Gossip Girl: Nghịch lý truyền hình mỹ

15/12/2009 14:53 GMT+7

(TNTT>) Ở Mỹ, các chương trình truyền hình muốn tồn tại phải thu hút được lượng khán giả rất lớn. Nếu không, nó sẽ bị khai tử. Nhưng Gossip Girl là một ngoại lệ. Xếp ngoài nhóm 200 chương trình ăn khách nhất, nhưng Gossip Girl vẫn sống khỏe. Vì sao?

Giới truyền hình Mỹ là những người thực dụng. Họ sẽ vứt bỏ không thương tiếc những chương trình không hiệu quả về lợi nhuận. Ví dụ điển hình là bộ phim truyền hình Samantha Who? Mùa phát sóng đầu tiên, 2007-2008, Samantha Who? thu hút trung bình 12 triệu khán giả đón xem mỗi tập, xếp thứ 27 trong các chương trình ăn khách nhất Mỹ. Nhưng sang mùa thứ hai, lượng khán giả tụt xuống còn khoảng 3 triệu. Và các nhà sản xuất ngừng ngay lập tức dù nội dung vẫn còn dang dở.

Nhưng chương trình Gossip Girl lại tồn tại như một nghịch lý trong làng truyền hình Mỹ. Tập đầu tiên của phần 1 Gossip Girl  được phát sóng vào 27.9.2007, có 3,5 triệu người chờ xem nhưng khi tập đầu kết thúc, chỉ còn 3 triệu người ngồi lại trước màn hình. 500.000 người khác chuyển kênh hoặc đi ngủ sớm vì chán. Số khán giả của các tập tiếp theo cũng không khả quan. Sau  mùa phát sóng đầu tiên, thống kê cho thấy lượng khán giả trung bình xem mỗi tập Gossip Girl chỉ là 2,5 triệu người. Xét danh sách các chương trình ăn khách mùa 2007-2008, Gossip Girl chỉ xếp thứ... 196, tức là rất tệ. Mùa thứ hai còn tệ hơn khi Gossip Girl xếp hạng 201. Nhưng đáng ngạc nhiên là Gossip Girl vẫn tiếp tục được sản xuất. Trong khi đó, chương trình Samantha Who? xếp hạng 57 lại bị khai tử. Phần 3 của Gossip Girl tiếp tục được phát sóng từ 14.9.2009. Không những thế, chương trình còn được chuyển vào giờ vàng, 9 giờ tối thứ hai.

Chương trình dành cho giới trẻ

Điều gì giúp Gossip Girl tồn tại? Chắc chắn không phải nhờ số lượng khán giả đông đảo. Thống kê của Nielsen đầu tháng 12.2009 cho biết: lượng khán giả của Gossip Girl không tăng cũng chẳng giảm. Con số 3 triệu khán giả đã xem tập 1 ngày 27.9.2007  trở thành những khán giả trung thành của Gossip Girl. 

Mấu chốt cho thành công của chương trình nằm ở thành phần khán giả. Tuy không lọt vào nhóm 200 chương trình ăn khách nhất, nhưng Gossip Girl  lại xếp thứ 3 trong số những chương trình đặc biệt thu hút nhiều khán giả nữ trẻ tuổi. Điều này khiến Gossip Girl trở thành "mỏ vàng" với các hãng kinh doanh thời trang, đồ trang sức… cho giới trẻ. Với họ, các khán giả nữ trẻ tuổi là khách hàng tiềm năng, những người sẽ bỏ tiền mua hàng. Vì thế, các hãng này không tiếc tiền tài trợ và quảng cáo trên Gossip Girl. Nguồn tài chính dồi dào đó đã giúp Gossip Girl sống khỏe dù ít khán giả.

Nhưng vì sao Gossip Girl lại có nhiều khán giả trẻ trung thành đến như vậy? Gossip Girl là bộ phim nói về cuộc sống của những chàng trai, cô gái sắp rời ghế nhà trường để vào đời. Họ chẳng phải là những tấm gương về nhân cách. Họ là những người thuộc giới thượng lưu, sống trong xa hoa. Phim không đề cập đến chuyện chính trị, khủng bố hay lý tưởng to tát. Thay vào đó là chuyện tình yêu,  tình dục, các mối quan hệ tay ba, tay tư... Thậm chí, có nhân vật trong Gossip Girl là kẻ lưỡng tính. Nhưng dường như chính những đề tài "vô thưởng vô phạt" này lại khiến giới trẻ Mỹ thích thú.

Phim truyền hình hay show… thời trang?

Dàn diễn viên trẻ, đẹp và ăn mặc thời trang là nguyên nhân thu hút nhiều khán giả nữ trẻ. Không phải ngẫu nhiên mà các đạo diễn cho diễn viên thay trang phục liên tục trong phim. Thứ nhất, điều đó phù hợp với nội dung phim về con nhà giàu. Nhưng quan trọng hơn, việc này còn giúp trình diễn các bộ "đồ hiệu" của hãng thời trang tài trợ như Marc Jacobs, Rebecca Taylor hay Valentino... Bộ phim tạo ra hiệu ứng tích cực về mặt thương mại khi giới trẻ Mỹ giờ đây thích ăn mặc theo các nhân vật Gossip Girl. Với các nhà sản xuất, như thế đã là quá thành công. Và nếu Gossip Girl còn tiếp tục giúp các hãng tài trợ bán được hàng thì sẽ chẳng bao giờ sợ bị khai tử dù chỉ có 3 triệu khán giả.

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.