Bí mật chiến dịch Linebacker II

14/12/2007 23:54 GMT+7

Chiến dịch Linebacker II là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu của Tổng thống R.Nixon, cố vấn H.Kissinger và chính phủ Mỹ.

Kỳ 3: Người mang "bom" đến Paris

Trong những ngày cuối cùng trước khi đưa B.52 mang bom tàn phá Hà Nội, Tổng thống Nixon đã yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Ellsworth Bunker và Cố vấn an ninh H.Kissinger liên tục chuyển những thông điệp yêu cầu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu phải chấp nhận những điều khoản của dự thảo Hiệp định tháng 10.1972. Những động thái này của Nixon nhằm cho thế giới thấy rằng Nhà Trắng rất có thiện chí với Hiệp định, thậm chí đã phải ép Sài Gòn ký kết Hiệp định và nếu có "chuyện gì" sau này thì đó là do lỗi của phía Sài Gòn và Hà Nội. Trên thực tế, chiến dịch Linebacker đã được chuẩn bị trong nhiều tháng trước đó.

Ngày 1.5.1972, sau khi nghe tin thị xã Quảng Trị thất thủ, Tổng thống Nixon đã có cuộc hội đàm gấp với Kissinger và tướng A.Haig để bàn về những biện pháp quân sự đáp trả Hà Nội nhằm cứu nguy cho quân đội VNCH đang tháo chạy ở miền Trung. Trong cuộc họp này đã có ba giải pháp được đưa ra, gồm việc ném bom, phong tỏa miền Bắc, phá vỡ các đê điều hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Cuối cùng, Nixon và Kissinger thống nhất với kế hoạch sẽ mở rộng ném bom miền Bắc và trước mắt là phá hủy toàn bộ Hải Phòng. Thậm chí, Nixon còn tuyên bố: "Sau cuộc bầu cử, tôi sẽ có những hành động dữ dội. Tôi sẽ ném bom và phong tỏa chúng". Đến ngày 9.5.1972, Tổng thống Nixon đã ra lệnh triển khai chiến dịch Linebacker (sau này được gọi là Linebachker I) để leo thang, ném bom phá hoại miền Bắc. Mục tiêu chính trong các trận oanh tạc của chiến dịch này là nhằm phá hoại hệ thống hậu cần và gây sức ép tâm lý với miền Bắc.

Trước khi người dân Mỹ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 38, ông Lê Đức Thọ đã có báo cáo gửi Bộ Chính trị nhấn mạnh rằng nhiều khả năng Nixon sẽ trúng cử nhiệm kỳ 2, nếu vậy, sẽ có rất nhiều khó khăn với tiến trình đàm phán Hiệp định Paris của ta. Ngày 7.11.1972, Nixon tái đắc cử tổng thống, nhưng tình hình nước Mỹ lại rất không thuận lợi: Thượng viện đã gây sức ép Nixon phải kết thúc sớm cuộc chiến tranh Việt Nam vì vấn đề ngân sách. Phe Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội đều nhận thức được chính quyền Sài Gòn là trở ngại chính đối với việc ký kết Hiệp định giữa Mỹ và ta. Tình hình hết sức khó khăn vì thái độ của Thiệu, nhưng nếu Mỹ "phớt lờ" Thiệu để ký Hiệp định với ta thì phái diều hâu trong các cơ quan hoạch định chính sách sẽ khó lòng chấp nhận chuyện này, các nước đồng minh khác sẽ nhìn nhận đây là một "sự phản bội" của Mỹ với đồng minh, ảnh hưởng xấu đến vai trò của Mỹ. Do vậy, giải pháp xem xét lại Hiệp định tháng 10 sẽ là một lựa chọn hợp lý với Nixon bởi điều này vừa xoa dịu được phản đối của Thiệu, thanh minh với nhân dân Mỹ về việc đã bỏ những thỏa thuận với Hà Nội. Đây cũng là một cái cớ hợp lý để Nixon thực hiện lời đe dọa với miền Bắc hồi tháng 4.1972 rằng: "Chúng ta sẽ không vừa rút ra vừa khóc thầm. Chúng ta sẽ làm nổ tan tành quân khốn kiếp".

