Kỳ tích y học Việt

26/02/2012 12:09 GMT+7

Với nỗ lực và sáng tạo không ngừng trong việc áp dụng kỹ thuật mới, các bác sĩ Việt Nam đã đạt được những thành công vượt trội trong sự nghiệp cứu người, giúp rút ngắn khoảng cách giữa y học Việt Nam với thế giới.

Với nỗ lực và sáng tạo không ngừng trong việc áp dụng kỹ thuật mới, các bác sĩ Việt Nam đã đạt được những thành công vượt trội trong sự nghiệp cứu người, giúp rút ngắn khoảng cách giữa y học Việt Nam với thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2012, lần đầu tiên ngành y tế tôn vinh 26 công trình được công nhận là thành tựu y - dược nổi bật thuộc 11 lĩnh vực: ghép tạng, can thiệp tim mạch/ung bướu, nội soi phẫu thuật, can thiệp chấn thương/chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, nhãn khoa, y học cổ truyền, sản xuất vắc-xin/sinh phẩm y tế, dược và chuyển giao công nghệ. Xin điểm lại một số thành tựu quan trọng.

Ghép tạng đột phá

Nếu như những năm 1990 trở về trước, ghép tạng còn là khái niệm xa vời đối với ngành y nước ta thì đến năm 1992, trường hợp ghép thận đầu tiên được thực hiện thành công tại Học viện Quân y 103 trong điều kiện trang bị kỹ thuật còn thiếu thốn và lạc hậu, kinh phí eo hẹp đã đánh dấu sự trưởng thành của ngành ghép tạng Việt Nam.

Ngày 22-5-2010, Bệnh viện (BV) Việt - Đức (Hà Nội) đã thực hiện thành công 1 ca ghép gan và 2 ca ghép thận cho 3 bệnh nhân với nguồn tạng được lấy từ một người chết não do tai nạn lao động. Đây là ca ghép gan người lớn thứ hai tại BV này nhưng lại là ca ghép gan từ người chết não đầu tiên ở Việt Nam. Nối tiếp thành công, chỉ một thời gian sau đó, BV Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên do đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam thực hiện với chi phí chỉ bằng 1/10 chi phí so với giá thu phí ở nước ngoài. Tự hào phẫu thuật nội soi

Thành công của phẫu thuật nội soi u nang ống mật chủ ở bệnh nhi và phẫu thuật teo trực tràng nội soi qua đường hậu môn của BV Nhi Trung ương đã mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho hàng trăm bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo.

Trong khi thế giới còn đang tranh luận về kỹ thuật này thì BV Nhi Trung ương đã tiên phong áp dụng và trên 200 trường hợp phẫu thuật teo trực tràng nội soi qua đường hậu môn của Việt Nam đã cho kết quả tốt. Cùng đó, 400 trường hợp bị u nang ống mật chủ được phẫu thuật nội soi cũng thành công. Đến nay, đây vẫn là một trong những phẫu thuật khó mà nhiều trung tâm y học tên tuổi trên thế giới vẫn chưa dám đưa vào danh mục mổ thường quy.

Từ những thành công trên, BV Nhi Trung ương đã vươn lên vị thế “bậc thầy” về phẫu thuật nội soi và trở thành một trung tâm phẫu thuật nội soi trẻ em hàng đầu trong khu vực và tiên tiến trên thế giới. Càng tự hào hơn khi ở một số lĩnh vực như thoát vị cơ hoành, u nang ống mật chủ, hầu hết công trình nghiên cứu của những tác giả trên thế giới đều trích dẫn các công trình nghiên cứu của Việt Nam và kinh nghiệm của Việt Nam.

Điểm sáng kỹ thuật sinh học phân tử

Việc ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai tại BV Từ Dũ (TPHCM) là thành tựu quan trọng góp phần nâng chất giống nòi người Việt. BV Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã triển khai thành công và đưa vào thực hiện rất hiệu quả chương trình chẩn đoán trước sinh bệnh thalassemia bằng kỹ thuật sinh học phân tử, triển khai kỹ thuật QF-PCR vào việc chẩn đoán hội chứng Down và các bất thường về số lượng nhiễm sắc thể, triển khai các chẩn đoán di truyền cho các bệnh phổ biến khác ở người Việt như hemophilia, giải trình tự ADN, chẩn đoán đột biến gien AZF gây hiếm muộn, chẩn đoán nhiễm CMV và Rubella thai kỳ. Những kỹ thuật này đã hạn chế việc sinh ra đời các trường hợp bất thường, góp phần nâng cao chất lượng dân số nước ta.

Ý nghĩa lớn từ ứng dụng tế bào gốc

Trong khi đó, với việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý huyết học, BV Truyền máu và Huyết học đã nâng tầm cho y học TPHCM. Tiến hành ca ghép tủy xương đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 7-1995 và thực hiện truyền tế bào gốc máu ngoại vi lần đầu từ tháng 10-1997, đến tháng 1-2002, BV này đã tiến hành ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn và đây cũng chính là ca cấy ghép đầu tiên ở nước ta.

Hiện tại, trong kỹ thuật cấy ghép, BV có 3 loại sản phẩm từ tế bào gốc từ tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi và tế bào gốc từ máu cuống rốn. Đến nay, BV đã thực hiện thành công trên 100 ca cấy ghép, trong đó gần phân nửa là ở trẻ em và chuyển giao thành công kỹ thuật này cho một số BV trong nước. Bên cạnh đó, ngân hàng máu cuống rốn của BV cũng đã được Hiệp hội Máu cuống rốn châu Á công nhận đạt chuẩn ASIA CORD từ năm 2004.

Kỹ thuật lọc máu tạo dấu ấn

Năm ngoái, xã hội rúng động vì bệnh tay chân miệng. Trong bối cảnh dịch bệnh dồn dập, việc các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 (TPHCM) nghiên cứu, triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục cho bệnh nhi tay chân miệng bị suy đa tạng đã gây tiếng vang trên cả nước. Nghiên cứu nguyên nhân tử vong do bệnh tay chân miệng và dựa trên kết quả các công trình nghiên cứu của thế giới, nhóm nghiên cứu của BV Nhi Đồng 1 đã mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng phương pháp lọc máu liên tục - một kỹ thuật hồi sức hiện đại, tích cực trong các trường hợp bệnh tay chân miệng có biến chứng suy đa cơ quan.

Kết quả nghiên cứu này đã cứu sống được nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cấp độ 4 mà trước đây thường gây tử vong. Ứng dụng này sau đó triển khai tại 3 BV chuyên khoa là BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2, đồng thời giúp tuyến dưới phân loại lại các mức độ diễn tiến của bệnh theo dõi được biến chứng của bệnh để chuyển viện kịp thời. Đó cũng là dấu ấn để Bộ Y tế thẩm định, xây dựng phác đồ mới điều trị bệnh tay chân miệng triển khai cả nước.

Vắc-xin nội sắp về đích

Trong xu hướng toàn cầu hóa, dịch bệnh di chuyển ngày càng nhanh và lây lan ngày càng rộng. Vì thế, thành công trong việc sản xuất các loại vắc-xin “made in Vietnam” cũng như vắc-xin ngừa cúm A/H5N1 của GS-TS Nguyễn Thu Vân cùng các cộng sự thuộc Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đã dần giúp ngành y nước ta chủ động hơn trong việc phòng chống các dịch bệnh.

Đến thời điểm này, khi những thử nghiệm lâm sàng đang ở giai đoạn cuối cùng, quá trình nghiên cứu vắc-xin cúm A/H5N1 suốt 7 năm qua của các nhà khoa học cũng sắp về đích.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.