Vụ đắm tàu Hàn Quốc ở Nam Cực": Các thủy thủ VN về đến New Zealand

24/12/2010 09:18 GMT+7

* “Giờ biết chắc nó sống rồi” Lúc 22g30 (17g30 giờ VN) ngày 23-12, tàu Hàn Quốc Hong Jin 707 đưa thi thể các thủy thủ tử nạn và bảy thủy thủ VN được cứu sống từ tàu In Sung 1, bị đắm ở Nam cực, đã về đến cảng Pluff thuộc đảo Nam của New Zealand. Do điều kiện thời tiết nên tàu cập bến trễ bảy giờ so với dự kiến.

Đại sứ VN tại New Zealand Vương Hải Nam cùng với phái đoàn đã có mặt tại cảng Pluff để hỗ trợ các thủy thủ VN. Các thủy thủ được đưa đến một khách sạn nhỏ với đầy đủ tiện nghi ở thành phố Invercargill cách cảng Pluff 30km. Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, thủy thủ Nguyễn Văn Nam (quê ở Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho hay hiện sức khỏe các thủy thủ VN ổn định, dù còn hơi mệt vì phải trải qua một chặng đường dài trên biển. Trong 11 ngày trên tàu Hong Jin 707, các thủy thủ VN được cung cấp thức ăn và được chăm sóc y tế đầy đủ.

Về nguyên nhân đắm tàu, anh Nam cho biết anh cũng không thể xác định rõ. Tàu Hàn Quốc In Sung 1 rời Uruguay đến Nam cực đánh cá và lênh đênh trên biển khoảng một tháng trước khi bị đắm vào lúc 4g30 sáng 13-12. Theo lời kể của anh Nam, các anh em thủy thủ vừa mới dùng cơm xong, định mặc áo để chuẩn bị làm việc thì tàu bắt đầu nghiêng. Thuyền trưởng ra lệnh cho các thủy thủ sắp xếp đồ dùng trên tàu để tàu có thể lấy lại cân bằng. Nhưng chỉ năm phút sau tàu đã chìm.

Trên tàu có trang bị các thiết bị cứu hộ nhưng do tàu chìm quá nhanh nên một số thủy thủ không kịp mặc áo cứu hộ. Anh Nam cũng không kịp mặc áo cứu hộ nhưng may mắn cùng một số thủy thủ khác lên được một thuyền cứu sinh nhỏ của tàu In Sung 1 để đi đến tàu Hong Jin 707 ở gần đó. Anh Nam cho biết do điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt (khoảng 2OC) nên tay chân các thủy thủ hoàn toàn tê cóng. Do tàu cứu sinh được che kín hoàn toàn để tránh gió và giữ ấm, anh không nhìn thấy ba thủy thủ VN mất tích.

Trước đó vào buổi sáng, đại sứ Vương Hải Nam cùng với phái đoàn đáp chuyến bay sớm nhất đến cảng Pluff để tham dự một cuộc họp với các nhà chức trách New Zealand và đại diện sứ quán Hàn Quốc về công tác hỗ trợ các thủy thủ. Trả lời Tuổi Trẻ qua điện thoại sau cuộc họp, đại sứ Vương Hải Nam cho biết Đại sứ quán VN sẽ cấp lại hộ chiếu và giấy thông hành cho các thủy thủ VN.

Thi thể của các thủy thủ tử nạn trong đó có thi thể Nguyễn Tương (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) sẽ được bảo quản tại một bệnh viện trong thành phố. Trước mắt, các thủy thủ VN sống sót sẽ được chăm sóc và tạm thời nghỉ ngơi ở khách sạn. Phía Hàn Quốc và Công ty In Sung sẽ hỗ trợ chi phí ăn ở của các thủy thủ và thuê một máy bay Hàn Quốc để đưa các thủy thủ từ New Zealand về Hàn Quốc trước khi về VN.

Ông Vương Hải Nam cho biết vì phía New Zealand và Hàn Quốc phải tiến hành các bước điều tra sơ bộ về nguyên nhân đắm tàu In Sung 1 tại Nam cực, phải mất 3-4 ngày các thủy thủ VN mới có thể lên máy bay để trở về Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc sẽ điều tra Công ty In Sung và công bố báo cáo chính thức về nguyên nhân đắm tàu In Sung 1 ở Nam cực trong thời gian tới.

“Giờ biết chắc nó sống rồi”

Sáng 23-12, nhận tin từ tòa soạn báo Tuổi Trẻ trưa nay tàu cứu hộ sẽ đưa bảy thủy thủ VN được cứu sống cùng những người không may mắn cập cảng New Zealand, chúng tôi trực chỉ xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đến nhà thủy thủ Trần Đình Khánh lúc 9g sáng và thông báo giờ cập cảng cho song thân anh Khánh cùng vợ. Cũng kể từ giờ đó, cả gia đình cùng vợ anh Khánh bỏ buổi làm đồng chờ tin chồng, con.

