23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư cuối của tử tù

22/10/2012 03:15 GMT+7

Sau cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” với sự tham gia của hơn 23.000 tù nhân ở gần 100 trại giam, trại tạm giam trên địa bàn cả nước, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết đang đề xuất với Tổng cục VIII, Bộ Công an tổ chức cuộc thi tù nhân viết thư cho người thân.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hưng nhận xét, trong cuộc thi viết tự truyện của 23.000 tù nhân năm 2011, Ban tổ chức phát hiện có khá nhiều người tham gia bằng hình thức viết thư cho người thân, vì viết thư là thể loại hết sức trung thực và rất dễ bộc lộ tình cảm. Do vậy, có thể ngoài hình thức viết tự truyện, các phạm nhân sẽ tham gia cuộc viết thư cho mẹ, cho vợ -chồng, con cái hoặc viết thư cho người yêu, bạn bè. Đặc biệt, ông Hưng nói tới những lá thư cuối cùng mà các tử tù viết cho người thân trước khi ra trường bắn thi hành án. Trong những thời khắc cuối cùng của cuộc đời này, họ có thể không thiết gì đến ăn uống, nhưng tất cả đều muốn viết lá thư sau chót và thường là họ viết gửi cho người mẹ đau khổ của mình. Ngoài ra, còn phải kể đến những lá thư của các cựu tử tù trước đó được Chủ tịch nước ân xá, tha tội chết.

 23.000 tù nhân viết tự truyện - Lá thư cuối của tử tù
Một cựu tử tù sau khi được Chủ tịch nước tha tội chết - Ảnh: nhà văn Đặng Vương Hưng cung cấp

Ông Hưng cho biết, qua những lần xuống thực tế ở một số trại giam tìm hiểu về các tử tù, một số giám thị cho biết khi dẫn ra trường bắn thi hành án, hầu hết họ không ăn được hoặc không ăn hết suất ăn đặc biệt cuối cùng trên trần gian dành cho tử tù, nhưng họ rất chăm chú viết thư, viết rất tình cảm và đầy hối hận như sự lóe sáng lên lần cuối của một nhân tính. Chính từ thực tế này, ông Hưng đang thu thập ở các trại giam những lá thư cuối cùng của các tử tù để phục vụ cho cuộc thi tù nhân viết thư cho người thân, với mong muốn qua hình thức viết thư này, các phạm nhân đang thi hành án tù ở các trại giam sẽ có cơ hội giãi bày tâm tư, tình cảm với người thân ngoài xã hội và góp phần thức tỉnh những người khác đang bước vào vòng tội lỗi. Ông Hưng cũng cho rằng, khi được đọc nội dung tâm tư, tình cảm trong những lá thư cuối cùng của các tử tù gửi cho người thân, có thể các phạm nhân đang thi hành án (hoặc cả với người ngoài xã hội) sẽ cảm nhận được cái giá trị vô cùng lớn lao của mỗi ngày đang sống và mỗi con người cần hết sức tỉnh táo, cân nhắc trước mỗi hành vi sai trái có thể dẫn đến tù tội.

Bình minh không còn tội lỗi

Sau đây là tâm tư dằn vặt của cựu tử tù Vũ Quốc Việt trong những ngày sống biệt giam tử hình chờ thi hành án: “Con người sinh ra vốn ai cũng tốt đẹp và lương thiện. Nhưng đôi khi họ đã thất bại trong việc làm chủ chính hành vi của mình để vươn đến ước mơ ấy. Họ để nguyên phần “ác” của mình vụt dậy, che lấp phần “thiện”, rút ngắn con đường và… họ đã lạc lối. Đến khi họ phải trả giá cho hành động của mình bằng một bản án nghiêm khắc nhất, thì lúc đó phần “thiện” trong con người mới được đánh thức. Họ ân hận, nuối tiếc vì “một phút” nông nổi, tham lam của mình, đã khép lại cánh cửa tương lai đang rộng mở với họ và hơn nữa phải trả giá bằng chính sự sống của mình thì lúc đó mới thấy hối tiếc cuộc sống tươi đẹp này. 

