'Ngao Sò Ốc Hến' - Gian nan mới có tiếng cười

12/04/2014 08:30 GMT+7

(TNTS) Từ 1982 cho suốt đến 6 năm sau đó, cả khu vực phía nam tưng bừng tiếng cười với một vở cải lương hài mà cho đến bây giờ chắc chưa có vở nào thay thế nổi: Ngao Sò Ốc Hến. Tiếng cười châm biếm và cái duyên dáng lạ lùng đã chinh phục khán giả suốt từ thành thị tới thôn quê...

'Ngao Sò Ốc Hến' - Gian nan mới có tiếng cười 1
NSƯT Thanh Điền (vai quan huyện) và NSƯT Thanh Kim Huệ (vai Thị Hến) trong trích đoạn Ngao Sò Ốc Hến

Cười khắp miền nam

Tôi nhớ, lúc đó tôi còn ở trong một vùng quê miền Tây xa xôi, cả xóm xúm lại coi ti vi đầy nhà, vui như ngày hội. Mà cái vở Ngao Sò Ốc Hến cứ phát đi phát lại liên tục, có tháng phát tới mấy lần, khán giả coi hoài nhưng vẫn cười hoài, cười như bắp rang, cười đau cả bụng, cười không biết chán. Và tiếng cười đó lan khắp miền Nam, ký ức của dân nam hầu như đều có bóng dáng dễ thương của cô Hến, Trùm Sò, quan huyện, chàng Ốc, thầy đề...Sau này mới biết, trước khi thu lên truyền hình thì Ngao Sò Ốc Hến đã “quậy tưng” sân khấu Sài Gòn, mỗi tuần diễn 7 suất, tính ra trong 6 năm diễn khoảng 1.500 suất, theo lời NSƯT Thanh Điền. Điều lạ là sau khi phát sóng truyền hình cứ tưởng chắc hết bán vé được nữa, ai ngờ truyền hình như “quảng cáo” giùm, khi đoàn hát xuống tỉnh thì sân vận động 5.000 người đông nghẹt, khán giả càng thích xem trực tiếp mặt mũi nghệ sĩ, coi “đã” hơn coi ti vi. Có lúc quan huyện- Thanh Điền đang diễn thấy bà con chen chúc xô đẩy quá phải lên tiếng: “Thưa bà con, quan huyện tui xin bà con giữ trật tự, nếu không quan huyện không hát được”. Không ngờ khán giả “nhập tâm”, cứ nghĩ đây là quan huyện thật, nên nói rân lên: “Quan huyện biểu trật tự kìa!”. Thế là trật tự.

Rõ ràng Ngao Sò Ốc Hến khuấy động đời sống văn hóa của người ta, và các nhân vật trở thành biểu tượng phổ biến. Chẳng hạn, ai keo kiệt thì bị chửi: “Đồ trùm sò”. Ai đẹp đẹp mà lẳng lơ thì nói: “Đồ thị Hến”. Ai có máu dê thì gán cho hai chữ “thầy đề”. Còn hiền hiền chân chất thì đặt luôn biệt danh “chàng Ốc”. Còn ai đi “đêm” thì bị bạn bè chọc là “đi khám điền thổ”. Mãi cho đến bây giờ, những nhân vật ấy vẫn còn sức sống, và cặp vợ chồng Thanh Điền - Thanh Kim Huệ vẫn đi hát trích đoạn Ngao Sò Ốc Hến khắp các chương trình trong nước lẫn ngoài nước. Thanh Điền nói: “Kỳ lạ thật, khán giả và bầu sô cứ yêu cầu đóng trích đoạn đó. Có lần tôi đi Mỹ 3 tháng mà cũng diễn suốt 3 tháng đúng một trích đoạn”. Thực sự đã có thêm vài bản dựng khác do các nghệ sĩ nổi tiếng khác đóng, nhưng khán giả vẫn yêu thích nhất bản dựng đầu tiên, để Ngao Sò Ốc Hến trở thành một ký ức tuyệt đẹp.

'Ngao Sò Ốc Hến' - Gian nan mới có tiếng cười 2

'Ngao Sò Ốc Hến' - Gian nan mới có tiếng cười 3
Minh Nhí (trái,vai thầy lý), Anh Vũ (vai thầy Đề) trong vở Ngao Sò Ốc Hến tại sân khấu kịch Phú Nhuận - Ảnh: Minh Châu

