Bệnh lao

13/06/2013 03:20 GMT+7

Nhiều người thường nghĩ, môi trường sống tốt ở các thành phố lớn sẽ không “dính” bệnh lao. Nhưng, điều này chưa hẳn đúng.

Chớ lơ là

Cận kề ngày thi tốt nghiệp THPT vừa qua, một nữ sinh ở Q.3, TP.HCM bỗng dưng ho ra máu, được bác sĩ xác định bệnh lao, cần phải nhập viện để điều trị, nên em không thể tham dự kỳ thi được. Đó là trường hợp của em T.H (18 tuổi), là học sinh giỏi 12 năm liền và thuộc gia đình khá giả, điều kiện môi trường sống tốt. Trước đó, em có triệu chứng sốt nhẹ, sụt cân, ho ra máu, nhưng cả em và gia đình cứ nghĩ là vì thức khuya học nhiều và do bệnh viêm amidal có sẵn từ trước, chứ không ai nghĩ đến bệnh lao.

 Bệnh lao
Cần đi khám ngay khi có biểu hiện sụt cân, sốt về chiều, ho (nhất là ho ra máu) - Ảnh: Thanh Hương

Trường hợp khác là nữ sinh viên tên B.C (22 tuổi, nhà ở Q.7, TP.HCM). B.C có triệu chứng ho, đi khám ở bác sĩ gần nhà được chẩn đoán viêm hô hấp, hen suyễn. Uống thuốc 1 tuần bệnh không thuyên giảm, còn xuất hiện khó thở. Khi vào Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) thì bác sĩ phát hiện B.C mắc đến hai căn bệnh lao cùng lúc - lao phổi và lao phế quản. 

Những biểu hiện bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Trưởng khoa Khám bệnh - Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, ho ra máu do nhiều nguyên nhân, phần lớn là do các bệnh lý hô hấp, nên người bệnh cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa hô hấp kiểm tra trước. Lao phổi là nguyên nhân thường gặp nhất ở người bị ho ra máu. Mọi người đều có thể nhiễm và mắc bệnh lao, vì cơ thể người là vật chủ mà vi trùng lao ký sinh. Bệnh lao lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Khi bệnh nhân lao phổi nói chuyện, ho, hắt hơi, thì họ sẽ “bắn” ra rất nhiều những hạt đàm nhỏ trong đó có chứa vi trùng lao. Một người đã từng chích ngừa lao lúc mới sinh vẫn có thể mắc bệnh lao khi lớn lên, nhưng có thể tránh được những thể lao nặng (như lao màng não, lao kê).

Vi trùng lao có thể gây bệnh ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể như lao phổi, lao xương, lao da, lao thận, lao màng não, lao màng tim, lao hạch... Trong đó, lao phổi thường gặp nhất; và chỉ có lao phổi mới lây. Người bị lao phổi thường có những triệu chứng như ho khạc kéo dài trên 3 tuần, chán ăn, sụt cân, người mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi ban đêm, đau ngực, khó thở, ho ra máu. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, lao phổi có nhiều biến chứng, thường gặp là ho ra máu (ít, vừa hay nhiều); ho ra máu sét đánh, do lao làm hoại tử thành động mạch - là biến chứng gây tử vong trong vòng vài phút; tràn khí màng phổi, do vỡ một hang lao vào khoang màng phổi - là biến chứng nặng. Nếu vi trùng lao đi vào màng phổi và gây ra tràn mủ, tràn khí màng phổi, thì việc điều trị khó khăn; tràn dịch màng phổi; giãn phế quản (có triệu chứng ho đàm và ho ra máu), suy hô hấp mãn, u nấm phổi...

Bác sĩ Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý, trong mùa thi cử thí sinh hay thức khuya học bài, ăn uống qua loa và chủ quan sức trẻ nên dễ mắc bệnh, cũng như phát hiện bệnh trễ. Lao là bệnh có thể điều trị khỏi, nhưng cần thời gian dài, bệnh nhân cần tuân thủ nguyên tắc điều trị (dùng thuốc đúng liều, đều đặn, đủ thời gian).

Thanh Hương

>> Chẩn đoán nhanh bệnh lao phổi
>> Cần Thơ phê duyệt dự án hỗ trợ ngăn chặn bệnh lao
>> Chuột nghiệp vụ" phát hiện ổ dịch bệnh lao
>> Tắm nắng có thể giúp trị bệnh lao
>> Món tốt cho người bệnh lao
>> Bệnh lao đang “trẻ” lại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.