Chúa đảo Hoa Đào

26/12/2010 10:39 GMT+7

“Ông Ba đất phèn”, tên thường gọi của anh hùng chân đất Nguyễn Văn Bé mang đến Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần này một chuyện cổ tích thời hiện đại.

Người đàn ông Nam Bộ này bỏ 25 năm biến những cánh đồng hoang chua mặn thành khu rừng tràm và rừng dược liệu lớn nhất Việt Nam, nơi an cư của hàng trăm nông dân. Vậy mà có lúc người ta tưởng ông bị điên...

Bỏ phố về cánh đồng hoang

Người ta nghĩ ông điên vì khi thiên hạ đang đổ xô đi phá cây khai hoang thì ông lại bảo vệ rừng. Khi nông dân ồ ạt đổ ra đô thị kiếm việc thì ông để lại vợ con ở lại TPHCM về cánh đồng hoang làm cái việc khó như đội đá vá trời. “Ông Ba đất phèn” kể:

“Hồi bé, tôi làm du kích. 18 tuổi tôi được chuyển vào bộ đội. Trong một trận đánh, tôi bị thương phải đưa ra Bắc điều trị (thương binh hạng 3/4). Mấy năm nằm viện và ở trại an dưỡng, tôi vùi đầu vào học, một mạch hết cấp II rồi cấp III.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi về Nam và thi vào Đại học Y Dược (chuyên khoa Dược). 4 năm sau tôi đỗ hạng ưu, được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Đứng trên bục giảng 1 năm, tôi xin về Trại rắn Đồng Tâm để nghiên cứu rắn độc làm thuốc chữa rắn cắn.

Năm 1983, tôi đến khu Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Khu rừng tràm Nồi Gọ là một khu rừng hoang, đất phèn nặng, các nhà khoa học và một số chuyên gia nước ngoài xem nơi đây là vùng đất chết. Người dân chỉ sống được ở ven sông Vàm Cỏ Tây”.

Nơi đây từng là phim trường của bộ phim “Cánh đồng hoang” nổi tiếng. Mùa nắng đất khô cỏ cháy, mùa mưa nước ngập mênh mang, nước phèn không uống được. Nhìn cánh đồng hoang, chỉ gợi lên cảm giác cô liêu, nhớ nhà. Nhưng ông Bé quyết làm cái việc có vẻ hoang đường: chinh phục cánh đồng hoang.

Tỉnh Long An hồi ấy giúp ông bằng cách cử một trung đoàn bộ đội xuống. Gần một trăm ngày chân đất đầu trần trầm mình trong nước, ông cùng cả ngàn chiến sỹ đã đào một con kênh dài, đưa nước từ sông Vàm Cỏ về để thau chua rửa mặn.

Cảnh đào kênh, chinh phục cánh đồng hoang

Trong gần 20 năm nay, ông Bé và những người cùng chí hướng đã đào đắp trên 100km kênh mương và cả triệu mét khối đất để tạo thành con đê vững chãi. Lúa bắt đầu mọc lên trên cánh đồng hoang. Một “đảo quốc” được hình thành, ông Bé đặt tên là Đảo Hoa Đào giống như trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu của Kim Dung, dù ở đây không hề có hoa đào. Ông Bé cười: “Đặt tên như thế để xua đi cái hoang sơ khó khăn buổi ban đầu”.

Nhưng, việc bảo vệ những cánh rừng tràm cũng khó như chinh phục cánh đồng hoang. Hồi ấy xí nghiệp khai thác tinh dầu tràm và khai hoang rừng đang làm ăn hiệu quả. Đột nhiên, ông Bé không chặt tràm nữa trong lúc ai cũng bảo phải “chặt đi”. Ông làm như vậy bởi “ngộ” ra rằng: Những sự mở mang thường đi cùng với sự hủy hoại môi sinh...

Nhưng làm như vậy vào thời điểm đó coi như chống lại chủ trương của Nhà nước. Tỉnh Long An ngay sau đó yêu cầu ông Bé trả đất vì không khai thác đúng chủ trương. Ông Bé vác đơn đi kêu, và mãi đến năm 2001, Trung tâm nghiên cứu & bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười ra đời do ông Ba đất phèn làm giám đốc.

Chuyện lạ ở Đảo Hoa Đào

Đảo Hoa Đào khiến người ta mê đắm bởi sự giàu có của dược liệu và vẻ đẹp thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười. Trong diện tích hơn mười nghìn ha, có tám trăm hécta rừng tràm, và hai trăm hécta thảm thực vật. Đất lành chim đậu. Những loài có trong sách đỏ như sếu, giang sen, điên điển đã tìm tới đây làm tổ, sinh sôi...