Lớp trẻ bạo gan

Có ai biết rằng để có được vở diễn dễ thương ấy thì những nghệ sĩ trẻ đã phải sáng tạo và đấu tranh một cách quyết liệt. Nguyên bản là một vở tuồng dân gian, được NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) chuyển thể cải lương, và NSND Ba Vân dựng cho đoàn cải lương tập thể Sài Gòn 1. Ban đầu nghệ sĩ Thành Được đóng vai quan huyện, Phượng Liên đóng Thị Hến, nhưng sau một số suất diễn thì bị ngưng vì một lý do tế nhị nào đó. Đến khi Thành Được, Phượng Liên rời đoàn Sài Gòn 1 thì Thanh Điền - Thanh Kim Huệ từ đoàn Sài Gòn 3 được điều về thay. Thanh Điền lúc đó cũng viết được một số chập cải lương hài ngắn, ông Võ Văn Kiệt có đi xem, thích lắm. Ông vốn thích hài nên bảo đoàn Sài Gòn 1 “dựng thêm cái gì vui vui đi!”. Trưởng đoàn thỏ thẻ: “Anh Sáu nói với Sở Văn hóa cho tụi em diễn lại Ngao Sò Ốc Hến nghen!”. Ông Võ Văn Kiệt gật đầu. Thế là anh em hồ hởi tập tuồng. Lúc đó đoàn đang ở miền Trung, nên khai trương vở diễn tại Cam Ranh. Nhưng, diễn cả đêm mà khán giả...im re, không ai cười gì hết. Diễn hài mà người ta không cười quả là đau khổ cho nghệ sĩ! Thực tế, đạo diễn và hội đồng nghệ thuật của đoàn đã thống nhất định hướng là vở châm biếm nhưng phải nghiêm túc, nghệ sĩ cứ thế mà làm, dù lúc ấy đoàn có những danh hài và những cây đa cây đề như Trường Xuân, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, hề Minh... Kết quả mới là chứng minh thuyết phục nhất, mà khán giả không cười thì làm sao ra được chất hài của một tuồng tích dân gian nổi tiếng?

Thanh Điền buồn quá, diễn xong đã gần 12 giờ đêm nhưng anh không ngủ được mà lang thang ra bãi biển ngồi ủ rũ. Giang Châu đi ăn cháo khuya về thấy vậy hỏi thăm. Thanh Điền tâm sự: “Tụi mình phải làm cái gì khác hơn, chớ kiểu này là chết! Chắc tao phải quậy lên quá!”. Giang Châu hưởng ứng liền. Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu lúc ấy mới độ tuổi 30 sung sức, nên cái máu liều, máu nghề còn sùng sục. Cả ba người lén lén bàn nhau cách “quậy”. Thanh Kim Huệ phải tập cách ca vuốt chữ lên cho nó lẳng, và đi ẹo ẹo hẳn lên. Còn Giang Châu lấy hơi éo éo rất đặc biệt của Trùm Sò. Thanh Điền thì thêm thoại, thêm chi tiết tùm lum vô. Sân khấu mở màn, cả ba người “tung chiêu” bất ngờ, cả đoàn không ai đỡ nổi, còn khán giả thì vỗ tay rần rần. Hai anh kép trẻ và cô đào trẻ hí ha hí hửng thiếu điều muốn nhảy sập sàn gỗ.

Sáng ra, cả ba được mời đi họp. Chắc mẩm là được khen. Nhưng không, họp để... kiểm điểm. Hội đồng nghệ thuật không đồng ý cách diễn đó, bảo là phá tuồng, phải chấm dứt ngay. Ba nghệ sĩ trẻ ừ ờ cho xong họp, nhưng tối đến lại diễn y chang, thậm chí càng thêm mảng miếng, khán giả càng cười rần rần. Thế là sáng hôm sau lại họp... kiểm điểm. Thanh Điền nhớ lại: “Sao hồi đó tôi lì dữ vậy! Ai nói gì nói, tôi cứ ừ ừ, rồi cứ diễn. Vì tôi thấy tôi không làm sai. Dù có tung tẩy thêm nhưng chúng tôi vẫn giữ được sự tử tế, sạch sẽ cho kịch bản, đâu có diễn dơ, nói bậy. Đêm nào vé cũng bán com-lê hết trơn, mà cứ họp kiểm điểm suốt 3 tháng trời như vậy. Đêm thì diễn khuya mà sáng 9 giờ phải vô họp, sức đâu chịu nổi. Cuối cùng tôi nổi khùng lên, kêu bà xã Thanh Kim Huệ không thèm đi họp nữa, để một mình tôi đi thôi. Tôi nói thẳng, vợ chồng tôi xin nghỉ hát. Thế là cả đoàn nhao nhao lên. Bởi vở đang ăn khách, nếu nghỉ là đụng đến nồi cơm của diễn viên”.

Một số nghệ sĩ trụ cột bắt đầu phấn khởi theo nhóm trẻ, tung mảng miếng ra thêm, mỗi ngày một ít đắp dần vô để cuối cùng mới có bản dựng mà khán giả thưởng thức trên truyền hình. Những tài năng ấy đã làm nên những nhân vật từ chính tới phụ đều đầy đặn, hấp dẫn, đồng bộ cả một tập thể, đến nỗi Thanh Điền nói: “Sau này không có anh Tám Lắm đóng vai Lệ Bát, hoặc không có  Giang Châu đóng Trùm Sò tôi cũng không diễn được. Anh Nam Hùng vai thầy đề, anh Trường Xuân vai thầy bói Ngao, Hoàng Ấn vai Ốc, Kiều Trúc Phượng vai Cua... đều đẹp và giỏi đến từng chi tiết nhỏ”. Và Thanh Điền cảm ơn tổ nghiệp đã cho vợ chồng anh một vai diễn để đời như thế, biết bao giờ mới có được lần nữa.

Và cũng biết bao giờ cải lương có được một vở hài đúng nghĩa như thế. Châm biếm sâu cay nạn tham nhũng, hối lộ, gái gú, hà hiếp người dân, nhưng vẫn ngọt ngào, duyên dáng. Kịch bản cải lương hài đâu phải dễ viết, cho nên Ngao Sò Ốc Hến mãi là một tiếng cười rất đẹp.

Hoàng Kim

>> Xem “Ngao Sò Ốc Hến” tại... quán cafe
>> NSƯT Thanh Điền - NSƯT Thanh Kim Huệ: Đồng vợ đồng chồng... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.