Khu công nghệ cao TP.HCM: Dân góp vốn bằng giá trị sử dụng đất?

03/11/2004 00:20 GMT+7

Văn phòng Tiếp công dân TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP, UBMTTQ TP... về kết quả tiếp công dân thuộc dự án Khu công nghệ cao (KCNC) trên địa bàn Q.9, đồng thời kiến nghị UBND TP xem xét việc cho phép người dân có đất bị thu hồi nằm trong dự án tham gia góp vốn xây dựng KCNC bằng chính giá trị sử dụng đất của họ...

(Tit đầy đủ: Dân góp vốn vào khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và góp bằng giá trị sử dụng đất: Tại sao không ? )

Kiến nghị này được đưa ra sau khi Văn phòng Tiếp dân đã cùng UBND Q.9, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Thanh tra TP, Ban Quản lý dự án KCNC có những buổi tiếp xúc với hàng trăm hộ dân có đất bị thu hồi nằm trong dự án, lắng nghe những ý kiến và nguyện vọng của người dân. Theo Văn phòng Tiếp công dân, nếu kiến nghị được UBND TP thông qua sẽ làm giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án. Nhận định ban đầu về kiến nghị này, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Lê Hiếu Đằng cũng cho rằng: "Đó là một kiến nghị hợp lý, nếu triển khai được là rất tốt. Tuy nhiên, cần cân nhắc, xem xét ở từng dự án cụ thể trong KCNC khi cho phép người dân tham gia góp vốn để bảo đảm tính khả thi cao, đồng thời tính toán giá đền bù cho người dân hợp lý để tránh khiếu nại kéo dài".

Dự án KCNC, sau nhiều lần điều chỉnh quy mô theo hướng thu hồi quá nhiều đất của người dân khác với dự tính ban đầu của lãnh đạo thành phố và trung ương, đến thời điểm hiện nay có tổng diện tích đất phải thu hồi lên đến 912,9 ha. Loại trừ 111,9 ha đất công, tổng diện tích phải kiểm kê là 801 ha (thuộc 5 phường: Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú và Long Thành Mỹ) liên quan đến 3.714 hộ dân, với chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự kiến lên tới 2.500 tỉ đồng. Đến nay, Ban Quản lý dự án KCNC mới bồi thường được cho 1.955 hộ với tổng số tiền hơn 787,28 tỉ đồng, đạt hơn 31% chi phí dự kiến bồi thường. Sở dĩ tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng quá chậm như vậy là do trong quá trình triển khai dự án gặp khá nhiều khúc mắc: thiếu quỹ nhà tái định cư, cách làm của Ban Quản lý dự án KCNC và giá đền bù chưa được sự đồng tình của nhiều hộ dân; áp lực vốn đầu tư quá lớn, một số công trình không qua đấu thầu... Liên quan đến dự án này, đã có đến 782 đơn thư khiếu nại, kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng và hiện vẫn còn gần 300 đơn chưa được giải quyết, chủ yếu là khiếu nại về giá đền bù đất, vật kiến trúc; tính thiếu diện tích đất, cây trồng... khi áp giá đền bù, giải tỏa. Một hộ dân phát biểu: "Không chỉ giải tỏa bớt áp lực về vốn ngân sách nhà nước, việc cho phép hộ dân có đất bị thu hồi nằm trong dự án tham gia góp vốn vào một số dự án, như khu nhà ở cho chuyên gia chẳng hạn, cũng sẽ giúp ổn định tâm lý hơn cho người dân bị giải tỏa, hạn chế được tình trạng khiếu kiện kéo dài, phù hợp với chủ trương của Nhà nước hiện nay. Phần người dân chúng tôi sẵn sàng tham gia góp vốn đầu tư để góp phần giảm bớt khó khăn cho Nhà nước". Khi dự cuộc họp với các ngành nói trên đại diện một hộ khác đã nêu vấn đề "nếu chủ trương duy nhất của KCNC là đưa dân ra khỏi diện tích đất này hay mục tiêu là xây dựng KCNC để phát triển kinh tế. Nếu mục tiêu duy nhất là đẩy dân ra khỏi diện tích đất của họ thì chúng tôi không bàn, nhưng mà để xây dựng kinh tế qua KCNC thì chúng tôi dư sức cùng với Nhà nước để làm. Sao lại kêu gọi ở những nơi khác mà không kêu gọi ngay người dân chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng. Hay là có khuất tất gì ở đây ? Tại sao không thực hiện khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra để hình thành một KCNC, nhất là những khu vực không phải là sản xuất. KCNC ở thế hệ mới không nhất thiết phải dồn lại một khu vực tập trung quá nhiều đất đai của dân, đụng chạm đến đời sống hàng nghìn hộ dân mà không có bất cứ một sự giải thích hay bàn bạc nào với người dân ở đây. Theo kinh nghiệm các nước, KCNC đều có thể xen lẫn với khu dân cư là rất lợi, chứ không phải buộc phải tách biệt".

Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, dự kiến trong đầu tuần tới, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ làm việc với các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý dự án KCNC để giải quyết các kiến nghị của người dân.

Minh Đức

Trích kiến nghị của Văn phòng Tiếp dân gửi UBND TP Hồ Chí Minh:

2.2 Đối với phản ánh chính quyền và Ban Quản lý dự án không gần dân, phương cách làm việc và tiếp cận với dân nhiều sai sót dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chậm: kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân quận 9 tổ chức kiểm điểm, báo cáo với Ủy ban Nhân dân thành phố để trả lời cho dân.

2.4 Đối với phản ánh về quy hoạch chi tiết KCNC: kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án KCNC phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận 9 công bố rộng rãi và kiên trì giải thích cho dân thông suốt.

2.5 Đối với đề nghị cho phép dân được tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để đầu tư theo từng dự án cụ thể của Dự án KCNC: kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án KCNC rà soát, xem xét từng loại dự án cụ thể, đề xuất giải pháp, có thể cho phép các hộ dân, tổ chức cá nhân có đất bị thu hồi góp vốn đầu tư theo chính sách hiện hành để giảm bớt áp lực đối với ngân sách nhà nước.

2.7 Đối với phản ánh công tác kiểm kê, đo đạc, thời gian công bố quyết định thu hồi đất và trình tự thực hiện kiểm kê, bồi thường chưa đúng: kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố giao cho Ủy ban Nhân dân quận 9 rà soát cụ thể những trường hợp Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện việc kiểm kê, giải tỏa, bồi thường không đúng trình tự quy định trả lời cho dân và báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố.

2.12 Đối với phản ánh Ban Quản lý dự án KCNC và chính quyền địa phương cho xe ủi sập nhà bà Trương Thị Yến, ông Nguyễn Cao Trí, tháo dỡ chuồng heo của hộ đạo diễn Hai Nhứt và phản ánh việc cúp nước, điện, điện thoại, không duy tu đường sá, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 bắt các hộ dân đeo bảng, mang số để chụp hình: kiến nghị giao Ủy ban Nhân dân quận 9 kiểm tra, báo cáo toàn bộ các nội vụ cho Ủy ban Nhân dân thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.