Phiếm luận tiền xu

14/11/2005 10:38 GMT+7

Trong cuộc tọa đàm được VTV trình chiếu hôm chủ nhật vừa qua, một cán bộ có thẩm quyền đã phân tích nguyên nhân tại sao người dân lại ngoảnh mặt với tiền xu: vì đã lâu (gần 30 năm) không dùng nên không thấy quen, rồi sợ trẻ em nuốt phải khi... đi mua quà (!).

Còn về lợi ích của tiền xu thì nhiều vô biên, từ tính bền cơ học cho đến tiện ích mọi bề, thậm chí mang cả tính văn hóa và tính truyền thống nữa. Nhà đài cũng đưa ra hàng loạt phóng sự con con về những doanh nghiệp, doanh nhân đã ủng hộ tiền xu bằng cách nhập những máy bán hàng tự động, tự tay chế tạo máy này hoặc các loại máy khác (như điện thoại chẳng hạn) dùng tiền xu.

Thế nhưng, kết cục lại không mấy sáng sủa cho những người tiên phong đi trước đón đầu này: máy của họ tốn tiền nhập về giờ đắp chiếu không ai dùng, sáng chế của họ - tuy số phận ít thê thảm hơn nhưng cũng chỉ nằm lại đâu đó trong ổ cứng máy tính.

Xem xong, phản ứng tất yếu của một khán thính giả điển hình sẽ là cảm thương các doanh nghiệp cùng các cơ quan hữu trách và buồn cho người tiêu dùng (trong đó có mình) kém hiểu biết, và tất nhiên là không khỏi thầm trách ông ngân hàng, hay kho bạc gì đó đã không thấy được lợi ích của tiền xu hàng mấy chục năm trời (!). Nhưng hình như “vậy mà không phải vậy”.

Đi sâu phân tích một chút ta sẽ thấy, để khai thác cái tiện ích mà tiền xu có thể mang lại quả không đơn giản chút nào. Người tiêu dùng phải luôn mang theo ví riêng để đựng tiền xu. Các bà, các cô mang ví đầm còn đỡ chứ bóp của đàn ông đựng xu lẻ e cũng hơi phiền. Còn những người, mà số này rất nhiều, quen quấn tiền thành cục rồi cột dây thun thì xem ra bế tắc.

Đối với các máy bán hàng vấn đề còn phức tạp hơn: đặt ở đâu, quản lý ra sao, bảo vệ thế nào, và trên hết là làm sao đầu tư hiệu quả! Giả sử một máy có giá mua là 5.000 USD, tức khoảng 70 triệu đồng, thời gian hoạt động liên tục là hai năm thì mỗi ngày nó phải xoay cho được 100.000 đồng tiền lãi mới đủ chi phí vốn, chưa nói tới điện đóm, nhân công, bảo vệ, sửa chữa.

Nếu máy bán các sản phẩm giá cao, như thuốc lá chẳng hạn, thì phải đạt 100 gói/ngày, còn nếu là nước ngọt thì phải cả chục két, một con số đáng mơ ước đối với cả một quầy hàng giải khát.

Với điện thoại công cộng dùng xu thì bức tranh còn xám xịt hơn. Nếu điện thoại dùng một loại tiền xu có cùng mệnh giá thì rất bất tiện, vì nếu gọi số cố định mỗi phút chỉ mất có một xu mệnh giá 200đ thì gọi cho di động lại phải mất tới năm bảy lần bỏ xu. Còn nếu máy đủ thông minh để vừa biết tính tiền cuộc gọi tương ứng vừa phân loại được tiền xu thì giá thành lại cao tới mức không chấp nhận được.

Xét rộng thêm ra một số loại hình dịch vụ mà tiền xu có chỗ để ứng dụng như xe buýt, xe điện ngầm, cũng có thể thấy bức tranh không mấy sáng. Người ta thường lấy ví dụ hành khách bỏ tiền xu vào máy tự động để vào cửa lên xe, xuống tàu. Quả thật là rất tiện khi các phương tiện này có đồng mức giá (như Liên Xô cũ), bất kể tuyến đường và phương tiện.

Nhưng nếu áp dụng cách tính giá dịch vụ tỉ lệ với quãng đường đi, hay chỉ đơn giản là các loại hình dịch vụ có mức giá khác nhau thì việc thanh toán trở nên phức tạp, và lúc đó tiền xu mất đi lợi thế của mình. Đó là chưa kể tới việc xu của ta nhiều mệnh giá quá, thay vì ba hoặc bốn là cùng như ở các nước khác thì ta lại có tới sáu loại xu từ 100 đồng - 5.000 đồng.

Thêm nữa, kích thước của chúng lại không hoàn toàn theo nguyên tắc bé mệnh giá thấp, lớn mệnh giá cao nên gây rất nhiều phiền phức cho các máy tự động

Tựu trung, có lẽ tác dụng lớn nhất của tiền xu hiện nay là ở chỗ nó không ướt, không dễ bị rách và do người ta không muốn giữ nó lâu trong túi, tìm mọi cách tiêu đi cho nhanh, nên vô hình trung tiền xu đã tự mình làm một cuộc kích cầu qui mô khá rộng, có thể nói đây là mặt tích cực nhất của nó.

Thẻ từ thay tiền lẻ

Nếu có dịp sang Hồng Kông hay một số thành phố mới phát triển của nước bạn Trung Hoa, ta sẽ thấy việc thanh toán bằng thẻ từ cho các dịch vụ công cộng và mua bán lẻ rất phổ biến và tiện dụng.

Chỉ với một thẻ, bạn có thể mua thuốc lá, nước ngọt, gọi điện thoại, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng mà hoàn toàn không phải lo đến chuyện tiền lẻ. Thậm chí bạn không cần phải rút thẻ mỗi khi thanh toán mà chỉ để nguyên trong ví và đập nhẹ lên máy tính tiền, máy sẽ lập tức đọc ra các thông số trên thẻ và tự động trừ lùi số tiền dịch vụ tương ứng.

Việc thanh toán bằng thẻ từ không chỉ mang lại sự tiện ích mà xét về tính an toàn thì không ai địch nổi. Những tên trộm dù to gan đến đâu, thèm tiền đến đâu cũng không thể đập phá các máy bán hàng tự động, đơn giản vì chúng sẽ không kiếm được ở đó dù một cắc lẻ.

Hoàng Hà
(Báo Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.