Món Việt ở xứ sở của “chú lính chì”

10/12/2008 09:45 GMT+7

Con đường ngắn nhất để tiếp cận cộng đồng người Việt ở nước ngoài bao giờ cũng là những nhà hàng với các món ăn truyền thống Việt Nam. Nhà hàng Lê Lê là một trong vài nhà hàng Việt Nam ít ỏi đã được định danh trên bản đồ ẩm thực Copenhagen – xứ sở của “Chú lính chì dũng cảm”.

Học nấu ăn từ chợ Bến Thành

Sau khi được một anh bạn đồng nghiệp người Đan Mạch “chỉ điểm”, tôi tìm ra nhà hàng Lê Lê không mấy khó khăn. Với biển hiệu bằng tiếng Việt, nhà hàng nằm ở ngã tư Vesterbrogade khang trang, đẹp đẽ, gần Viện Bảo tàng quốc gia Đan Mạch. Anh em nhà họ Lê, người gốc quận 4, TPHCM, ngoài nhà hàng Lê Lê, còn mở một cửa hàng bán đồ ăn nhanh và các gia vị Việt Nam như bánh tráng cuốn chả giò, nước mắm, nước tương, ớt bột… ngay gần đó.

Công việc của họ xem ra khá “xuôi chèo mát mái”. Bà Kirsten Tvede, bác sĩ tâm lý người Đan Mạch, một khách hàng tôi tình cờ gặp trong nhà hàng, cho biết rất “mê” đồ ăn Việt ở đây, vì món ăn nhiều rau, ít béo, chế biến khéo léo và trình bày rất bắt mắt. “Hôm nay tôi dùng bánh xèo, giờ nhìn món phở xào trông ngon quá, nhưng no mất rồi, để lần sau vậy. Hè này không chừng tôi phải sang Việt Nam thôi”, bà cười bảo.

Bát phở nóng hổi với đầy đủ chanh ớt, giá trắng ngần và ngò xanh mướt có giá 156 DKK (gần 500.000 đồng Việt Nam) được coi là rất vừa phải so với thời giá ở Đan Mạch. Món cuốn Huế cũng đầy đủ rau thơm, bún, thịt ba rọi và đặc biệt là những con tôm hấp lột vỏ đỏ hồng lấp ló.

Nước chấm tuy vị không hoàn toàn giống ở Việt Nam, cũng có mùi nước mắm nhưng chỉ thoang thoảng thôi, trong chén nước chấm lại có những hạt đậu phộng rang vàng, giã dập khiến khi ăn vừa giòn lại vừa bùi. Thực đơn không quá phong phú, chỉ khoảng 30 - 40 món, nhưng nhất mực trung thành với tiêu chí “món ăn Việt”.

Ăn phở xong, tôi “đòi” gặp chủ quán. Thật bất ngờ, một trong 4 ông bà chủ là một cô gái bé nhỏ, ăn mặc giản dị như một cô… sẻ đồng. Lê Yến Hoàng Anh cười thật rạng rỡ, chào tôi bằng giọng Sài Gòn chánh hiệu. Theo gia đình sang Copenhagen từ năm 5 tuổi, tự mô tả mình như một “con nhỏ quậy phá và thích đi ngao du khắp nơi” và ý định mở nhà hàng Việt ở đây chỉ nhen nhóm khi cô về làm việc hai năm tại quê nhà. “Chợ Bến Thành chính là trường dạy nấu ăn của em” - cô kể.

Đó là vào năm 1995, năm cô tròn 22 tuổi, quyết định tìm về cội nguồn, vừa làm vừa học để tìm hiểu về văn hóa dân tộc – điều mà ba má cô vì quá vất vả với cuộc mưu sinh nên chẳng thể truyền dạy được nhiều cho 4 anh em. Cô gái gốc Sài Gòn mê nhất bánh canh, rồi canh bún, gỏi đu đủ trên đường Cách Mạng Tháng 8; bún bò Huế ở đường Võ Thị Sáu, mực chiên ở Phạm Ngũ Lão và chè chuối góc chợ Bến Thành, nơi chiều chiều cô ngồi nhấm nháp từng muỗng chè thơm mùi nước cốt dừa dưới cơn mưa bất chợt đổ ào xuống nhưng mau tạnh…

Từ TPHCM sang Pháp thêm 4 năm, thấy cộng đồng người Việt ở Pháp quây quần với nhau rất gắn bó, cô nung nấu ý định trở về Đan Mạch tổ chức một “hội quán” của cộng đồng người Việt. “Chính tụi em mới là những người thiệt thòi hơn cả bởi phải xa Tổ quốc từ khi còn quá nhỏ”, Hoàng Anh đăm chiêu.

Đau đáu hướng về quê cha đất tổ

Về lại Đan Mạch, Hoàng Anh không chỉ mang theo từ quê cha đất tổ những kiến thức về văn hóa ẩm thực Việt mà cả những ấn tượng về sự tần tảo và bản lĩnh vươn lên mạnh mẽ của người phụ nữ Việt. Với cô, việc mở nhà hàng không chỉ là nghiệp kinh doanh mà còn là một cách để giới thiệu mộït góc văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế và là nơi để những người con Việt xa xứ tìm đến và ngồi lại với nhau.

 

Thực khách Đan Mạch với bánh xèo Việt Nam trong nhà hàng Lê Lê.

Hoàng Anh vừa cho ra đời một cuốn sách bằng tiếng Đan Mạch, giới thiệu 80 món ăn Việt. Cô không những chỉ dẫn tận tình cho độc giả cách chế biến mà còn kèm thêm những câu chuyện duyên dáng về từng món rau quả quê nhà. Từ rau muống “quốc hồn quốc túy” - người Việt nào đi xa cũng nhớ, cho đến ớt cay nồng ấm áp tận ruột gan (dù người Đan Mạch vốn không quen dùng loại gia vị nhiệt đới quá nồng nàn mạnh mẽ này).

Toàn bộ số tiền có được từ bán sách cô đã đem tặng cho trẻ em vùng sâu vùng xa ở Cà Mau. Ý định tốt đẹp ấy nhen nhóm từ cách đây cả chục năm, khi Hoàng Anh tình nguyện đi dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở TPHCM và cảm nhận được những tình cảm trìu mến, vô tư của những đứa trẻ nghèo hiếu học.

Trở lại với “nghiệp kinh doanh”, bà chủ trẻ của cửa hàng cười tươi: “Em đang tính sẽ mở rộng mặt hàng gia vị Việt Nam để bán ở đây. Có điều hàng gốc từ Việt Nam khó nhập, vì chất lượng không đồng đều, khó đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Đan Mạch. Gia vị Việt Nam em đang dùng đây đều được nhập từ… Pháp và Thái Lan! Uổng thiệt. Chị thấy không, chanh rất mọng, rất xanh nhưng không được thơm như ở quê mình”. Cô gái trẻ còn bộc bạch với tôi ý định muốn mở rộng ra những mặt hàng trang trí, đồ nghệ thuật mang đặc trưng Việt Nam, như tranh sơn mài, đồ mây tre, chạm khảm để bán ở Copenhagen trong thời gian tới.

Tiễn tôi ra cửa, một lần nữa cô gái trẻ làm tôi sững sờ khi ngần ngừ một lát mới hỏi, đầy khắc khoải: “Em nói tiếng Việt có… sao sao không chị?”.

Thương quá, tấm lòng người Việt xứ xa…

Theo Anh Thư /Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.