Người được Tổng thống Mỹ trao giải: “Người bạn di sản quốc gia”

06/12/2008 22:04 GMT+7

Sau “năm lần bảy lượt” hẹn hò, phải đến cuối tháng 11.2008, chúng tôi mới gặp được GS-TS Nguyễn Thuyết Phong. Ông là người Việt Nam thứ hai (sau GS-TS Trần Văn Khê) được nêu tên trong cuốn Đại tự điển âm nhạc thế giới The New Grove xuất bản tại Vương quốc Anh và được xem là một trong những diễn giả xuất sắc nhất ở u - Mỹ về âm nhạc truyền thống VN.

Tôi gặp ông khi ông vừa từ miền Trung trở về TP.HCM trong chuyến về nước gần đây nhất (tháng 11.2008). Ông tiết lộ “ra miền Trung để dự lễ tưởng niệm hai cố nghệ sĩ tuồng là Nguyễn Nho Túy và Ngô Thị Liễu do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Đây là lần đầu tiên tôi được xem tuồng (nhiều trích đoạn) ngay trên chính quê hương của họ với những phương ngữ và phong cách hết sức độc đáo. Tôi cho rằng đó chính là đỉnh cao của nghệ thuật tuồng. Nghệ thuật này đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người Việt Nam, từ bậc vua chúa cho đến thứ dân. Rất tiếc thời gian đã làm mai một, không còn phổ cập...”.

* Tính đến nay, GS-TS đã về nước bao nhiêu chuyến rồi?

- Tôi về nước lần đầu tiên năm 1991, đến nay thì không thể đếm được hết đã có bao nhiêu chuyến - dài ngày có, ngắn ngày có - nhưng cũng có một giai đoạn từ năm 1996 đến 2004, tôi không thể về vì phải dành hết thời gian cho công việc. Hiện tôi đang dạy một “cua” ở Singapore nên cứ dăm ba bữa lại ghé về Việt Nam. Có những người Việt sống ở Hoa Kỳ không về quê cha đất tổ cũng được, riêng với tôi không về Việt Nam là một mất mát lớn. Có 2 lý do: tất cả gia đình tôi đều đang ở Việt Nam, chỉ riêng mình tôi là ở nước ngoài - đó là một sức hút mãnh liệt để tôi trở về tâm tình với dân tộc. Do đang chuyên trách trong lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa và âm nhạc Việt Nam nên cần phải tiếp cận càng nhiều càng tốt, vậy nên tôi cần phải về để trau dồi chuyên môn.

* Mỗi lần về Việt Nam  ông đều mang theo một điều tâm huyết vì lợi ích cho đất nước. Vậy mục tiêu của lần này là gì?

- Điều quan tâm nhất của tôi hiện nay là cải thiện và nâng cao phương pháp giáo dục ở bậc đại học tại Việt Nam. Hiện nay với sự hợp tác và giao lưu giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi rất mong được cộng tác với các tổ chức chuyên trách trong nước để tìm hiểu, nghiên cứu và vận dụng Phương pháp giảng dạy về nghệ thuật và nhân văn của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Phương pháp này chính tôi đã áp dụng và dạy ở Hoa Kỳ rất có kết quả bởi 3 yếu tố: giáo trình - phương pháp giảng dạy - đào tạo giảng viên.

Tôi nghĩ, giáo dục ở bậc đại học trong nước cũng có cái hay nhưng từ trước đến giờ có vẻ từ chương quá (sách giáo khoa chưa phổ cập với bước tiến của thế giới cũng như chưa được phát hành rộng rãi lắm, đi điền dã thực tế cũng không được nhiều). Trong khi ở Hoa Kỳ, giới sinh viên được học với những phương tiện “trợ huấn cụ” hết sức phong phú (trang thiết bị hỗ trợ dạy học, phương tiện nghe nhìn hoặc trực tiếp thực hành trên các thiết bị...). Còn việc đi điền dã thực tế thì ngay ở bậc tiểu học, các em đã được nhà trường tổ chức cho đi nhiều lần. Tôi cũng nghĩ các sinh viên (cũng như giáo viên) Việt Nam với những tiềm năng: thông minh, hiếu học và cầu tiến, nếu được sự hỗ trợ của các phương pháp khoa học sẽ có khả năng vượt thắng những trở ngại, có những kết quả tốt nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, vươn lên đẳng cấp quốc tế.

* GS-TS đã từng thử nghiệm phương pháp giáo dục đó tại Việt Nam?


