Những chuyện "tạm dừng" trái luật

08/12/2005 01:09 GMT+7

Từ hôm qua 7.12, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã bắt đầu họp phiên thường kỳ. Được biết, tại phiên họp này sẽ có nhiều nội dung quan trọng để bàn tới, song có một nội dung xem ra sẽ được nhiều cử tri quan tâm, đó là Hà Nội liệu có bãi bỏ quy định tạm dừng đăng ký mô tô xe máy đối với 7 quận nội thành?

Việc này, UBND thành phố đang khẩn trương giao cho các cơ quan chức năng đánh giá nghiêm túc, khách quan mặt được và chưa được xung quanh một quyết định mà nhiều người gọi là "vi hiến" ấy để trình ra HĐND thành phố xem xét, quyết định.
Phải thừa nhận, việc ban hành quyết định này có phần rất bị động. Nó mang tính đối phó trước một vấn nạn đang đến hồi khó cứu vãn của Thủ đô. Chúng ta, dù có rất chia sẻ và thông cảm trước sự lúng túng này của chính quyền thành phố do chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu, thì về khía cạnh pháp lý, đây lại là vấn đề bất ổn bởi nó liên quan đến quyền đăng ký sở hữu và tài sản hợp pháp thuộc sở hữu tư nhân mà luật pháp Việt Nam không ngăn cấm. Vì thế, các cơ quan có trách nhiệm của thành phố Hà Nội không thể "cố thủ" khi mà Bộ Công an lại mới ban hành thông tư khác bãi bỏ quy định trong thông tư 02, rằng mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy.

Được biết, 2 năm qua, kể từ khi HĐND ban hành quyết định có nội dung trên, số lượng đăng ký xe máy ở Hà Nội có giảm nhưng không đáng kể (nếu năm 2004 có 97.000 xe máy đăng ký thì 10 tháng đầu 2005 cũng có hơn 60.000 xe máy được đăng ký). Việc người dân ở 7 quận nội thành "đổ" về nông thôn mua tên người khác để đăng ký khiến các cơ quan chức năng phải đứng trước một mê hồn trận, nó vừa gây tiêu cực xã hội lại vừa gây phức tạp trong công tác về quản lý phương tiện giao thông, dễ xảy ra tranh chấp tài sản, ấy là chưa nói đến chuyện, khi xảy ra tai nạn, nếu chủ phương tiện lại "bỏ của chạy lấy người" thì e rằng việc tìm ra được tung tích thủ phạm cũng như nạn nhân quả là phức tạp vô cùng.

Việc đăng ký xe tăng đột ngột ở các huyện ngoại thành cũng như một vài tỉnh lân cận Hà Nội phải chăng đã chứng minh một điều: Các nhà chức trách luôn đi sau sự lách luật khéo léo của người dân và như vậy, chủ trương tạm ngừng đăng ký xe ở 7 quận nội thành tỏ ra kém hiệu quả. Và, con số sắp được Công an thành phố cũng như Sở Giao thông - Công chính báo cáo với HĐND thành phố, dù thống kê chính xác đến mấy đi nữa cũng vẫn là con số, không nói lên được một điều gì. Còn hậu quả của cách "tạm dừng" này, không ai khác lại là cơ quan chức năng phải gánh chịu trong việc quản lý phương tiện theo kiểu "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" .

Một sự việc khác, tại TP Hồ Chí Minh cách đây khoảng gần hai tháng, cơ quan Thanh tra của Sở Bưu chính - viễn thông kiến nghị tạm dừng việc cung cấp game online của Vinagame vì lý do "chưa đủ giấy phép hoạt động" đã gây nên phản ứng gay gắt trong dư luận. Đây là một đề nghị sai trái so với Luật doanh nghiệp hiện hành, bởi game online cũng là một loại hình kinh doanh mới, không hề thuộc diện bị pháp luật cấm. Như vậy, nó đương nhiên phải được hoạt động hợp pháp.

Nói như ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên thời gian đó thì "đây là kiểu quản lý sợ trách nhiệm, là kiểu quản lý "vì quan" chứ không phải "vì dân". Rất may mà kiến nghị của Thanh tra Bưu chính  - Viễn thông TP Hồ Chí Minh không được cấp trên ủng hộ (thật ra cũng một phần do áp lực của báo chí không tán thành).

Đó là cách xử lý đúng đắn và cũng là một thực tế không nên chối bỏ. Nghe nói, ở Trung Quốc và Hàn Quốc, ngành công nghiệp game online tuy mới phát triển được vài năm nhưng tổng doanh thu của ngành đơn thuần giá trị gia tăng ấy đã lên tới nhiều tỉ USD và nhà nước của họ có thể thu nhiều trăm triệu USD tiền thuế từ ngành này. Mới đây, trong chuyến đi thăm Nhật Bản, tôi có được bạn đưa đến thăm một nhà máy sản xuất xe ô tô Honda Civic. Với công suất 2.045 chiếc/ngày, một người công nhân có thể chỉ làm một việc, đó là siết chặt 3 con bu-lông của một chiếc ô tô trong 59 giây của cả dây chuyền sản xuất và lại chuyển sang siết tiếp như thế cho một chiếc ô tô khác. Công việc thật đơn điệu như một robot ! Song cũng từ điều này, tôi đã tự lý giải một thắc mắc: vì sao sau mỗi giờ tan tầm, nhiều người lao động Nhật Bản hay tạt vào các quán chơi game online đến vậy.

Cả hai ví dụ nêu trên cho thấy một điều, chúng ta cần phải cân nhắc hết sức thận trọng mỗi khi ban hành một quyết định nào đó. Phải tự đặt câu hỏi liệu quyết định ban hành đó có trái với các văn bản mà pháp luật đã ban hành không? Không nên xử lý công việc theo cảm tính, chủ quan, cứ thấy quản lý không nổi là ban hành "lệnh cấm", "lệnh tạm dừng". Quy luật phát triển của xã hội Việt Nam và đặc biệt là của cả thế giới đã cho thấy, chúng ta không thể đứng ngoài.

Hành Thiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.