Sĩ Hoàng dồn sức cho “Nhà hát áo dài”

10/12/2006 15:39 GMT+7

Không còn là ấp ủ nữa mà nhà thiết kế Sĩ Hoàng đang bắt tay vào thực hiện dự án “Nhà hát áo dài” như trong câu chuyện của anh với chúng tôi.

* Tại sao lại có dự án này?

- Trong nghề thiết kế, nói thì chẳng khác nào tôi đã tự bằng lòng với mình nhưng tôi nghĩ mình đã lên đến đỉnh một quả đồi rồi, nếu có đi tới hay lui cũng sẽ là thấp hơn điểm mình đang đứng. Và tôi quyết định... leo xuống quả đồi này để bắt đầu leo lên một quả đồi mới.

Quả đồi đó là thực hiện dự án nhà hát, bảo tàng, thư viện về văn hóa dân tộc, cụ thể là về trang phục VN, với một mảng chính là trang phục áo dài của người Việt cộng với trang phục của các dân tộc thiểu số. Tôi muốn ở nhà hát này trang phục áo dài được nâng lên thành tác phẩm nghệ thuật.

* Sao lại là “nhà hát” chứ không phải “bảo tàng”?

- Nghe tên bảo tàng thì người Việt không mấy hào hứng, nghe nhà hát mới có nhiều người kéo đến, nhất là giới trẻ. Trong nhà hát này sẽ có một khu trưng bày lớn để cho khách tham quan, đặc biệt là người nước ngoài, có thể đến xem sau đó mới vào nghe hát. Như vậy sẽ rất tốt để quảng bá văn hóa dân tộc, bởi sau khi xem trưng bày kỹ lưỡng họ sẽ hiểu hơn về văn hóa VN, bước vào xem hát với một tâm thế hiểu sâu sắc chứ không chỉ là tò mò, háo hức cái mới lạ.

Khu này cũng có thư viện giúp các bạn sinh viên học sinh đến trao đổi, học hỏi tìm hiểu. Qui mô xây dựng của dự án tối đa là 10ha và tối thiểu là 3ha. Nếu với qui mô 10ha thì bao quanh nhà hát sẽ là một rừng tre, loài cây biểu tượng cho tâm hồn và cốt cách người Việt. Công trình này sẽ được xây dựng tại TP.HCM.

* Kiến trúc của nhà hát này?

- Kiến trúc được chọn thuần Việt, dựa trên hình mẫu của nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại nội Huế. Chúng tôi còn sử dụng những thiết bị hiện đại nhất của nước ngoài cho phần âm thanh, ánh sáng, dàn dựng ngoại cảnh của sân khấu để đảm bảo tính chuyên nghiệp và thu hút được khách tham quan. Tất nhiên những yếu tố cổ truyền được giữ nguyên mẫu, bởi đây là một nhà hát gắn với bảo tàng mà công tác bảo tàng là phải chính xác, giữ nguyên hiện vật.

Để có sức thuyết phục cho dự án mình viết ra, tôi đã mở ra một mô hình mẫu của dự án là quán trà Một Thời. Đây là một không gian thuần Việt, đã được biết đến và đón rất nhiều quan chức ngoại giao trong và ngoài nước lui tới. Tại đây còn có những chương trình biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân tộc.

* Sẽ có người cho rằng dự án này nhằm mục tiêu thương mại nhiều hơn...


Một mẫu thiết kế của Sĩ Hoàng - Ảnh: TTCT
- Tôi biết mình đang làm gì, với mục đích gì và cho ai. Tất nhiên dự án này phải có tính khả thi về mặt kinh tế.

* Anh nói áo dài đã trở thành tác phẩm nghệ thuật rồi chứ không còn là vật dụng đơn thuần nữa. Đó có phải là xu hướng mới trong việc sử dụng tà áo dài của thời trang VN?

- Theo tiến trình phát triển của lịch sử, bất cứ vật dụng nào lúc đầu mới phát minh ra cũng chỉ mang tính ứng dụng. Dần dà, tính mỹ thuật được nâng lên. Đến lúc nào đó áo dài sẽ là sự kết hợp giữa tính nghệ thuật và tính ứng dụng ở trình độ cao. Lúc này nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật nhưng vẫn là vật dụng cao cấp.

* Anh có nghĩ công chúng sẽ cảm thấy đơn điệu, nhàm chán với áo dài, còn anh thì dễ lặp lại chính mình qua dự án “Nhà hát áo dài”?

- Áo dài là văn hóa Việt, nó không chỉ là cảm hứng trong thời trang mà còn là cảm hứng cho thơ ca, nhạc họa, điện ảnh. Chúng ta mê Hàn Quốc qua các bộ phim của họ thì giờ đây khán giả Hàn Quốc cũng đang mê VN qua chiếc áo dài mà bộ phim Áo lụa Hà Đông đã chứng minh điều đó. Như vậy vấn đề là bản thân mình có đủ lực đủ tài khai thác nó hay không chứ tà áo dài không bao giờ đơn điệu.

* Có nhiều nhà thiết kế đã khai thác chiếc áo dài với những phá cách đôi khi lại mang đến phản cảm. Theo anh, sự phá cách đến độ nào là vừa phải?

- Tôi nghĩ khi sáng tạo cái mới phải tìm hiểu tới nơi tới chốn. Ví dụ như không thể lấy cảm hứng từ chiếc yếm thắm để tạo chiếc áo dài yếm và đem trình diễn trong các lễ hội. Dù có đẹp đến mấy, yếm cũng chỉ là cái áo lót mà thôi. Các cụ ngày xưa không ai cho phép mặc áo lót vào lễ hội cả.

Táo bạo là điều cần thiết trong thiết kế, vấn đề ở đây là táo bạo ở đâu cho đúng. Ví như chiếc áo yếm được giới thiệu ở một không gian khác thì lại là sự táo bạo đáng trân trọng. Cũng vậy thôi, trong cuộc sống ngày nay chúng ta thường thấy các cô mặc áo hai dây quần short rất hở hang, nhưng nếu các cô mặc như thế trên bãi biển, ngồi hóng mát sau khi tắm xong thì thật là đẹp. Các cô mặc như vậy đến công sở hay đi ăn giỗ thì sự lựa chọn đó là sai, sai thời điểm, sai nơi chốn và sai đối tượng các cô ấy tiếp xúc.

Làm gì thì làm, phá cách đến đâu đi nữa chúng ta vẫn phải giữ được thần thái, cốt cách của áo dài.

* Trong thời trang, sự sáng tạo có gần với sự nổi loạn? Thầy giáo, nhà tạo mẫu, doanh nhân Sĩ Hoàng gắn với sự nổi loạn nào?

- Không “điên” thì không sáng tạo được. “Điên” ở đây không có nghĩa là điên loạn, điên khùng mà là sự thăng hoa. Tôi cũng “nổi loạn” chứ. Ví dụ, trong bộ sưu tập trình diễn phục vụ Hội nghị cấp cao APEC vừa qua, bộ sưu tập “Hội nhập” của tôi mang tính mở, ai cũng có thể mặc được. Phần thân trên tôi để cho người ta thoải mái muốn mặc gì thì mặc, vì người nước ngoài thường khó chịu khi mặc áo dài bị ôm sát thân trên. Thân dưới được may liền với quần. Đây là một phá cách nhưng nhìn vào ai cũng sẽ nhận ra đó là áo dài Việt!

* Xin cảm ơn anh.

(Theo TTCT)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.