Doanh nghiệp và lợi ích từ hoạt động Đoàn

22/12/2011 00:16 GMT+7

Chiều 21.12, thanh niên hai nước Việt - Trung đã có buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thành lập tổ chức Đoàn trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Chiều 21.12, thanh niên hai nước Việt - Trung đã có buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thành lập tổ chức Đoàn trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung lần thứ XII” diễn ra từ ngày 18 - 25.12.2011.

Phó trưởng ban, Ban Thanh niên công nhân và đô thị, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định sự quan trọng của bộ phận doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong việc giải quyết việc làm cho thanh niên, phát triển cơ sở hạ tầng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đời sống công nhân làm việc trong khu vực này còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, khu chế xuất có tổ chức Đoàn đã phát huy tốt vai trò tập hợp, chăm lo, hỗ trợ cho thanh niên công nhân với nhiều mô hình triển khai rộng rãi, có hiệu quả cao như: tổ chức lễ cưới tập thể, ngày hội thanh niên công nhân, mô hình lưu trú công nhân, các câu lạc bộ văn nghệ thể thao…

 
Đại biểu Việt Nam phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Ngọc Thắng

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại Vân Nam (Trung Quốc), Phó bí thư Tỉnh đoàn Vân Nam Dương Kim Oanh cho rằng, bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, tổ chức Đoàn cần nắm vững hệ thống tổ chức, nét đặc thù của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp để có hoạt động phù hợp. Theo Phó bí thư Oanh, để thành lập tổ chức Đoàn ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh, yếu tố quan trọng nhất là nhận thức, sự ủng hộ từ phía chủ doanh nghiệp. Khi thiết kế hoạt động Đoàn cần gắn kết với việc xây dựng tình đoàn kết trong công nhân, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp sẽ khuyến khích chủ doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn.

Đồng tình với ý kiến này, Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam TP.Hà Nội, anh Nguyễn Sỹ Trường cũng phản ánh, khó khăn thành lập tổ chức Đoàn có nguyên nhân chủ yếu là chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích công tác Đoàn mang lại cho doanh nghiệp, chỉ nhìn nhận ở góc độ mất thời gian, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu Đoàn có hoạt động tốt, công nhân có điều kiện phát huy năng lực bản thân thì sẽ giúp họ gắn bó hơn với doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, giảm tình trạng đình công.

Chia sẻ về lợi ích được thụ hưởng từ công tác Đoàn mang lại cho công nhân và sự phát triển của công ty, đại biểu Trần Hân Ủy - giám đốc một công ty tư nhân trong ngành may mặc tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) - cho rằng: “Nếu tìm thấy lợi ích tương đồng cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động thông qua các hoạt động thiết thực, sẽ dễ vận động, thuyết phục thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp”.

Kinh nghiệm trong phong trào thanh niên

Bí thư Đoàn xã Tam Hà, huyện Phì Tây, tỉnh An Huy, Trung Quốc Lộc Tài Cầm cho rằng, kinh phí luôn là nhân tố lớn hạn chế triển khai các hoạt động, vì vậy tổ chức Đoàn của xã Tam Hà đã thực hiện gây quỹ cho các hoạt động bằng 3 hình thức, như tranh thủ sự ủng hộ của Đảng, tranh thủ sự ủng hộ của xã hội thông qua việc Đoàn tổ chức hàng loạt các hoạt động văn hóa nghệ thuật của thanh niên; thông qua hiệp hội thương mại để gây vốn cho các hoạt động trợ giúp thanh niên nghèo; hỗ trợ con cái những thanh niên phải đi làm ăn xa nhà…

 Ngoài ra, Đoàn xã Tam Hà còn xây dựng 3 mũi nhọn trong phụ trách phong trào thanh niên, từ việc chỉ đạo hoạt động lập nghiệp, thành lập một đoàn biểu diễn kịch bản địa đến thành lập đội ngũ thanh niên tình nguyện để giúp đỡ thanh niên nông thôn vừa làm kinh tế giỏi, giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa, vừa xung kích đi đầu trong những lĩnh vực khó khăn cần sự trợ giúp của tổ chức Đoàn.

Bảo Cầm - Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.