Nỗ lực thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

19/09/2013 09:33 GMT+7

UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, để trở thành tỉnh công nghiệp và cảng biển trong tương lai.

Nỗ lực thu hút nhà đầu tư Nhật Bản

Cụm công nghiệp Đá Bạc (H. Châu Đức) khởi công để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản - ảnh Nguyễn Long

Tính từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức 5 đoàn xúc tiến đầu tư và 1 đoàn khảo sát về logistics tại Nhật Bản. Trong đó, đã tổ chức được 9 cuộc hội thảo giới thiệu các tiềm năng và nhu cầu thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vào địa bàn tỉnh; gặp gỡ, trao đổi với hơn 500 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại các tỉnh Tokyo, Osaka, Kawasaki, Yokohama, Okazaki. Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã mời và tiếp đón khoảng 130 DN Nhật Bản đến tỉnh này để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn ký kết bản ghi nhớ hợp tác với chính quyền thành phố Kawasaki; Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Công nghiệp thương mại thành phố Kawasaki để xúc tiến các hoạt động quảng bá, giới thiệu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến các DN Nhật Bản...

 

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lựa chọn KCN Phú Mỹ 3 (H.Tân Thành) để xây dựng một KCN đặc biệt dành cho các DN Nhật Bản. KCN có diện tích gần 1.000 ha, được quy hoạch thành 4 phân khu chức năng: KCN nặng, KCN đa ngành, khu cảng và logistics, khu dịch vụ tiện ích. KCN có thể đáp ứng mọi ngành nghề và quy mô sản xuất, từ công nghiệp nặng đến công nghiệp nhẹ và CNHT; đặc biệt là khu dân cư phục vụ nhu cầu của các chuyên gia, kỹ sư người Nhật.

Ông Nguyễn Phước Lễ, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Tính đến nay, Nhật Bản có 18 dự án đầu tư vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng vốn hơn 1,7 tỉ USD. Các dự án đầu tư của Nhật Bản đã tích cực triển khai xây dựng, trong có có nhiều dự án quy mô lớn đi và hoạt động. Nhiều dự án đã gắn bó gần 20 năm trong quá trình phát triển của tỉnh, góp phần cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu các sản phẩm như thép, may mặc…; giải quyết  việc làm cho lao động địa phương, tác động lan tỏa đến tích cực đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh”.

Ngoài các KCN đã có sẵn hạ tầng là KCN B1 Tiến Hùng và KCN B1 Đại Dương, mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã khởi công thi công thêm Cụm công nghiệp chuyên sâu Đá Bạc (do Công ty CP Đông Á Châu Đức làm chủ đầu tư) và KCN Phú Mỹ III (do Công ty CP Thành Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư) để phát triển ngành CNHT, kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản. “Bà Rịa – Vũng Tàu được Chính phủ giao nhiệm vụ thành lập KCN chuyên sâu về cơ khí chế tạo dành cho các DN Nhật Bản vào đầu tư. Trong thời gian qua, chúng tôi đã quy hoạch, xây dựng hạ tầng KCN chuyên sâu với nhiều phân khu khác nhau; đồng thời xây dựng quy trình thủ tục đầu tư trong lĩnh vực CNHT theo mô hình một cửa, một đầu mối; kiến nghị Chính phủ cho áp dụng các chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư…”, ông Lễ cho biết.

Để cung ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các DN Nhật Bản đến đầu tư tại địa phương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt và đang tổ chức thực hiện đề án đào tạo 1.000 lao động ngành CNHT trong 4 năm (2012 – 2015). Theo đó, trong chương trình đào tạo nghề có dạy tiếng Nhật cũng như văn hóa Nhật cho các học viên, mỗi khóa học có thời gian là 18 tháng.

Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.