Bao giờ nông dân được sản xuất theo đơn đặt hàng?

24/07/2013 10:07 GMT+7

Từ đầu năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh bùng phát, xâm nhập mặn đến sớm và tấn công sâu vào đất liền; giá cả nhiều mặt hàng nông thủy sản liên tục giảm ảnh hưởng đến thu nhập của hàng loạt hộ nông dân sống dựa vào nông nghiệp.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhìn nhận nông nghiệp gặp khó đã tác động đến đời sống của hàng chục triệu cư dân vùng ĐBSCL, cũng như các nơi khác. 2 sản phẩm chủ lực của ĐBSCL là lúa gạo và thủy sản đã được bàn thảo nhiều lần, nhưng vẫn chưa có lối ra. Trong khi sản xuất cứ phát triển đều đặn, còn tiêu thụ thì bị ùn ứ, rớt giá dẫn tới nông dân thua lỗ. Cần xác định nguyên nhân khó ở chỗ nào, từ đó tìm ra giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài cho từng lĩnh vực cụ thể, tránh tình trạng đề xuất chung chung cuối cùng không hiệu quả.

UBND các tỉnh, thành ĐBSCL cho rằng trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp vẫn đóng vai trò chính. Song, nghịch lý hiện nay là “càng làm, càng lỗ” khiến nông dân mất phương hướng, không biết tin ai và không biết làm gì; bởi trồng lúa, nuôi cá tra, nuôi heo, gà… đều mất giá. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Các tỉnh thành đặt câu hỏi: “Trong điều kiện giá lúa bấp bênh có nên sản xuất 3 vụ/năm hay không? Nếu chỉ làm 2 vụ lúa thì 1 vụ còn lại sẽ chuyển đổi cây gì? Một số ý kiến đề nghị khuyến cáo nông dân trồng đậu nành phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn đang thiếu, tuy nhiên cần xem lại liệu có hiệu quả bởi các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm này từ nước ngoài rẻ hơn mua trong nước?”. Phía Hiệp hội Lương thực Việt Nam cảnh báo, thị trường gạo thế giới đang tồn kho ngày càng cao (riêng Thái Lan tồn kho hơn 17 triệu tấn, Ấn Độ tồn kho 35,5 triệu tấn…), khiến cung tiếp tục vượt cầu. Vì vậy, nên xem xét giảm lúa nhằm tránh tình trạng giá rớt, nông dân chịu thiệt như hiện nay. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Hoàng Bê đề xuất các bộ ngành chức năng cần có cuộc khảo sát thực tế để đánh giá đúng việc sử dụng đất nông nghiệp hiện nay xem lĩnh vực nào hiệu quả, lĩnh vực nào đang khó; từ đó “giải” bài toán giảm lúa đặt ra. Ai cũng thấy, với tiến bộ khoa kỹ thuật, nông dân có thể chủ động được trong sản xuất nông nghiệp; nhưng sản phẩm làm ra tiêu thụ ở đâu, ai mua, giá bao nhiêu… đang là cái khó.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, định hướng cho nông dân thay đổi tập quán từ làm ăn nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn nhằm nâng chất lượng, tăng giá trị sản phẩm… đều có thể làm được. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không đặt hàng, không chịu vào cuộc coi như đổ vỡ. Điển hình như mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đã chứng minh hiệu quả, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia nên khó nhân rộng. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết: “Bao giờ chúng ta làm được khâu tìm kiếm thị trường xong, có đầu mối xuất khẩu cụ thể về số lượng, chủng loại, giá cả… sau đó đặt hàng cho ngành nông nghiệp sản xuất, thì mới tránh được cảnh “tới mùa - dội chợ - rớt giá” như bao năm qua và nông dân là người chịu thiệt đầu tiên”.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.