ phí có tên trong danh mục phí, lệ phí thuộc thẩm quyền cấp T.Ư và thẩm quyền quy định của HĐND tỉnh, thành.

Uớc tính, tổng thu ngân sách từ phí, lệ phí năm 2008 của thành phố Hà Nội khoảng 3.000 tỷ đồng.

Có đến 24 khoản phí và 10 khoản lệ phí được đề xuất quy định thống nhất trong năm 2009. Trong đó, đề nghị nâng mức thu lệ phí tham quan di tích lịch sử, đăng ký cư trú, đăng ký giao dịch bảo đảm...

Cụ thể, sẽ bổ sung mức thu phí tham quan di tích lịch sử tại hai di tích là nhà tù Hỏa Lò và Thành cổ Sơn Tây (hiện không thu phí), nâng mức thu phí tham quan tại các di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (người lớn tối đa không quá 20.000 đồng/lượt, hiện thu 5.000 đồng/lượt).

Di tích đền Ngọc Sơn (người lớn tối đa không quá 20.000 đồng/lượt, hiện thu 3.000 đồng/lượt). Riêng phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, do chưa có khảo sát thận trọng nên UBND TP sẽ trình tại kỳ họp HĐND thành phố lần tới.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện còn thất thu ở một số khoản phí như phí  trông giữ xe ô tô, xe máy, phí xây dựng, phí vệ sinh, phí chợ...

Theo Nguyễn Tú / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.