Công chứng tư, tại sao không?

31/12/2005 00:05 GMT+7

Thay vì phải rồng rắn xếp hàng chờ đợi hàng giờ ở Phòng công chứng để chứng giấy tờ, chỉ cần một cú "phôn" của đương sự, công chứng viên sẽ đến tận nhà công chứng giấy tờ. Viễn cảnh tưởng chừng chỉ xa vời trên lại sắp trở thành hiện thực...

Dân sẽ bớt khổ

Nếu như dự thảo Luật Công chứng được thông qua, mô hình mới mẻ nói trên hứa hẹn mang đến nhiều thuận lợi hơn cho người dân. Theo đó, Văn phòng công chứng (VPCC) sẽ do một hoặc một số công chứng viên (CCV) thành lập, có con dấu riêng hẳn hoi. Xét về mặt tổ chức thì VPCC tồn tại không khác với các văn phòng luật sư (LS), cũng có một người làm trưởng văn phòng, chịu trách nhiệm quản lý chung. Tất nhiên, muốn trở thành CCV, những người này phải hội đủ nhiều điều kiện cần thiết như: có trình độ đại học luật, phải có thời gian công tác trong các cơ quan pháp luật...

Theo dự thảo, trong trường hợp các CCV có lỗi trong khi công chứng, gây thiệt hại cho khách hàng thì phải bồi thường. Do đó, tại điều 37 của dự thảo Luật Công chứng có quy định tất cả các CCV đều phải mua bảo hiểm nghề nghiệp, bất kể là CCV ở VPCC hay ở Phòng công chứng. 

Các chuyên gia pháp lý đều ủng hộ mô hình mới này. LS Trương Thị Hòa hồ hởi nói: "Tôi tán thành việc cho ra đời mô hình công chứng tư, bởi lẽ nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho việc chứng giấy tờ của người dân". LS Hòa kể một trường hợp thương tâm: Một ông cụ muốn lập di chúc để lại di sản là căn nhà của mình cho con nhưng làm di chúc hoài mà không được. Phía PCC đòi ông phải cung cấp đầy đủ giấy tờ nhà và đất nhưng các loại giấy tờ này chưa đầy đủ trong khi sức khỏe ông rất hạn chế. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông cụ lại lo một cái việc mà lẽ ra không đáng có: Không biết trước khi nhắm mắt có làm di chúc được cho con hay không. LS Hòa cho rằng nếu vụ việc trên để cho công chứng tư làm, bảo đảm ông cụ sẽ không lo lắng gì vì khi đó ông sẽ được phục vụ như một "thượng đế".

Theo LS Hòa, ở các nước trên thế giới, công chứng tư ra đời từ rất lâu. CCV trong các văn  phòng công chứng tư hầu hết là các LS nhưng cũng có thể là các bác sĩ, kỹ sư... Một ưu điểm lớn của công chứng tư là, theo LS Hòa, sẽ tạo điều kiện cho nhiều người có đủ năng lực có được việc làm, chất lượng phục vụ cho người dân sẽ được tốt hơn và một phần cũng để xóa bỏ cơ chế độc quyền tiêu cực. Một khi có cạnh tranh thì chất lượng phục vụ cho người dân sẽ cao hơn.

Còn đối với thạc sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương, giảng viên Trường đại học luật TP.HCM, thì điều mà bà "cảm thấy rất sợ" là mỗi lần đi công chứng, dù hiện nay hoạt động này đã được cải thiện rất nhiều. Đồng quan điểm với LS Hòa, bà Phương nói: "Cái gì có lợi cho người dân thì nên làm, càng sớm càng tốt".  
 
Ở góc độ quản lý, ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM cũng cho rằng, việc ra đời của công chứng tư là phù hợp với quy luật của cuộc sống, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường. "Cho ra đời mô hình này là một chủ trương đúng đắn và nếu như có công chứng tư, Nhà nước sẽ không phải tốn nhiều kinh phí, con người và cơ sở vật chất cho hoạt động công chứng", ông Hoan nói.

Nhưng coi chừng "vết xe đổ"

Theo LS Trương Thị Hòa, công chứng tư cũng như hoạt động của trọng tài thương mại, cái quan trọng là tài năng của người làm nhiệm vụ. Đặc biệt là phải tránh "vết xe đổ" của trung tâm trọng tài thương mại trước đây (bất cập là phán quyết của trọng tài thương mại trước đây do hai bên tự nguyện thi hành, nếu các bên không tự nguyện thì không thể cưỡng chế, mới đây pháp luật mới quy định việc cưỡng chế thi hành). LS Hòa cho rằng dù sau này đã khắc phục nhưng "khi nhắc đến trọng tài thương mại, người ta vẫn có ấn tượng không tốt".

LS Hòa cũng cho rằng một khó khăn chờ đón công chứng tư là "vấn đề lòng tin của nhân dân đối với những hoạt động tư, vì người dân vẫn có thói quen tin tưởng vào các hoạt động của Nhà nước hơn". Do đó, không ngoại trừ khả năng khi ra đời, trong thời gian đầu, công chứng tư sẽ bị... ế.

Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương thì cho rằng cần có những quy định cụ thể cho hoạt động công chứng. Đầu tiên là quy định điều kiện của những người được hành nghề công chứng tư. Bên cạnh đó, cũng cần phân định những tài liệu nào thuộc phạm vi của công chứng công, loại việc nào thuộc phạm vi của công chứng tư vì nó liên quan đến giá trị pháp lý của hai loại hình công chứng và cũng phát sinh vấn đề quyền và nghĩa vụ của những người có nhu cầu công chứng. Điều này làm bà Phương băn khoăn vì khi phân định hai loại hình công chứng sẽ dễ có thái độ "phân biệt đối xử" giữa hai bản công chứng dù nội dung có thể giống nhau. Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Hoan cho rằng đó không phải là "khó khăn lớn".

Minh Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.