Có thể xã hội hóa chỉnh trang phố cổ

09/12/2009 01:27 GMT+7

Ngày 8.12, báo cáo tại kỳ họp thứ 19 HĐND TP Hà Nội khóa XIII, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP nêu rõ: Năm 2009, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của toàn TP ước tăng 6,7% so với năm 2008. Đây là mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của cả nước (5,2%).

TP đã hoàn thành rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư giai đoạn 1; được Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai 241 dự án và đang tiếp tục rà soát giai đoạn 2 với hơn 500 dự án, đề xuất dừng và chuyển mục tiêu đầu tư 10 sân golf. Năm 2009, TP đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) 115 dự án, bàn giao 1.650 ha đất; hoàn thành phân loại và có phương án sắp xếp lại đối với 2.273 cơ sở nhà, đất của các cơ quan, doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng. Đáng chú ý, qua kiểm tra, xử lý đã phát hiện có 318 dự án với 4.055 ha đất chậm triển khai.

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, sang năm 2010 thành phố cần bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm các đối tượng chính sách, địa bàn còn nhiều khó khăn, khuyến khích sản xuất, đầu tư để giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập. TP phải gắn việc tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, ổn định chính trị, an toàn xã hội ở thủ đô. Cần tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư và địa phương, nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế để tổ chức thành công các hoạt động của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhận xét về những tồn tại, hạn chế năm 2009, UBND TP cho rằng, tuy kinh tế thủ đô đã vượt qua khó khăn, song chưa có bước đột phá mới, thiếu năng động sáng tạo, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực còn thấp, quản lý thị trường nhiều nơi bị buông lỏng, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn phổ biến, việc bảo vệ môi trường tồn tại nhiều bức xúc... Tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ tiến hành chất vấn, tập trung vào các vấn đề dân sinh xã hội bức xúc từ 130 kiến nghị của cử tri.

Bên lề kỳ họp, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về tính khả thi của dự án di dời hàng ngàn hộ dân phố cổ, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho biết: “TP đang có lộ trình nhiều năm để từng bước quy hoạch và gìn giữ di sản phố cổ và chuẩn bị những điều kiện tái định cư thuận lợi nhất cho những hộ dân di dời đợt 1 (các hộ dân đang ở trong khuôn viên các trường học, các cơ sở văn hóa, di tích hoặc công sở) để phục vụ việc tiến hành chỉnh trang phố cổ và quy hoạch phố cổ".

Ông Biền cho biết thêm: "Việc xây dựng khu tái định cư cho người phố cổ ở địa bàn quận Long Biên không có nghĩa là đồng thời với việc di dời tất cả các hộ dân trong khu phố cổ. Có thể với một số hộ chỉ là tạm dời đi, đợi chỉnh trang xong nhà mặt phố thì họ được quay lại. Việc chỉnh trang này có thể được xã hội hóa và người dân ở chính ngôi nhà đó cũng tham gia đóng góp. Vấn đề trong cùng một số nhà, có hộ dân di dời (nhà chật chội phía bên trong), có hộ dân ở lại (nhà mặt tiền) thì các hộ dân có thể thỏa thuận mua bán diện tích ở cho nhau. Sau khi có quy hoạch phố cổ, TP sẽ nghiên cứu triển khai di dời dân phố cổ đợt 2 theo hướng cũng có hộ phải di dời, cũng có hộ phải tạm di dời. Việc chỉnh trang phố cổ có thể sẽ được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và phải đảm bảo việc gìn giữ di sản phố cổ cùng việc cải tạo hạ tầng”.

Trao đổi với các nhà báo về việc các sở, ngành TP đang tiến hành kiểm tra 34 dự án các khu đô thị và khu nhà ở, Phó chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình cho biết: “Trong đợt kiểm tra đầu tiên, TP tập trung vào những khu nhà ở phục vụ di dân GPMB”.

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.