Tin vào... con sứa

15/04/2014 10:05 GMT+7

Khi các cơ sở hấp, sấy cá đang “mọc lên như nấm” ở địa phương thì chị Nguyễn Thị Thiếc (xã Gio Việt, H.Gio Linh, Quảng Trị) lại đi chế biến... sứa ăn liền.

Tin vào... con sứa
Chị Thiếc đã đạt nhiều thành công bước đầu với con sứa - Ảnh: Nguyễn Phúc

Với 47 năm lớn lên bên biển, chị Thiếc với cách nói bộc trực của dân làng chài kể chuyện cơ duyên của mình với...con sứa. Thuở nhỏ, gia cảnh khó khăn nên từ lớp 5, chị học 1 buổi, buổi còn lại theo mẹ ra chợ làng bán buôn. Đến lớp 7 thì bỏ học hẳn để theo những con cá nướng đến các phiên chợ ở các huyện xa trong tỉnh, thậm chí đi qua tận Thừa Thiên.

19 tuổi, chị lấy chồng. Nhà chồng cũng sống nhờ biển, nhưng dạo đó những chuyến biển xa chỉ mang về... thua lỗ, có thời phải bán tàu, ngư cụ để trả nợ ngân hàng. May sao, dù lăn lộn với đời sớm nên chị đặc biệt nhanh nhạy với những diễn biến trên thị trường. Người ta nói chị thuộc diện “điếc không sợ súng”, muốn cái gì là phải làm bằng được, dù kỳ công, dù vất vả. Dân vùng Cửa Việt này có thời tưởng chị có vấn đề về đầu óc khi chỉ chuyên thu mua đầu cá, loại phế phẩm bỏ đi khi làm cá khô. Có ai ngờ, chị đã đưa cái thứ bỏ đi ấy vào tận Đà Nẵng, nhập sỉ cho một nhà máy chế biến thức ăn gia súc, thu lợi “khủng”.

Là dân biển, chị Thiếc chẳng lạ gì con sứa nhưng cách đây chừng 3 năm, mới “bén duyên” với chị. “Tôi làm đại lý sứa thành phẩm cho một doanh nghiệp ở Thái Bình. Càng làm tôi càng băn khoăn rằng sứa ở vùng biển miền Trung thơm ngon rất nhiều cớ sao mình không chế biến mà lại cứ xuất thô sang tỉnh bạn rồi nhập thành phẩm ngược trở lại để ăn?”, chị Thiếc nói. Ý nghĩ ấy thôi thúc chị tính toán và nắm bắt cơ hội làm giàu.

“Tôi ra Thái Bình học nghề. Lúc đầu, người ta đều giấu nghề. Rồi tôi cũng tích lũy được ít bí quyết từ quan sát và một vài chỉ vẽ của mọi người. Rồi tôi về làm...thiệt. Nghề này dễ cũng dễ, mà khó cũng khó. Tôi đã từng mất gần 2 bể sứa trị giá gần 30 triệu chỉ vì một đêm vì lơ là kỹ thuật, làm sứa bị tanh”, chị Thiếc nói. Sau khi vét hết của cải trong nhà và “liều mạng” vay ngân hàng thêm 300 triệu đồng, chị Thiếc mở 1 cơ sở chế biến và 1 cơ sở đóng gói sứa tại địa phương. Cơ sở chị phát triển dần với hiện giờ cả chục nhân công, với thu nhập 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Không giấu nghề, chị Thiếc thành thực kể cho PV vanh vách từng công đoạn để cho ra thành phẩm sứa ăn liền: “Có nhiều công đoạn nhỏ nhưng cơ bản là từ một con sứa tươi mình cắt phần thân và phần chân ra để riêng. Sau đó, bỏ phần thân vào máy xay nhỏ, ướp muối. Công đoạn tốn nhiều thời gian nhất là ngâm vào bể nước, thường mất từ 15 đến 20 ngày. Cuối cùng là lấy ra, vắt khô, sấy và đóng gói. Nếu được bảo quản trong tủ lạnh, sản phẩm này có hạn sử dụng lên đến 60 ngày”.

Nói về con số kinh tế, chị Thiếc tâm sự hiện nay giá mua sứa tươi là 1.500 đồng/kg nhưng sau khi chế biến và đóng gói chị xuất ra thị trường với giá trên dưới 50.000 đồng/kg, chủ yếu đi Trung Quốc và các tỉnh bắc trung bộ.  Riêng năm 2013, chị xuất bán chừng 50 tấn sứa thành phẩm. Chính vì thế thu nhập mà con sứa mang lại cho chị là rất đáng mơ ước, khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.