Ông Ba đất phèn và công nhân đang trồng cây dược liệu

Vườn dược liệu có trên năm mươi hécta, bảo tồn gen của 20 loài thực vật. Thẳng tắp, xanh ngắt trong vườn là những hà thủ ô, ngải tiên, nhàu rừng, mù u, diệp hạ châu, mua... Tất cả những thứ gen quý của Nam Bộ này được chăm sóc tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Từ đây, các cây thuốc được chế biến hoàn toàn hữu cơ để rồi cung cấp nguyên liệu sạch cho các công ty dược trong nước...

Cả đồng bằng Nam Bộ này do cha ông khai phá, có ai để lại tượng đồng bia đá đâu. Mình làm được cái gì có ích thì cứ lặng lẽ mà làm thôi”. Anh hùng nguyễn văn bé

Sự đa dạng của khu vườn khiến cho phòng thí nghiệm của Đảo Hoa Đào đã tinh chế được gần một trăm loại dầu như dầu tràm, dầu rau má, dầu rau diếp cá...

Mỗi năm doanh thu từ bán tinh dầu lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng nguồn thu từ cách làm du lịch không “đụng hàng” của Đảo Hoa Đào cũng ngày càng tăng...

Ông chỉ đón khách trong ba tháng cuối năm. Ba tháng cuối năm – mùa nước nổi- chim cá về tụ hội. Với lại cái kiểu làm du lịch đại trà, du khách ào ào kéo đến dễ phá hoại môi sinh. Du lịch ở đây không chỉ ngoạn cảnh, mà còn để chữa bệnh.

Ai mà không cảm thấy bình yên thư thái sau những bon chen, ồn ào phố thị khi đi giữa rừng tràm thơm ngát, ngắm chim bay cá lội, bơi thuyền trên dòng kênh xanh thẳm, rồi khi chân mỏi bụng đói thì về ăn cơm gạo huyết rồng với cá kho tộ, cá lóc nướng lá sen, rắn bằm sả ớt. Nhấp miếng chén trà mật ong... Đánh một giấc ngủ say, khi tỉnh dậy khách có thể đi săn chuột, lấy mật ong hay câu cá.

Giáo sư Trần Văn Khê một người rất sành Nam Bộ đã đi khắp thế giới, khi về đây cứ tấm tắc khen cách làm du lịch của ông Ba đất phèn...

Hay mặc quần xà lỏn, đi chân đất, lái bo bo, đi xe đò để tiết kiệm tiền, ông giám đốc Nguyễn Văn Bé như lẫn vào hàng trăm nông dân khác ở Đảo Hoa Đào. Ở đây không có sự phân biệt giữa công nhân với ông chủ, hàng ngày ông Bé “ba cùng” với công nhân. Trung tâm có 120 công nhân, đa số trước đều nghèo, thất cơ lỡ vận, thất học...

Như anh Tư Trò, nợ nần chồng chất, toan uống thuốc sâu tự tử, có người từng làm lâm tặc, có cả mấy chàng nghiện dạt đến Đảo Hoa Đào để cai. Những người đó, ông đều giang rộng vòng tay và giúp họ công việc mang lại thu nhập ổn định, có chỗ ở đàng hoàng. Ông dạy chữ, dạy nghề, dạy tin học cho họ. Cứ thế, họ sống cuộc đời lành như đất rừng nơi đây.

Hơn 400 hộ dân sống ở Đảo Hoa Đào, phải có trường cho con em họ học, chứ không thể để những đứa trẻ mù chữ được. Nghĩ vậy, ông Bé xây một ngôi trường mang tên Hương Tràm (nói lái là “ham trường”) ngay trong trung tâm. Học phí và sách vở đều do Trung tâm lo, ốm thì có thuốc miễn phí.

Lái bo bo đi trên dòng kênh, ông lại chau mày nghĩ tới một chuyện có vẻ hoang đường như nuôi chim trời cá nước: “Tui tính tới đây sẽ đào một cái hồ có độ sâu lớn, để mùa nước nổi các loài cá tụ về đây. Khi nước rút thì cá ở lại, tui sẽ nhân giống cá cho bà con, chứ cái đà khai thác vô tội vạ, và nước lũ về thất thường thế này, cá mú ngày càng hiếm”.

“Ông làm nhiều rồi, đã được phong anh hùng mà không tính chuyện nghỉ ngơi sao?”. Ông “chúa” Đảo Hoa Đào cười : “Tui như mang món nợ đất rừng này, trả cả đời không hết, làm có phải để được phong anh hùng đâu.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.