Thị trường nhà đất TP Hồ Chí Minh: Im ắng chờ đợi!

26/11/2004 23:07 GMT+7

Sau khi Nghị định 181 ban hành, thị trường nhà đất trầm lắng hẳn, các trung tâm giao dịch nhà đất vắng hoe.

Đổi mẫu hợp đồng, người mua vẫn e ngại!

Hầu hết các công ty đều phải đổi lại mẫu hợp đồng mới là "Hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở" (thực chất là một hình thức mua nền đất dự án trả chậm). Đây là một hình thức "lách" Nghị định 181 của các chủ đầu tư để huy động vốn triển khai dự án. Dù rằng trong mẫu hợp đồng mới này, các công ty đã ghi rõ ràng là việc hợp tác diễn ra 2 giai đoạn (giai đoạn 1 là góp vốn để xây dựng hạ tầng, giai đoạn 2 là góp vốn để xây dựng nhà ở) nhưng nhiều khách hàng vẫn không dám tham gia bởi lẽ họ không thể biết được rằng khi nào thì có thể xây nhà, giá trị xây nhà là bao nhiêu trước khi ký hợp đồng. Điều căn bản hơn cả là chính ngay chủ đầu tư vẫn không trả lời được 2 câu hỏi đó nên nhiều khách hàng dù rất muốn mua nhà đất cũng đành bỏ đi. Ông Nguyễn Văn Nhân - một chuyên viên dự án có kinh nghiệm của một công ty môi giới địa ốc nằm trên đường Trần Não nói: "Khách hàng bỏ đi cũng phải, bởi không ai dám đặt bút ký hợp đồng khi chưa biết phần xây dựng nhà cụ thể ra sao. Về phía các công ty thì cũng không thể xác định được vài ba năm sau giá trị xây dựng sẽ như thế nào mà đưa vào hợp đồng. Ngay chính tiến độ dự án của họ làm, họ cũng chưa thể khẳng định khi nào xong huống chi dự đoán việc xây dựng nhà cho khách hàng trong tương lai". Ông Nguyễn Thành Đạt - Giám đốc Trung tâm Giao dịch địa ốc Sài Gòn thuộc Công ty Hoàng Quân cho biết: "Trong gần một tháng qua, thị trường nhà ở và đất nền dự án im ắng, nhưng người tìm mua chung cư (CC) có tăng lên. Đó là lựa chọn duy nhất của những người có nhu cầu nhà ở thực sự bởi lẽ nếu mua nhà thì giá vàng quá cao mà mua đất nền dự án thì họ lại e ngại". Ông Đạt cũng cho biết, hiện một số CC cao cấp đang được khách hàng chú ý hỏi mua nhiều hơn trước như CC 22 tầng (phường 12, Q.3) giá 12 -18 triệu đồng/m2 (tương đương với giá đất nền dự án tại khu đô thị An Phú - An Khánh, Q.2), CC tiêu chuẩn 5 sao Phương Nam Plaza 12 tầng (Q.7) giá bán 1.350 USD/m2, CC Hồng Lĩnh giá 7,7 triệu đến 8,1 triệu đồng/m2, CC Mỹ Phước 18 tầng (Q.Bình Thạnh) giá 9 - 9,5 triệu đồng/m2, CC Cửu Long 9 tầng (Q.Bình Thạnh) giá 7,6 -8,1 triệu đồng/m2...

"Ghìm giá" đất dự án, ngân hàng... lo lắng!

Tình hình rao bán nền đất tại khu vực Đông Bắc gồm Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức vẫn chẳng khác gì so với thời điểm chúng tôi khảo sát hồi tháng 7/2004, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực. Chẳng hạn giá đất ở các dự án thuộc phường Phú Hữu (Q.9) vẫn dao động từ 2,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí và tiến độ thực hiện của các dự án; giá đất ở các dự án thành phần nằm trong tổng thể dự án 174 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi (Q.2) của Công ty Kinh doanh và phát triển nhà Phú Nhuận vẫn được rao bán từ 8 - 14,5 triệu đồng/m2, các dự án khác dọc theo trục đường Dương Đình Hội (Q.9) giá rao bán vẫn ở mức cũ là từ 2,8 - 3,6 triệu đồng/m2... Một chủ dự án tại Q.7 cho biết so với trước khi có Nghị định 181, giá đất ở tại các dự án trên địa bàn quận này cũng không hề thay đổi. Ông ta cũng cho rằng hiện nay ở nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh đang có hiện tượng "ghìm giá" đất nền dự án để chờ đợi, ít nhất cũng qua đến hết quý 1/2005 tình hình giao dịch, giá đất mới có thể định hình rõ ràng, lúc ấy mới có thể thấy được tác động cụ thể của Nghị định 181 là theo hướng nào.

Một vấn đề khá nổi cộm trong gần một tháng qua là có một số ngân hàng đã rút lại những cam kết cho vay trước đây đối với các chủ đầu tư dự án. Điều này không chỉ gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp mà cả cho các khách hàng đã vay vốn ngân hàng mua nền đất dự án thông qua bảo lãnh của các chủ đầu tư. Nguyên nhân là bởi trước đây khi cho vay, các ngân hàng đều buộc các chủ đầu tư chuyển sổ đỏ lô nền của khách hàng để thế chấp cho ngân hàng ngay sau khi sổ đỏ được cấp. Nay Nhà nước quy định tại các dự án phải xây nhà xong mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các ngân hàng lo ngại khách hàng không có gì để thế chấp, kéo dài thời gian vay vốn gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.