Cầu hòa

10/12/2006 23:33 GMT+7

Với lời mời các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc sang thăm Nhật Bản ngay trong mùa xuân tới, Nhật Bản đã chủ động có bước đi ngoại giao hòa giải với Trung Quốc.

Lời cầu hòa được đưa ra một cách bất ngờ và còn phải chờ sự đáp ứng hay cự tuyệt của Trung Quốc, nhưng cũng đủ để cho thấy một nét đặc thù của mối quan hệ này: những trắc trở chưa dễ sớm được khắc phục, nhưng dẫu tồn tại dai dẳng và nổi cộm nhất thời cũng không thể ngăn cản hai nước sớm muộn rồi phải gạt chúng sang bên để duy trì sự hợp tác với nhau.

Những tính toán lợi ích từ phía Nhật Bản có thể dễ dàng nhận thấy. Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa kế thừa quan điểm chính sách của người tiền nhiệm, lại vừa muốn tạo dấu ấn riêng bằng cách khôn khéo hơn và mềm mỏng hơn, chủ động hơn và chú ý tranh thủ dư luận nhiều hơn.

Tình hình chính trị - an ninh ở khu vực Đông Bắc Á đang chuyển chiều hướng diễn biến sau vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, đặt ra tình thế mới đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, buộc Nhật Bản phải có những suy tính chiến lược mới và phải coi trọng vai trò của Trung Quốc hơn trước. Đấy là chưa kể đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và việc Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược quan trọng của không ít quốc gia lớn và nhỏ ở trong cũng như ngoài khu vực. Lời cầu hòa của Nhật Bản có nguyên nhân và động lực từ đó.

Nhật Bản muốn thể hiện thiện chí để tranh thủ dư luận bên ngoài và đẩy Trung Quốc vào tình thế bị động. Lời cầu hòa này mới chỉ bao hàm việc nối lại tiếp xúc và đối thoại chính trị cấp cao chứ chưa có hướng giải pháp cho những bất đồng lâu nay giữa hai nước. Những vướng mắc có nguồn gốc lịch sử giữa hai nước tuy nan giải nhưng có thể được tạm gác lại trong khi những vướng mắc của thời hiện đại lại không thể không được xử lý. Một con chim én mới chỉ báo hiệu mùa xuân, chứ đâu đã làm nên nổi mùa xuân.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.