Bữa cơm trưa gia đình không ai gắp nổi thức ăn vì vẫn chưa có tin gì, chúng tôi cũng cố ăn và động viên gia đình. Ông Thịnh ba anh Khánh vừa ăn vừa nghẹn giọng: “Biết nó được cứu nhưng từ đó đến nay chưa nói chuyện được với con, chúng tôi cũng không thể tin chắc được”.

18g10, cả nhà ngồi như bất động không ai nói với ai một lời và nín thở chờ tiếng chuông của những chiếc điện thoại nằm trên bàn. Bỗng nhiên, chị Lan vợ anh Khánh đang chuẩn bị bữa ăn chiều dưới bếp hấp tấp chạy vào òa khóc khi báo tin anh Khánh gọi về. Cầm chiếc điện thoại trên tay, giọng vợ anh Khánh nghẹn ngào khi nói chuyện với chồng.

Câu chuyện của anh Khánh ráp nối từ vợ sang ba, mẹ, hàng xóm... cứ như nghe tin thời sự ở giữa tâm bão điện về.

Chỉ mười phút nói chuyện đứt quãng nhưng anh Khánh cũng báo được thông tin là sức khỏe ổn định, chỉ có tay chân vẫn lạnh ngắt khó cử động. Hầu hết anh em đều ổn, mọi người đang làm các thủ tục cập cảng để sớm nghỉ ngơi. Anh Khánh cho biết sau khi hoàn tất các thủ tục tại New Zealand thì bảy thủy thủ VN sẽ bay Về Hàn Quốc làm các thủ tục cùng với chủ tàu rồi mới về được VN. Những phút ngắn ngủi đó anh Khánh cũng cho biết con tàu chìm rất nhanh khi bị sự cố do một khoang tàu không đậy nắp. Nước tràn vào tàu khiến tàu nghiêng, thuyền trưởng chỉ kịp báo hiệu cho anh em xếp hàng hóa để lấy thăng bằng cho tàu nhưng chưa ai kịp làm gì thì con tàu chìm.

Sau khi đã ổn định tâm trí, mọi người trong gia đình cũng qua cơn xúc động. Ông Thịnh vui mừng nói: “Giờ biết chắc nó sống rồi, hơn mười ngày nay dù biết tin nhưng chưa ai yên tâm, nay nó điện về nói chuyện là tui sướng quá, không cần gì nữa”. Hàng xóm cũng vỡ òa niềm vui chúc mừng gia đình ông.

Trong khi đó tại nhà anh Lê Quang Rực ở xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chị Chu Thị Hà - 31 tuổi, vợ anh Rực - úp mặt vào tường nhà nín thở chờ để được nghe giọng nói của chồng. Hàng chục ngày nhận tin chồng còn sống sót trên con tàu In Sung 1, chị mừng nhưng lại thấp thỏm lo âu. 18g15 ngày 23-12, chuyến tàu chở chồng chị và các thủy thủ khác cập cảng New Zealand, chị Hà đã khóc. PV Tuổi Trẻ đã nối điện thoại cho chị gặp chồng. Nắm chặt chiếc điện thoại, chị rảo bước ra phía ngoài sân. Tay cầm điện thoại, tay còn lại chị Hà bấu chặt vào cột nhà.

Đây là lần thứ ba chồng chị Hà đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc nhưng cũng là lần làm cho chị cùng hai đứa con như muốn chết đi sống lại khi nghe tin tàu chìm ở Nam cực. Qua điện thoại thấy chị Hà khóc, anh Rực bảo: “Khóc làm gì em. Anh sống rồi. Hơn mười ngày nữa anh mới về. Anh không can gì đâu. Lên được phao, người ta cứu anh”. Chị Hà nói: “Anh khỏe là được rồi”.

Càng nghe anh Rực nói, chị Hà càng khóc nhiều hơn khiến anh Rực nóng ruột: “Cứ nhắn với mọi người là anh đang sống. 11 anh em ra đi thì mất bốn, chỉ vớt được một người. Anh bây giờ tay chân lạnh chứ không đau đâu”. Thấy mẹ nói chuyện với bố, hai đứa con anh là Lê Quang Thanh (lớp 8) và Lê Thị Tâm (lớp 6) cũng ôm lấy mẹ khóc nức nở. Niềm vui sau bao ngày mong mỏi đã vỡ òa thành tiếng khóc tại xóm nghèo thôn Đại Đồng vào một đêm lạnh.

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH - TUỆ MINH

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.