Đua xe mô hình

02/09/2012 03:25 GMT+7

Đây là sân chơi của Câu lạc bộ BKIT Hardware, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thu hút 50 đội, nhóm sinh viên (SV) đến từ các trường ĐH-CĐ tham gia, mang lại nhiều bất ngờ và thú vị cho bạn trẻ.

Tống Đăng Khoa, SV Trường ĐH Hoa Sen, tâm sự: “Mỗi lần đặt chiếc xe vào đường đua rồi thấy nó lướt mượt mà trên cung đường mô hình ngoằn ngoèo thật sung sướng làm sao. Lúc đó mình có cảm giác như bao khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống tan biến”.

 Sinh viên tham gia cuộc thi tại Câu lạc bộ BKIT Hardware
Sinh viên tham gia cuộc thi tại Câu lạc bộ BKIT Hardware - Ảnh: Lê Thanh

Đây không chỉ là sân chơi để giải trí mà còn là dịp để các bạn trẻ thử sức chế tạo ra những sản phẩm trong lĩnh vực vi điều khiển. Võ Hải Thông, SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Những người tham gia luôn tập trung xem chiếc xe của mình trình diễn như thế nào trên đường đua, vì phần lớn xe dự thi do các bạn tự mày mò chế tạo. Cứ sau một vòng đua, người chơi sẽ nhận ra chiếc xe của mình còn những hạn chế, khiếm khuyết ở chỗ nào để bổ sung, khắc phục cho nó hoàn thiện hơn. Mà khi khắc phục được rồi thì coi như trình độ trong lĩnh vực điều khiển tự động của mình được nâng lên một bậc. Đó là những trải nghiệm thực tế vô cùng bổ ích đối với SV”.

Nguyễn Huỳnh Duy Anh, SV Trường ĐH Việt Đức, thì bộc bạch: “Đây là sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ, nhất là những bạn đang theo học ở các ngành điện tử, công nghệ, lập trình…”. Duy Anh cho biết thêm: “Lần đầu tiên tham gia, mình đã bị “hút hồn” bởi những chiếc xe nhỏ nhắn nhưng rất dễ thương do chính các SV làm. Thông qua CLB này, mình có điều kiện tiếp xúc, trao đổi, giao lưu với những người am hiểu trong lĩnh vực vi điều khiển để có thể chế tạo ra một chiếc xe hoàn chỉnh chinh phục trên đường đua, điều mà trước đây mình chưa hề dám nghĩ tới”. Còn Nguyễn Minh Hùng, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Trước đây, mình cứ nghĩ lĩnh vực điều khiển tự động là một cái gì cao siêu và xa xôi lắm, nhưng khi tham gia rồi mới thấy thật thú vị và tất cả mọi thứ đều có thể làm được nếu mình chịu khó nghiên cứu và học hỏi. Điều quan trọng là phải có lòng quyết tâm và đam mê thật sự”.

Không muốn dừng lại chỉ có một số trường tham gia như hiện nay, anh Phan Đình Thế Duy, Chủ nhiệm CLB Bkit, chia sẻ: “Mình muốn nhân rộng mô hình này đến nhiều trường và kể cả ở trường THPT để các em có cơ hội trải nghiệm thực tế, từ đó kích thích và gieo niềm đam mê cho giới trẻ nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực vi điều khiển. Người trẻ Việt Nam nhìn chung rất giỏi nhưng hay ngại thử sức. Mà tâm lý lo sợ là một rào cản rất lớn cho sự phát triển ở hầu hết các lĩnh vực”.  

Không dễ thắng

Kỹ sư Nguyễn Duy Xuân Bách, Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, đây là cuộc đua hoàn toàn tự động, người chơi phải lập trình sẵn cho chiếc xe của mình trước khi đặt vào đường đua và không được tác động vào xe trong quá trình đua. Tất cả các đội tham gia cuộc thi phải trải qua 6 vòng đua. Đội chiến thắng mỗi vòng (xe chạy cùng quãng đường nhưng ít thời gian nhất) sẽ được 25 điểm, về nhì 22 điểm và về ba 20 điểm. Sau 6 vòng đua, đội nào đạt điểm cao nhất sẽ vô địch. Đường đua được thiết kế theo dạng hình các chữ cái như: P, K, H, S, I... nên muốn xe vượt qua những đường đua này và chiến thắng, người chơi phải “siêu” trong việc lập trình.

Lê Thanh

>> Hào hứng với cuộc thi robot
>> Trao giải cuộc thi khoảnh khắc tình nguyện
>> Khởi động cuộc thi “Cùng PETRONAS khám phá thế giới” 2012
>> Nghi vấn về cuộc thi "Tôi tài năng
>> VN vô địch tại cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
>> Cuộc thi bảo vệ loài voọc
>> Chung kết cuộc thi SIFE Việt Nam
>> Cuộc thi Giao thông thông minh
>> Đặng Thái Hoàng vô địch cuộc thi Oympia lần thứ 12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.