Sau khi Nixon tái đắc cử, ta và Mỹ đã có kế hoạch sẽ tiếp tục tiến hành đàm phán Hiệp định Paris phán tiếp vào 3 vòng: vòng 1 từ 20.11 - 25.11.1972, vòng 2 từ 4.12 - 13.12 và vòng cuối từ 1.1 - 8.1.1973. Trong vòng đàm phán đầu, phía Mỹ đưa ra những yêu cầu trái ngược với bản dự thảo Hiệp định tháng 10, đó là yêu cầu miền Bắc rút quân đội, không có điều khoản về phóng thích tù nhân và bỏ điều khoản về một chính phủ 3 thành phần. Đây là những điều mà ta không thể chấp nhận. Thậm chí trong vòng đàm phán lần 2 này, trên danh nghĩa gửi thư cho Kissinger, Nixon đã gửi một thông điệp cho phái đoàn ta tại Paris với những lời lẽ đe dọa về một cuộc oanh tạc dữ dội sắp tới nếu ta không đồng ý: "Tôi sẽ chỉ thị cho ông làm gián đoạn các cuộc đàm phán và chúng ta sẽ phải tiến hành các hoạt động quân sự trở lại cho tới khi nào phía bên kia sẵn sàng đàm phán". Đây là một hành động hiếm khi xảy ra trong các cuộc đàm phán quốc tế - đàm phán là đàm phán, không có đe dọa trong khi đàm phán.

Tại vòng đàm phán tháng 12.1972, cho đến thời điểm này, một số quan chức Mỹ vẫn cho rằng phái đoàn đại diện ta tại Paris đã bỏ vòng đàm phán này khi bất đồng giữa hai bên không giải quyết được; hoặc như Kissinger nói, Bắc Việt đã "không khoan nhượng", cố tình trì hoãn đàm phán để chia rẽ Washington với Sài Gòn và tìm kiếm sự ủng hộ từ phiên họp đầu tháng 1 của Thượng viện Mỹ? Nhưng theo cuốn Hồ sơ chiến tranh Việt Nam của nhà báo Mỹ J.Kimball thì thực tế không phải như vậy: Tại vòng đàm phán lần 2, hai bên đã đạt được tiến bộ nhiều hơn so với lần đàm phán trước và chỉ còn vướng mắc bởi hai vấn đề là việc ký kết các văn bản và khu phi quân sự. Tuy nhiên, Kissinger và Nixon vẫn âm thầm tìm cách để phá vỡ vòng đàm phán này để đổ lỗi cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến ngày 12.12, ông Lê Đức Thọ thông báo cho phía đoàn Mỹ biết rằng ông sẽ về Hà Nội để báo cáo và xin phép ý kiến của Bộ Chính trị. Ngày 13.12, Kissinger đề nghị tạm ngưng vòng đàm phán này cho đến sau lễ Noel. Trước khi về Hà Nội, ông Lê Đức Thọ đã nói với Kissinger rằng Hà Nội và Washington nên trao đổi thêm và tỏ ý tin tưởng rằng hai bên sẽ thu xếp ổn thỏa những vấn đề còn lại.

Ngay khi vòng đàm phán lần 2 bị tạm ngưng, trong bức điện mật gửi từ Paris về cho Nixon, Kissinger lại đề nghị giải quyết vấn đề Hiệp định theo 2 con đường. Con đường thứ nhất là sẽ "chuyển sang chơi cứng rắn" với Hà Nội và tăng cường gây sức ép rất lớn bằng ném bom và các biện pháp khác. Con đường thứ hai là tiếp tục duy trì quan hệ "bề ngoài" với Hà Nội như hiện nay, tuy nhiên nếu tới vòng đàm phán tới, Hà Nội vẫn không chấp nhận những yêu cầu của Mỹ thì sẽ chuyển sang "chơi cứng rắn". Nixon đã quyết định đi theo con đường thứ nhất với phương án tấn công quân sự Hà Nội bằng chiến dịch Linebacker II.

Lúc đầu, Kissinger đề xuất chỉ nên leo thang ném bom dưới vĩ tuyến 20, tuy nhiên Nixon, được sự cổ vũ của tướng A.Haig, đã quyết định oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng vì cho rằng: "Nếu chúng ta muốn tiến lên thì phải có một động thái quan trọng". Tổng thống Nixon còn chỉ trích Kissinger vì đề xuất có vẻ "mềm yếu" này và vị cố vấn an ninh đặc biệt Kissinger đã nhanh chóng quay lại ủng hộ chiến dịch không quân tàn phá Hà Nội. Chiều ngày 15.12.1972, tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Nixon cùng Kissinger và một số nhân vật đặc biệt quan trọng khác đã quyết định thời điểm mở chiến dịch Linebacker II để rồi chuốc lấy một thất bại không thể nào quên trong lịch sử các cuộc chiến tranh của nước Mỹ.

* Kỳ 1: Phòng thủ và phản công
* Kỳ 2: Đêm trước của lịch sử

Hiếu Lê (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.