Chấp nhận... khùng

14/09/2012 03:00 GMT+7

Áp lực công việc và vô vàn gian khó đời thường vẫn không làm chùn bước những công nhân khao khát đến trường.

“Cuộc cách mạng”

“Khi em có ý định nối lại việc học, một số người đã gọi em là khùng. Họ bảo lớn tuổi rồi không lo lấy chồng, mà còn bay bổng”, cô gái Trần Thị Nghiên (29 tuổi, quê Thái Bình, hiện là công nhân may tại TP.HCM) bộc bạch.

 Trần Thị Nghiên phát biểu: "Tôi chấp nhận bị "khùng" để quyết học đến nơi đến chốn!"
Trần Thị Nghiên phát biểu: "Tôi chấp nhận bị "khùng" để quyết học đến nơi đến chốn!"
- Ảnh: Như Lịch

Nghiên cho hay, trong một thời gian khá dài, cô làm việc quần quật để có tiền gửi về quê giúp người chị ruột chữa bệnh, đồng thời phụ nuôi mẹ già. Ngay trong thời điểm khó khăn đó, Nghiên nhen nhóm ý định đi học với hy vọng thoát nghèo. Mặc những lời bàn ra tán vào, Nghiên chắt chiu dành dụm tiền bạc và âm thầm đăng ký học trung cấp kế toán vào ban đêm. Cô gái này luôn phải gồng mình để có thể hoàn thành công việc và theo đuổi học hành. Vừa tan ca, Nghiên vội vã đạp xe đến trường. Có khi trong giỏ xe của cô, người ta thấy sách vở lẫn bên mớ rau mà cô tranh thủ ghé mua bên đường. Bữa ăn tối của Nghiên thường diễn ra sau 21 giờ trong phòng trọ…

Ngày 1.7.2011, Nghiên mừng đến phát khóc khi nhận được học bổng trị giá gần 5 triệu đồng - tương đương học phí cả một năm học từ Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM (thuộc Ban Quản lý KCX - KCN TP.HCM). Sau khi hoàn tất bậc TCCN, cô công nhân này tiếp tục học liên thông lên CĐ và ĐH. Hiện nay, cô đang là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.

Trong khi đó, Cao Trúc Hồng Ngọc (quê Bạc Liêu, làm việc tại Công ty TNHH Freetrend, KCX Linh Trung 1, TP.HCM) xác định mục đích học của mình là “không phải để làm nhà quản lý cao sang gì đó, mà là để giao tiếp tốt hơn, có thể xử lý những tình huống trong công việc tốt hơn”. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực ra đó là cả một “cuộc cách mạng” đối với cô gái vốn rất nhút nhát, thiếu tự tin. Mấy năm nay, Ngọc kiên trì theo đuổi ngành kế toán kiểm toán (bậc CĐ) tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ngọc cho hay, cô sẽ tốt nghiệp vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, không đợi sau khi ra trường mà ngay từ bây giờ, cô đã tăng tốc học thêm Anh văn. Bởi cô gái này quan niệm: Hễ đăng ký chậm 1 ngày là trễ học 1 ngày; và như vậy, dễ bị bỏ lỡ những cơ hội quý đến với mình.

Đừng bao giờ sợ muộn

Anh Đặng Hồng Đăng (công nhân kỹ thuật trong KCX Tân Thuận) thẳng thắn cho hay bản thân anh đi học với mục đích “rất thực tế”, đó là kiếm tiền theo đúng chuyên ngành mình học. “Tạo ra sự khác biệt giữa mình và người khác bằng những sáng kiến có giá trị” chính là phương châm mà anh Đăng áp dụng, để có thể vươn đến sự thành công. Đăng cho hay, cũng với quyết tâm trên nên từ một công nhân, sau 8 tháng anh đã được cất nhắc lên làm phó phòng sản xuất trong một công ty cơ khí. Khi có ý định đi học thêm, anh đã tự nguyện xin nghỉ việc và chuyển sang chỗ làm mới, bắt đầu trở lại “xuất phát điểm” là một người thợ. “Mình không muốn nhận lương quản lý nhưng làm không tròn vai vì còn lo chuyện học hành. Mức lương bây giờ của mình chỉ còn hơn 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, mình cũng chấp nhận “lùi một bước tiến mấy bước” để chuẩn bị cho tương lai tốt hơn”, Đăng giải thích về quyết định gây bất ngờ của anh. Hiện Đăng đang là sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành quản trị nguồn nhân lực, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Để việc học không đứt đoạn, anh cho hay phải tính toán, lên kế hoạch kỹ cho những khoản chi tiêu, đồng thời dự trù cả những tình huống không mong muốn xảy ra… Nhờ có học lực tốt nên mấy năm qua, Đăng đã được Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM tiếp sức bằng việc xét cấp học bổng và vốn vay ưu đãi.

 Những công nhân trẻ chia sẻ kinh nghiệm học tập
Những công nhân trẻ chia sẻ kinh nghiệm học tập - Ảnh: Như Lịch

Trong buổi gặp gỡ, giao lưu gần đây với khoảng 60 công nhân đang đi học, thạc sĩ Hà Trung Thành - giáo viên Trường Cán bộ TP.HCM, tâm tình: “Cuộc đời tôi lớn lên ở ngoài đường, từ nhỏ đã phải bươn bả mưu sinh. Dù vậy, tôi chưa bao giờ có ý định bỏ học”. Tuy nhiên, ông Thành khẳng định công việc khiến ông cảm thấy vui nhất chính là được làm giáo viên như bây giờ. “Khi bạn nhận ra điều gì quý giá với cuộc đời mình thì đừng bao giờ sợ muộn”, thạc sĩ Thành nói. Ông cũng nhắn nhủ bạn trẻ: Hãy lấy “hạt kim cương” của người khác đưa vào đầu mình, tức là học cái hay của người khác và học mọi lúc mọi nơi. Ngược lại, mình cũng nên chia sẻ những cái hay, cái thành công của mình cho người khác.

Gần 3 tỉ đồng giúp công nhân đến trường

Từ khi thành lập (tháng 4.2008) đến nay, Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM đã trao 200 suất học bổng và 600 suất vay, với tổng trị giá gần 3 tỉ đồng cho công nhân có điều kiện đi học. Đầu tháng 10 tới, quỹ sẽ ra mắt câu lạc bộ Công nhân hiếu học, nhằm tạo môi trường cho công nhân học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Như Lịch

>> Công nhân được thuê chỗ ở giá 20.000 đồng/tháng
>> Bán hàng giá ưu đãi phục vụ công nhân
>> Mòn mỏi chờ trường cho con công nhân
>> Hà Nội đẩy mạnh xây nhà cho công nhân, sinh viên
>> Lớp học xóm trọ công nhân
>> Hỗ trợ công nhân
>> Doanh nghiệp chậm trả lương, công nhân bức xúc
>> Báo động suất ăn công nhân
>> Thức ăn cho công nhân có giòi
>> Giúp công nhân đi học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.