Đã gần 2 năm rồi (kể từ khi tôi bị tuyên án tử hình), mỗi lần mẹ lặn lội vượt qua gần 600 km để đến thăm nuôi tôi, tôi thấy tóc của mẹ lại bạc thêm một phần, lúc đó lòng tôi như xát muối, mỗi khi gặp được, mẹ chỉ kịp hỏi xem tôi có khỏe không, rồi mẹ lại khóc. Có những lần gặp, mẹ tôi không nói được gì mà chỉ ngồi ôm tôi khóc, tôi hiểu là mình đã làm cho bố mẹ và gia đình thật sự thất vọng. Bởi từ khi còn nhỏ đến lúc bắt đầu trưởng thành, mọi hy vọng của bố mẹ và gia đình đều dành hết cho tôi, tôi ân hận về việc làm thiếu suy nghĩ của mình đã dẫn đến hậu quả không những chỉ một mình tôi phải gánh chịu mà còn cả bố mẹ, gia đình tôi và nhiều người khác… Sau mỗi lần được gặp gia đình, khi về đến buồng giam, tôi có cảm giác buồn hơn rất nhiều, có lần tôi đã nói với mẹ: “Mẹ đến thăm con nốt lần này thôi nhé, đừng đến thăm con nữa, vì mỗi lần thăm con rất nhớ bố mẹ và gia đình”. Mẹ nghe tôi nói xong đã khóc nức nở và bảo: “Sao con lại nói với mẹ như thế? Bố mẹ và cả gia đình rất nhớ và lo cho con rất nhiều nên mới đến thăm con thường xuyên để động viên con những lúc như thế này…”. Thực lòng là không phải tôi không muốn gia đình (đặc biệt là mẹ) vào thăm, vì tôi cảm thấy mình có lỗi rất nhiều với bố mẹ, gia đình, nên cứ sau mỗi lần thăm gặp về buồng giam tôi có cảm giác buồn hơn. Lúc đó, trong tôi ký ức ùa về sau những “thước phim” quá khứ ấy và tôi không thể tự trả lời cho chính mình câu hỏi: Tại sao?”.

Cựu tử tù Nguyễn Đức Nguyên lại chọn một cách sống khác khi hai năm trong biệt giam tử tù. Mặc dù một chân bị cùm (theo quy định tử tù phải cùm chân) nhưng ngày nào Nguyên cũng tập thể dục và ca hát. Nguyên viết trong tự truyện: “Hắn cũng như các tử tù khác, không ai biết chắc mình có được đặc ân tha chết không. Để đêm nào cũng vậy, hắn vẫn hồi hộp nghe ngóng xem có nhiều tiếng xe con vào trại lúc nửa đêm, xem có nhiều tiếng chân đi đến, dừng lại trước cửa phòng của mình vào lúc ba bốn giờ sáng. Bởi quãng thời gian này, tử tù thường phải đi thi hành án. Hắn không biết có phải luật quy định, hay con người ta thường nghĩ bóng tối luôn đồng hành cùng với tội lỗi, và do vậy muốn kết thúc tội ác từ trong bóng đêm, trước khi bình minh đến, khởi đầu một ngày mới trong sáng, thánh thiện, không còn cái ác nữa. Hắn cũng như các tử tù khác, đều chuẩn bị sẵn cho mình một bộ quần áo mới, đôi tất chân, găng tay và cả dầu gội, xà phòng để nếu có phải “đi” cũng “đi” cho sạch sẽ, để trả hết nợ và rửa sạch tội lỗi mang trên mình. Chỉ khi nào nghe tiếng kẻng báo thức, hắn mới biết chắc mình còn được sống thêm một ngày nữa, hắn chưa thấy tử tù nào phải thi hành án sau giờ báo thức sáng. Và chỉ dám chắc như vậy thôi. Sau đó lại là những đêm chờ đợi… cho đến khi tiếng kẻng báo thức vang lên…”.

Điều may mắn hy hữu, sau hai năm biệt giam, 2 tử tù Vũ Quốc Việt và Nguyễn Đức Nguyên nói trên đã được Chủ tịch nước tha tội chết và giờ họ đang thi hành án chung thân chờ tới ngày được giảm án.

Nguyễn Việt Chiến
(giới thiệu)

>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Đường dây ngầm sụp đổ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Gãy cánh sau phi vụ “khủng”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Ngã rẽ của người trí thức tài năng
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Tiền và tình dẫn xuống vực sâu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Một tử tù “sống lại để chuộc lỗi”
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù, vợ chồng mơ ngày đoàn tụ
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Án tử hình với một cán bộ tòa
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Người đàn bà bị bóng đêm săn đuổi
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: Bi kịch của một người mẫu
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện: 4.000 đêm chờ thi hành án tử 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.