EU siết chặt chính sách mở rộng khối

14/12/2006 23:51 GMT+7

Hôm qua, các nhà lãnh đạo châu u đã nhóm họp tại hội nghị cấp cao ở Brussels nhằm siết chặt chính sách về việc mở rộng EU. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là cánh cửa vào EU sẽ khép lại đối với các quốc gia muốn gia nhập khối này.

Hội nghị hai ngày diễn ra sau khi 25 thành viên đồng ý phong tỏa một phần các cuộc đàm phán về vấn đề gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo BBC, quyết định này xuất phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối mở cửa các cảng biển và sân bay cho Síp, một thành viên EU, theo thỏa thuận liên minh hải quan mà nước này ký với EU hồi năm ngoái.

Theo dự thảo tuyên bố chung cuối cùng mà Hãng tin Reuters thu thập được, các nhà lãnh đạo EU sẽ tái khẳng định cam kết cuối cùng sẽ kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các quốc gia vùng Tây Balkans như Albania, Bosnia, Croatia, Macedonia, Montenegro và Serbia. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU sẽ kêu gọi kiểm tra gắt gao hơn những tiến bộ của các ứng cử viên trong các lĩnh vực cải cách tư pháp và chống tham nhũng. Các nhà lãnh đạo EU cũng tuyên bố rõ ràng rằng trước khi tiếp nhận thêm thành viên mới, EU cũng nên cải cách các thể chế già cỗi của mình - điều mà Đức nhắm đến khi tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên từ Phần Lan vào tháng tới.

Theo Hãng tin AP, một cuộc thăm dò được tiến hành tại các nước thành viên EU đầu năm nay cho thấy chỉ 39% công dân EU ủng hộ việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả khi nước này đáp ứng tất cả các điều kiện. Các chính khách hàng đầu còn dè dặt hơn nữa. N.Sarkozy, bộ trưởng nội vụ Pháp và là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống ở nước này vào năm tới, tuyên bố trong một chuyến thăm mới đây đến Brussels: "Chúng ta cần nói rõ ai là người châu u và ai không là người châu u. Chúng ta nên đẩy mạnh quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không nên đi xa đến mức trao cho họ quy chế thành viên đầy đủ".

Theo giới quan sát, bất chấp sự phản đối rộng rãi, luật EU vẫn phải được sửa đổi để cho phép các thành viên mới gia nhập khối. Ngoài các cuộc thảo luận về việc mở rộng EU, các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận về việc hợp tác giữa các thành viên về vấn đề người nhập cư và vấn đề trái đất nóng dần lên. Họ cũng sẽ bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Li-băng F.Saniora và Tổng thống Palestine M.Abbas trong việc lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Li-băng và Palestine.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.