GS-TS Nguyễn Thuyết Phong (thứ 2 từ trái qua) nói chuyện với sinh viên Mỹ trong một lớp nhạc  - Ảnh: Do Nhân Vật Cung Cấp

- Vâng, tôi đã áp dụng vào lĩnh vực giáo dục âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam. Năm 2004, khi đang là giáo sư đặc nhiệm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tôi đã sáng lập ngành Dân tộc nhạc học thế giới tại Nhạc viện Hà Nội với trách nhiệm là đào tạo cán bộ. Đến nay đã có khoảng 40 giảng viên của hai nhạc viện Hà Nội và TP.HCM là môn sinh của tôi. Riêng ở Huế tuy chưa có học trò chính thức nhưng tôi đã đến nói chuyện nhiều lần ở trường Đại học Nghệ thuật Huế và là cố vấn cho thầy Hiệu trưởng Trương Ngọc Thắng. Tôi cũng đã hiến tặng cho Nhạc viện Hà Nội những phương tiện cá nhân làm “trợ huấn cụ” như sách chuyên khoa, phương tiện nghiên cứu điền dã, máy vi tính, máy quay phim, hệ thống kỹ thuật số về âm nhạc thế giới (đĩa, âm thanh, phim...). Việc làm này tuy nhỏ nhưng rất cần thiết để qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Điều quan trọng là các môn sinh của tôi cần phải tiếp cận với phương pháp giảng dạy và có mối quan hệ rộng rãi với các nhà nghiên cứu âm nhạc của các dân tộc trên thế giới để hoàn thiện và phát huy khả năng. Chính vì lẽ đó nên gần đây tôi cũng đã có những sự hỗ trợ nhất định cho ngành Dân tộc nhạc học Việt Nam khi mời các vị Văn Thị Minh Hương (Giám đốc Nhạc viện TP.HCM) và Trương Ngọc Thắng (Giám đốc Học viện m nhạc Huế) cùng GS Hoàng Chương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc) sang Hoa Kỳ quan sát, tham khảo nền giáo dục nghệ thuật ở đây, đồng thời tham gia một hội thảo lớn của ngành Dân tộc nhạc học Hoa Kỳ. Họ được đón tiếp rất nồng nhiệt, được gặp gỡ các nhà quản lý giáo dục cũng như các giáo sư, nhạc sĩ lớn như: Halim Ep Dabh (người từng viết nhạc cho 1.000 chiếc trống, gợi cho ta nhớ đến sự kiện 1.000 cái trống cho “kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”), Bright Sheng, Peter Laki, Terry Miller... Đoàn đi qua 12 tiểu bang trong thời gian nửa tháng (từ 16.10 đến 2.11.2008). 

* Nhìn lại gần 40 năm theo đuổi ngành Dân tộc nhạc học, điều gì làm ông tâm đắc nhất?

- Kết quả của 40 năm học tập, nghiên cứu này là bộ sưu tập mang tên Nguyễn Thuyết Phong. Đây là bộ sưu tập về âm nhạc dân tộc Việt Nam lớn nhất ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam (với hơn 1.000 đề mục chứa đựng những tư liệu, hình ảnh, phim... về văn hóa và âm nhạc Việt Nam), tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam trên thế giới có thể đến tham khảo, tìm hiểu ngay tại Đại học Hobart and William Smith (New York). Tôi cũng rất vui mừng khi tất cả các dữ liệu trong bộ sưu tập đã được chuyển qua hệ thống kỹ thuật số.

* Ông có thể tiết lộ một chút về các danh hiệu cao quý đã được phong tặng?

- Năm 1997 tại Tòa Bạch ốc, tôi được Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao giải “Người bạn di sản quốc gia” vì những cống hiến cho âm nhạc cổ truyền (ông Bill Clinton chỉ đến chào còn phần trao giải do phu nhân Hillary Clinton trao). Năm 2004, tôi lại được phong tặng “Di sản bang Ohio”. Riêng danh hiệu “Vinh danh nước Việt” của Việt Nam phong tặng cho tôi vào năm 2005 tại Văn miếu - Quốc tử giám (tiếc là tôi không có mặt để được trực tiếp nhận danh hiệu cao quý này). 

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong sinh năm 1946 tại vùng giáp ranh của ba tỉnh Cần Thơ - Trà Vinh - Vĩnh Long trong một gia đình nông dân rất mê cầm ca. Từ 5 tuổi, cậu bé Nguyễn Thuyết Phong đã được cha ruột rồi các chú, các bác và nhất là nhạc sư Mười Kiên truyền dạy những ngón đờn, hơi ca trong đờn ca tài tử, cải lương, hát bội, nhạc lễ, nhạc Phật giáo… Lúc 10 tuổi, cậu thường được mời lên ca vọng cổ trước hàng trăm khán giả ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Năm 1973, Nguyễn Thuyết Phong được học bổng sang Nhật du học, sau đó sang Pháp và tốt nghiệp tiến sĩ ngành Dân tộc nhạc học thế giới với hạng Tối danh dự tại Đại học Sorbonne (Paris, Pháp). Năm 1984 ông sang Mỹ, định cư ở bang Ohio, đồng thời giảng dạy về âm nhạc châu Á ở hơn 20 trường đại học trên khắp nước Mỹ. Ông cũng là ủy viên Hội đồng nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ. Khi đã trở thành một nhạc sư tên tuổi, có dịp về Việt Nam, ông vẫn tranh thủ học đàn đáy với cụ Đinh Khắc Bản, học đàn nguyệt với cụ Nguyễn Gia Cẩm.

Hà Đình Nguyên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.