Để xông mũi họng cho trẻ đúng cách

14/04/2013 14:37 GMT+7

(TNO) Khàn tiếng, khô miệng, nấm miệng, nguy hiểm hơn là tình trạng điếc thoáng qua… là hậu quả không hiếm khi phụ huynh tự ý xông mũi họng cho trẻ mà không theo chỉ định của bác sĩ.

(TNO) Khàn tiếng, khô miệng, nấm miệng, nguy hiểm hơn là tình trạng điếc thoáng qua… là hậu quả không hiếm khi phụ huynh tự ý xông mũi họng cho trẻ mà không theo chỉ định của bác sĩ.

Hậu quả khôn lường

Chị Bích Thủy (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là một trường hợp điển hình. Sau những lần đi khám bệnh cho con và được chỉ định của bác sĩ về nhà xông mũi, về sau, chị tự ý xông mũi họng cho con mỗi lần con trở bệnh. Hậu quả, con chị bị viêm phổi phải nhập viện điều trị.

“Tôi hay mua thuốc về nhà xông mũi họng cho cháu. Thấy cháu cũng đỡ sau mỗi lần xông. Nhưng về sau, cháu bị bệnh nặng hơn và phải nhập viện điều trị”, chị Bích Thủy chia sẻ.


Trẻ dễ bị bệnh về đường hô hấp do thời tiết thay đổi - Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ Trần Thiện Ngọc Thảo, giảng viên bộ môn Nhi khoa, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), xông mũi họng hay còn gọi là phun khí dung là một hình thức đưa thuốc từ dạng lỏng sang dạng phun sương để điều trị một số bệnh lý đường hô hấp cho trẻ. Thuốc qua đường phun khí dung thường có tác động nhanh, trực tiếp tại đường hô hấp, ít hấp thu vào máu nên cũng ít có tác dụng toàn thân.

Nhiều trường hợp người nhà tự ý mua thuốc về phun cho bé có thể làm cho bệnh nặng hơn vì sử dụng không đúng thuốc hoặc sử dụng thuốc không đúng cách. Không ít trường hợp trẻ bị khàn tiếng, khô miệng, nấm miệng hoặc nguy hiểm hơn là tình trạng điếc thoáng qua.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại máy phun không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phun khí dung không đúng cách cũng như không đảm bảo vệ sinh máy sẽ dễ dàng đưa vi trùng vào trong đường thở và phổi, làm cho trẻ càng dễ bị nhiễm trùng hơn.

 

Trong lúc đang phun thuốc, phụ huynh nên quan sát xem bé có những biểu hiện gì bất thường không. Chẳng hạn như bé nôn ói, khó thở hoặc tím tái, phụ huynh cần ngưng phun thuốc ngay và đưa bé đến cơ sở chuyên khoa để được khám, theo dõi.

Bác sĩ Trần Thiện Ngọc Thảo, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM)
Theo thạc sĩ, bác sĩ tai mũi họng Trương Tam Phong (Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh, TP.HCM), việc xông mũi họng cho trẻ tùy thuộc từng loại bệnh khác nhau để chỉ định thuốc và cách xông khác nhau.

“Nếu người nhà xông mũi không đúng cách, sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ phản tác dụng, và có thể làm bệnh của trẻ nghiêm trọng hơn”, bác sĩ Phong cho biết thêm. 

Xông mũi họng đúng cách

Việc xông mũi họng cho trẻ ở nhà vẫn có thể thực hiện; tuy nhiên, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về thuốc xông cũng như cách xông trước khi tiến hành.

Theo bác sĩ Thảo, để phun thuốc đúng cách, trước tiên chúng ta cần lưu ý đến một số vấn đề như: loại thuốc, liều lượng thuốc, số lần cần phun thuốc trong ngày, thời gian dùng thuốc trong bao lâu… Và nên nhớ, bác sĩ sẽ là người quyết định những điều này.

Ngoài ra, trước khi phun thuốc cho trẻ, phụ huynh phải đảm bảo các dụng cụ được tẩy trùng sạch sẽ. Khi chuẩn bị thuốc phun cho bé, phụ huynh cần rửa tay sạch với xà phòng. Khi phun thuốc, phụ huynh nên cho trẻ ở tư thế ngồi thoải mái; thời gian phun thuốc trung bình thường khoảng 10 phút và không nên vượt quá 15 phút.

Theo bác sĩ Phong, mặc dù xông mũi họng có tác dụng tại chỗ, hiệu quả điều trị cao nhưng trong hầu hết trường hợp xông mũi vẫn chỉ là liệu pháp điều trị hỗ trợ bệnh. Do vậy, phụ huynh nên tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.

Nếu phụ huynh có máy khí dung ở nhà và trước đây đã được bác sĩ chỉ định khí dung, nếu bệnh tái phát giống như trước thì có thể thực hiện khí dung một vài lần. Nếu bệnh không giảm, phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ để khám bệnh và được tư vấn thêm.

Cửu Long

>> Nhiều trẻ bị bệnh hô hấp nặng do trời trở lạnh
>> Nhiệt độ cao, bệnh hô hấp tăng
>> Ăn uống kỹ mùa nóng
>> Đổ bệnh vì thời tiết bất thường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.